Cảnh báo các vụ tai nạn đuối nước của trẻ nhỏ trong dịp hè
Rèn kỹ năng bơi để phòng đuối nước
Đuối nước là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5 đến 14 tuổi. Tại Việt Nam, mỗi năm có gần 2.000 trẻ em gặp tai nạn đuối nước
Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tình hình đuối nước trẻ em đã giảm trong những năm vừa qua. Mỗi năm giảm từ 3-5%, tương đương với trung bình mỗi năm giảm 100 trường hợp trẻ em bị tử vong do đuối nước.
Hồ Tây nhiều năm nay trở thành "bể bơi công cộng" của không ít người lớn và trẻ em, bất chấp biển cấm bơi lội |
Tuy nhiên mỗi năm, cả nước vẫn còn gần 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước. Ở thời điểm hiện tại, mùa hè năm 2023 chỉ mới bắt đầu nhưng không ít các vụ trẻ nhỏ tử vong vì đuối nước đã được ghi nhận, mặc dù đã liên tục được cảnh báo, tuyên truyền.
Trước đó ngày 23/5, một đoàn khách khoảng 50 người gồm phụ huynh và học sinh của trường tư thục ở Tây Mỗ (Hà Nội) về tham quan, trải nghiệm tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Do là bãi cát non nên khi nước dâng lên, thay đổi dòng chảy, nhiều học sinh bị sụt và nước cuốn khiến 2 người tử vong (1 học sinh và 1 phụ huynh)
Ngày 3/6, lãnh đạo UBND xã Đặng Cương (huyện An Dương, TP Hải Phòng) cho biết, trên địa bàn mới xảy ra vụ đuối nước khiến bé trai 12 tuổi tử vong. Đây là học sinh Trường THCS Đặng Cương, đang trong thời gian nghỉ hè.
Tại Hà Nội, gần đây, do nhiệt độ tăng cao nên người dân tìm đến các sông hồ để bơi, tắm, giải nhiệt diễn ra khá phổ biến. Không khó để bắt gặp cảnh nhiều người tìm đến khu vực bãi giữa sông Hồng để bơi lội, tập luyện.
Đáng nói, trong số những người đi “giải nhiệt”, có không ít trẻ em. Trên thực tế, nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra chỉ vì vài phút bất cẩn của người lớn cộng với sự hiếu động của trẻ nhỏ, hậu quả rất khó lường.
Về các biện pháp phòng đuối nước, TS Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: "Chúng ta cần tổ chức tuyên truyền cho mọi người dân cùng tham gia phòng tránh đuối nước trẻ em; Giáo dục kiến thức, kỹ năng (cho trẻ từ lớp 1) phòng chống đuối nước và dạy trẻ bơi an toàn cùng với đó tuyên truyền cho người chăm sóc trẻ luôn để ý, quản lý, giám sát trẻ mọi lúc, mọi nơi; Loại bỏ nguy cơ đuối nước cho trẻ em tại cộng đồng, gia đình, trường học.
Các khu vực bơi công cộng phải được giám sát bởi nhân viên được huấn luyện về các kỹ thuật cứu hộ. Ao, hồ, dụng cụ chứa nước trong gia đình phải có rào chắn, nắp đậy; Có các biển cảnh báo tại các sông ngòi, hồ nước… nơi công cộng.
Cha mẹ và nhà trường giáo dục, hướng dẫn cho trẻ nhận biết các nơi nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra đuối nước; Tuyên truyền phổ biến các biện pháp phòng ngừa và cấp cứu ban đầu đúng cho người dân; Tổ chức các lớp cấp cứu cơ bản cho cộng đồng".
Những sai lầm trong sơ cứu trẻ đuối nước
TS. BS Lê Ngọc Duy cho biết thêm: "Nếu được cấp cứu kịp thời trẻ có thể qua cơn nguy kịch nhưng cũng có thể dẫn tới biến chứng nặng nề như: Suy hô hấp, viêm phổi, hoặc di chứng tổn thương não do thiếu ô xy kéo dài hoặc thậm chí trẻ có thể tử vong.
Phần lớn trẻ bị đuối nước tử vong hoặc để lại di chứng não bởi không được sơ cứu hoặc sơ cứu không đúng cách. Vài phút đầu là thời gian vàng để cấp cứu trẻ đuối nước. Việc cấp cứu đúng cách cực kỳ quan trọng, quyết định sự sống còn của trẻ".
Một trẻ 6 tuổi đuối nước nhưng không được cấp cứu ban đầu đúng cách nên rơi vào nguy kịch được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương |
Theo khuyến cáo của TS.BS Duy, khi gặp trẻ đuối nước đầu tiên chúng ta cần nhanh chóng gọi trợ giúp của những người xung quanh bằng cách gọi to, gọi cấp cứu 115. Ngay sau đó, người sơ cứu cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nước bằng mọi cách. Đây là bước rất quan trọng, có hai phương pháp là cứu đuối gián tiếp và cứu đuối trực tiếp.
Cứu đuối gián tiếp là sử dụng các dụng cụ cứu đuối sẵn có (phao, dây, gậy, quần áo, các vật có thể nổi trên nước…) để cứu người đuối nước khi vẫn còn đang tỉnh. Tùy theo tình hình, tính chất của mỗi trường hợp cụ thể mà người cứu đuối lựa chọn phương án phù hợp, an toàn và hiệu quả.
Cứu đuối trực tiếp là xuống nước, bơi đến cứu nạn nhân. Cứu đuối trực tiếp nên dành cho đối tượng cứu hộ chuyên nghiệp, được đào tạo có đủ sức khỏe và năng lực ở thời điểm thực hiện hoặc đối tượng không chuyên có kỹ năng bơi và cứu đuối.
"Sau khi đưa ra khỏi nước, người sơ cứu cần kiểm tra xem trẻ có thở và có tỉnh không bằng cách nhìn lồng ngực có di động hay không? Đặt tai của mình gần miệng và mũi trẻ có cảm thấy không khí thở ra ở trên má của bạn không? Thở ngáp được xem là không thở. Trong khi kiểm tra hơi thở, chúng ta cũng có thể lay gọi trẻ để xem đứa trẻ có phản ứng không?", TS.BS Duy chia sẻ.
Nếu trẻ không thở, người sơ cứu hãy bắt đầu hồi sức tim phổi (CPR) ngay bằng cách cẩn thận đặt trẻ nằm ngửa trên nền cứng; Nếu nghi ngờ trẻ chấn thương cổ thì hãy di chuyển trẻ trẻ bằng cách di chuyển toàn bộ cơ thể (đầu, cổ, cột sống và hông) với nhau, giữ cho tất cả chúng thẳng hàng; Không ngửa đầu nâng cằm, chỉ cần ấn góc hàm; Nếu không nghi ngờ trẻ chấn thương cổ thì giữ đầu trẻ ngửa ra sau và nâng cằm để thông đường thở (kỹ thuật ngửa đầu - nâng cằm).
Việc tiến hành hồi sức tim - phổi (CPR) cho trẻ bằng cách: Thổi ngạt: Với trẻ nhỏ, đặt miệng của bạn trên cả mũi và miệng của trẻ để thổi ngạt được kín. Với trẻ lớn hơn, một tay ép cánh mũi và đưa miệng của bạn thổi vào miệng của trẻ, thổi chậm, đều trong 1- 2 giây và ngực của trẻ sẽ phồng lên, thổi ngạt 5 nhịp thở đầu tiên.
Ép tim ngoài lồng ngực: Ngay sau thổi ngạt 5 nhịp đầu tiên, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực. Sử dụng một tay đặt vuông góc với lồng ngực (trẻ lớn/người lớn có thể dùng hai tay). Vị trí ép tim: 1/2 dưới xương ức, ấn xuống ngực sâu khoảng 1/3 - 1/2 lồng ngực theo đường kính trước sau. Tốc độ ép tim 100 - 120 lần/phút.
Những lần tiếp theo tiếp tục thực hiện theo chu kỳ 30 lần ép tim/2 lần thổi ngạt. Tiếp tục ép tim và thổi ngạt liên tục (cả trong quá trình vận chuyển cấp cứu) cho tới khi trẻ tự thở lại được, hồng hào trở lại.
"Sau khi trẻ tỉnh cần đặt nạn nhân ở tư thế an toàn, nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để phòng tránh trẻ bị ngạt thở trở lại; Lau khô người, thay quần áo và ủ ấm bé sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Trên đường đi người nhà cần chú ý theo dõi hô hấp, tuần hoàn của trẻ. Tốt nhất là có sự trợ giúp vận chuyển của nhân viên y tế", TS Duy nhấn mạnh.
TS.BS Lê Ngọc Duy cũng đưa ra cảnh báo một số chú ý khi cấp cứu trẻ đuối nước và những sai lầm cần tránh như không được dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy làm cho các dịch ở dạ dày trào ngược hít vào đường thở và làm chậm trễ hồi sức tim phổi (ép tim/thổi ngạt) làm mất thời gian vàng để cấp cứu trẻ; Không được ngừng hồi sức tim phổi nếu trẻ chưa có nhịp thở; Khi ép tim ngoài lồng ngực, không ấn ngực quá mạnh sẽ gây gãy xương sườn, đụng dập phổi; Người cứu không biết bơi nhưng lại cố gắng nhảy xuống nước sẽ gây nguy hiểm tính mạng; Phụ huynh cần đưa tất cả trẻ bị đuối nước đến các cơ sở y tế để tiếp tục kiểm tra và theo dõi các biến chứng sau đuối nước.