Tag

Hiện đại hóa công nghệ xử lý chất thải rắn: Xu hướng tất yếu

Môi trường 29/10/2020 09:00
aa
TTTĐ - Hiện nay, đã có nhiều phương pháp, công nghệ xử lý chất thải rắn nói chung và chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) nói riêng được triển khai. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, áp dụng các công nghệ đó tại các địa phương vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc dẫn đến việc xử lý CTRSH vẫn là một vấn đề nan giải.
Giải quyết bất cập trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt Hà Nội: Thí điểm trung chuyển, tái chế chất thải rắn xây dựng tại quận Hoàng Mai
Hệ thống xử lý rác thải rắn ở Thanh Hóa
Hệ thống xử lý rác thải rắn ở Thanh Hóa

Chôn lấp rác và vấn đề ô nhiễm môi trường

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh trên cả nước khoảng 61.000 tấn/ngày, trong đó khối lượng phát sinh tại khu vực đô thị là 37.000 tấn/ngày, khu vực nông thôn là 24.000 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom CTRSH trung bình tại đô thị đạt khoảng 85,5%, tại nông thôn đạt khoảng 45-60%.

Hiện nay, phương pháp chính trong xử lý/tiêu hủy CTRSH vẫn là chôn lấp. Ước tính 71% CTRSH được xử lý chủ yếu bằng công nghệ này, còn lại được xử lý bằng phương pháp khác như sản xuất phân compost, thiêu đốt hoặc thiêu đốt có thu hồi năng lượng và một số công nghệ khác.

Tại Việt Nam hiện có hơn 900 bãi chôn lấp CTRSH trong đó chưa đến 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Thậm chí, tại các bãi chôn lấp hợp vệ sinh, một số có hệ thống thu gom khí, một số không; hệ thống xử lý nước rỉ rác trong nhiều trường hợp không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Phần lớn các bãi chôn lấp hiện tiếp nhận CTRSH chưa được phân loại tại nguồn, có thành phần hữu cơ cao nên tính ổn định thấp, chiếm nhiều diện tích đất, phát sinh lượng lớn nước rỉ rác. Nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đã và đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe, hoạt động sản xuất của cộng đồng xung quanh…

Điều đáng nói là, có khoảng 22% rác thải thu gom được đưa vào các cơ sở xử lý khác nhau thay vì bãi chôn lấp nhưng việc xử lý gặp nhiều trở ngại. Tại Hà Nội, đã có hai nhà máy xử lý rác thải thành phân nhưng hiện đã dừng do phân compost không tiêu thụ được vì chất lượng kém.

Tương tự tại Hải Phòng, Phú Thọ các nhà máy này đều chung số phận. Đối với công nghệ xử lý CTRSH đã và đang triển khai thì hầu hết là các lò đốt công suất nhỏ (chưa đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt - QCVN 61-MT: 2016/BTNMT), chưa tích hợp hệ thống thu hồi năng lượng hoặc phát điện.

Tại Việt Nam, hoạt động đồng xử lý nhiên liệu và nguyên liệu thay thế trong các nhà máy sản xuất xi măng đang ở giai đoạn sơ khai và có nhiều tiềm năng phát triển, bởi đã có khung pháp lý hỗ trợ, quy trình cấp phép và có không ít các công ty sẵn sàng đầu tư vào công nghệ xanh… Đây là những yếu tố thúc đẩy việc sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu thay thế tại Việt Nam.

Tuy nhiên, rác thải của Việt Nam có đặc thù là “tả phế lù”, tức là chưa được phân loại tại nguồn. Yếu tố này bất lợi trong thực hiện đồng xử lý, không thích hợp để đồng xử lý.

Theo Vụ Quản lý chất thải (Tổng cục Môi trường), các khu xử lý, bãi chôn lấp chất thải thường ở xa khu dân cư nên làm tăng chi phí vận chuyển. Nhiều phương tiện vận chuyển không đáp ứng yêu cầu gây rò rỉ nước thải hoặc gây ô nhiễm mùi trong quá trình vận chuyển.

Muốn thực hiện đồng xử lý, rác thải sinh hoạt của Việt Nam cần phải qua khâu trung gian phân loại rác, trong đó cần thiết và tạo tiền đề thực hiện là yêu cầu sửa đổi, “bổ sung Luật Bảo vệ môi trường 2014 theo hướng phải có yêu cầu và chế tài mang tính bắt buộc phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn.”

Bên cạnh đó, riêng đối với đồng xử lý rác thải rắn sinh hoạt, chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Trong khi đó, Việt Nam đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đồng xử lý chất thải nguy hại trong lò nung xi măng từ năm 2011 cùng nhiều quy định, hướng dẫn về thủ tục, quyền lợi, hỗ trợ…

Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp lợi nhuận được coi là số 1, nếu như không bắt buộc phải đốt rác thải nguy hại thay cho dùng than thì doanh nghiệp sẽ không làm vì rất phức tạp, ảnh hưởng đến công nghệ, thiết bị và một phần chất lượng sản phẩm…

Vì vậy, đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có INSEE Việt Nam là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam thực hiện đồng xử lý đa dạng chất thải nguy hại, chất thải không nguy hại. Còn việc thực hiện đồng xử lý đối với rác thải sinh hoạt hoàn toàn bỏ ngỏ.

Xử lý chất thải cho mục đích năng lượng

Giải bài toán CTRSH ở Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên ưu tiên đầu tư các nhà máy xử lý CTRSH tập trung, công nghệ hiện đại và công suất lớn, nhất là các nhà máy áp dụng công nghệ đốt rác phát điện tiên tiến. Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhằm đánh giá, lựa chọn các công nghệ xử lý trong nước; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia các dự án sản xuất thử nghiệm, nhận chuyển giao công nghệ xử lý CTRSH gắn liền với các dự án đầu tư và nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy mô lớn.

Theo Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, sẽ nâng tỉ lệ xử lý chất thải cho mục đích năng lượng từ mức không đáng kể hiện nay lên 30% vào năm 2030, khoảng 70% vào năm 2030 và hầu hết được tận dụng cho mục đích năng lượng vào năm 2050.

Trong chiến lược này, các địa phương cũng phải đặt mục tiêu giảm tỷ lệ rác chôn lấp theo lộ trình và lựa chọn công nghệ xử lý CTRSH phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, môi trường thực tế của từng địa phương. Bởi có công nghệ chi phí thấp nhưng trong quá trình xử lý lại phát sinh ô nhiễm thứ cấp. Công nghệ hiện đại, chi phí vận hành cao nhưng xử lý an toàn, không gây mùi, không phát sinh ô nhiễm thứ cấp.

Chẳng hạn như công nghệ đốt không thu hồi năng lượng với ưu điểm là thời gian xử lý chất thải ngăn, tiết kiệm đất, song giá thành đầu tư lớn, chi phí vận hành bảo dưỡng, sửa chữa cao, vận hành phức tạp.

Còn công nghệ đốt thu hồi năng lượng (điện rác) được coi là công nghệ hiện đại nhất hiện nay thì đòi hỏi đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, chi phí vận hành cao nhưng có nhiều ưu thế về xã hội và môi trường.

Bãi rác ở Bỉm Sơn đang chờ được xử lý
Bãi rác ở Bỉm Sơn đang chờ được xử lý

Tại các địa phương, mô hình điện rác đã bắt đầu được triển khai. Bước đầu ghi nhận tại Cần Thơ và Quảng Bình, các nhà máy đốt rác phát điện đã đi vào hoạt động.

Các địa phương khác cũng đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện như: Dự án nhà máy điện rác Vĩnh Tân, tỉnh Đồng Nai (công suất 600 tấn/ngày, công suất phát điện 30MW); Nhà máy điện rác Sóc Sơn, Hà Nội (công suất 4.000 tấn/ngày, công suất phát điện 75MW); Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt phát điện Trạm Thản, Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ (công suất 500 tấn/ngày); hai Nhà máy đốt rác phát điện tại Củ Chi, TP Hồ Chí Minh (của Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa, công suất mỗi nhà máy 1.000 tấn/ngày)…

Nhìn vào quy trình cơ bản của một mô hình đốt rác phát điện, có thể thấy khó khăn chính ở Việt Nam là việc lựa chọn công nghệ đốt rác với loại rác thải không được phân loại từ nguồn.

Hiện nay, công nghệ đốt rác phát điện Intec TCT đã vào việt Nam. Công nghệ Intec là thành tựu của các nhà khoa học Đức sau 10 năm nghiên cứu và được cấp bằng sáng chế.

Công nghệ này có những điểm khác biệt với những công nghệ khác ở chỗ không “đốt” mà sẽ “nung” rác. Rác sẽ được nung với nhiệt độ nhất định thì toàn bộ chất rắn biến thành khí. Hơn nữa, đốt rác thì phải dùng oxy và thải khí Cacbon ra môi trường và đây cũng là nguy cơ gây ô nhiễm. Tuy nhiên, với công nghệ Intec TCT, khi nung khí nóng sẽ quay tuabin để phát ra điện. Khí này được đốt trong lồng kín nên không bị thải độc hại ra môi trường. Một phần không thành khí khi nung sẽ chuyển hoá thành than cốc, dùng cho những lò luyện thép, còn lại lượng sỉ không đáng kể thì mang chôn lấp (dưới 2%).

Xây dựng nhà máy xử lý rác phát điện với công nghệ hiện đại, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp. Thế nhưng, hiện nay, doanh nghiệp cũng còn gặp không ít rào cản về chính sách dù vốn và công nghệ đã sẵn sàng.

Để gỡ khó cho doanh nghiệp, các chuyên gia đề xuất, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật, các quy trình, thủ tục còn vướng mắc giữa các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng trong lĩnh vực quản lý chất thải sinh hoạt đô thị (pháp luật về PPP, các quy định phát triển dự án điện rác, công tác quy hoạch…), đồng thời, cụ thể hóa chính sách ưu đãi đầu tư.

Để xử lý hàng ngàn tấn rác mỗi ngày, năm 2017, UBND TP Hà Nội đã lên kế hoạch thu hút đầu tư, xây dựng 5 nhà máy đốt rác phát điện, phấn đấu đến năm 2021 đi vào hoạt động, trong đó có dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn.

Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn được chấp thuận đầu tư từ năm 2017 với tổng mức đầu tư 7.000 tỉ đồng bằng vốn nước ngoài. Sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi cơ học của Bỉ, nhà máy có công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày đêm và dự kiến công suất phát điện khoảng 75 MW điện/giờ, được đánh giá là dự án điện rác có quy mô lớn hàng đầu thế giới.

Dự án này do CTCP Môi trường năng lượng Thiên Ý là chủ đầu tư, Tổng thầu MCC (Trung Quốc) thực hiện.

Theo đại diện ban quản lý, tính đến tháng 9/2020, dự án đã hoàn thành khoảng hơn 65% các hạng mục chính. Hiện đơn vị đang thi công tường bao khu vực; sàn đổ rác nhà máy chính; bể rác số 1; bể rác số 2; sàn sau lò nhà máy chính; phòng tua bin hơi; nhà hành chính; tường bao phía Nam; trạm tăng áp; trạm xử lý nước thải; lắp đặt cẩu tháp số 1 và số 2; lắp đặt hệ thống lò đốt số 2 và số 3…

Trao đổi với PV, ông Lý Ái Quân (đại diện Công ty cổ phần Môi trường năng lượng Thiên Ý) cho biết: "Dự án này được Nhà nước phê duyệt quy hoạch vào điện 7. Dự kiến nguồn điện năng làm ra sẽ sử dụng chính cho công ty; một phần còn lại chúng tôi sẽ phát vào mạng lưới điện quốc gia. Công ty Thiên Ý cũng đã ký hợp đồng với Công ty điện lực Việt Nam".

"Để thực hiện tiến độ theo kế hoạch, trong những tháng này, chúng tôi cần có 1.500 - 1.700 công nhân làm tại công trường. Tuy nhiên hiện tại chúng tôi chỉ có 600 - 700 công nhân trực tiếp làm tại công trường.

Khó khăn nhất của chúng tôi hiện nay là nguồn nhân lực, đặc biệt trong các tháng 7-8 vừa qua, theo kế hoạch là những tháng cao điểm, có tính quyết định đến tiến độ của dự án. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, Chính phủ Trung Quốc đã giới hạn lượng người ra nước ngoài nên mỗi tháng chúng tôi chỉ tiếp nhận được 30 - 40 người từ Trung Quốc tới làm việc", ông Lý Ái Quân thông tin thêm.

Ngoài vấn đề nhân lực thì việc nhập các trang thiết bị từ các nước như Bỉ, Đức, Phần Lan cũng gặp nhiều trở ngại.

Chủ đầu tư dự án cho biết đã chủ động thực hiện các biện pháp khắc phục như đốc thúc đối tác nước ngoài thực hiện đúng thỏa thuận trong đơn đặt hàng, đồng thời cử thêm người sang các nước để phối hợp cùng hoàn thiện các thủ tục chuyển hàng về Việt Nam nhanh nhất.

Với dây chuyền công nghệ hiện đại, nhà máy sẽ không phải phân loại rác thải từ đầu nguồn mà tất cả rác thải đều đốt được. Nhiệt độ trong lò đốt luôn được đảm bảo ổn định theo tiêu chuẩn nên có ưu điểm rất lớn về bảo vệ môi trường, độ bền của lò đốt được ổn định lâu dài.

Các thành phần chất thải trơ, tro xỉ cũng được tận dụng để sản xuất vật liệu xây dựng (đóng gạch không nung) hoặc san lấp mặt bằng.

Phương pháp xử lý rác mới này hứa hẹn sẽ dần thay thế phương pháp chôn lấp vốn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, đồng thời lãng phí một nguồn tài nguyên rất lớn để chuyển hóa thành năng lượng là rác.

Chính phủ rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường và khuyến khích phát triển công nghệ xử lý rác hiện đại. Tuy nhiên, bên cạnh định hướng, chính sách vĩ mô thì còn cần sự vào cuộc quyết liệt trong từng dự án cụ thể từ phía các bộ, ngành có liên quan, các địa phương và cả người dân.

Chúng ta hiểu rằng so với các loại hình công nghệ sản xuất điện năng khác (thủy điện, nhiệt điện than...), đốt rác phát điện không thể chiếm ưu thế về hiệu quả năng lượng. Cần nhìn nhận sự việc theo góc độ sinh thái-đốt rác và tận dụng nhiệt thải để phát điện, trước hết là một giải pháp giúp cho quá trình xử lý rác thải được hiệu quả cao hơn, bền vững hơn.

Ngay trong việc thu phí rác thải ở nước ta hiện nay vấn đề “hoạch toán” cũng không là yếu tố chính bởi thu không đủ chi.

Theo WB, mức thu phí rác thải tại Việt Nam mới chiếm khoảng 0,5% thu nhập trung bình của hộ gia đình, trong khi “nhẽ ra” mức phí phải chiếm từ 1-1,5% thu nhập trung bình của các hộ gia đình.

Đồng thời, tỷ lệ thu phí xử lý rác hằng năm tại các địa phương đạt thấp. Ví dụ, tại 4 quận nội thành Hà Nội (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng) phí rác tối đa là hơn 103 tỷ đồng/năm nhưng số tiền thu được trên thực tế chỉ là 65,8 tỷ đồng/năm, bằng 64%.

Trong việc đánh giá hiệu quả của công nghệ điện rác giá trị kinh tế nên được đặt sau giá trị bảo vệ môi trường. Nếu không đẩy nhanh tỷ trọng công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng trong việc xử lý rác thải rắn sinh hoạt, mà chỉ trông chờ vào kiểu chôn lấp truyền thống thì tình trạng “ứ rác” như tại Hà Nội trong thời gian vừa qua vẫn có nguy cơ tiếp tục xảy ra.

* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020”

Đọc thêm

Bài 3: Sứ mệnh lịch sử và yêu cầu chất lượng cuộc sống Môi trường

Bài 3: Sứ mệnh lịch sử và yêu cầu chất lượng cuộc sống

TTTĐ - Ngày 31/7/2024, Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về lãnh đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm cấp nước sạch nông thôn. Nhân dân và các doanh nghiệp cấp nước trên địa bàn Tiên Lãng đều mừng nhưng để nghị quyết này đi vào cuộc sống đang còn nhiều bất cập.
Phân loại rác tại nguồn: Từ ý thức đến hành động Môi trường

Phân loại rác tại nguồn: Từ ý thức đến hành động

TTTĐ - Theo thống kê, tại Hà Nội, mỗi ngày có hơn 7.000 tấn rác thải. Dự báo, đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng 10 - 16%/năm...
Bắc Bộ nắng hanh, miền Trung mưa lớn Môi trường

Bắc Bộ nắng hanh, miền Trung mưa lớn

TTTĐ - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 22/11 đến đêm 23/11, khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 300mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn trên 100mm/6h.
Bài 2: Khi nước sạch là vấn đề bức thiết hàng đầu... Môi trường

Bài 2: Khi nước sạch là vấn đề bức thiết hàng đầu...

TTTĐ - Khi một số chỉ tiêu nước sinh hoạt không đạt quy chuẩn, nhiều người cho rằng “đó là lỗi của các nhà máy nước”. Một số người còn coi các nhà máy nước mini như những “cái gai” cần phải nhổ bỏ để đón đơn vị cấp nước quy mô lớn vào phục vụ.
Quảng Nam cần 905 tỷ đồng để tiếp tục khơi thông dòng Cổ Cò Môi trường

Quảng Nam cần 905 tỷ đồng để tiếp tục khơi thông dòng Cổ Cò

TTTĐ - Theo UBND thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), dự án nạo vét sông Cổ Cò (Km14 đến Km19+456) sẽ có tổng mức đầu tư dự kiến 905 tỷ đồng.
Quảng Nam: Đấu giá thành công điểm mỏ đất 600.000 mét khối Xã hội

Quảng Nam: Đấu giá thành công điểm mỏ đất 600.000 mét khối

TTTĐ - Một công ty tại huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) đã trúng đấu giá điểm mỏ đất 600.000 mét khối thuộc địa bàn huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam).
Hai gói thầu lò đốt rác tại Hội An vi phạm về đấu thầu Môi trường

Hai gói thầu lò đốt rác tại Hội An vi phạm về đấu thầu

TTTĐ - Hai gói thầu thuộc dự án Lò đốt rác thải tại TP Hội An được cơ quan chức năng xác định vi phạm pháp luật về đấu thầu.
Quảng Nam: Doanh nghiệp chưa hoàn thổ mỏ vàng G60 xin không nộp phạt Xã hội

Quảng Nam: Doanh nghiệp chưa hoàn thổ mỏ vàng G60 xin không nộp phạt

TTTĐ - Công ty CP Miền Trung cho rằng đã hoàn thành các nghĩa vụ thuế thuê đất tại khu vực mỏ vàng G60, xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam từ năm 2008.
Bắc Bộ sáng sớm có sương mù, ngày nắng dịu Môi trường

Bắc Bộ sáng sớm có sương mù, ngày nắng dịu

TTTĐ - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ đêm 21/11 đến đêm 22/11, khu vực từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 50-120mm, có nơi trên 180mm; cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn.
Hải Phòng: Giải pháp nào cho sản xuất nước sạch tại huyện Tiên Lãng? Môi trường

Hải Phòng: Giải pháp nào cho sản xuất nước sạch tại huyện Tiên Lãng?

TTTĐ - Người dân phản ánh chất lượng nước sinh hoạt do một số nhà máy nước trên địa bàn huyện Tiên Lãng cung cấp đang bị ô nhiễm. Theo đó, người dân mong muốn có đơn vị cấp nước đảm bảo chất lượng, an toàn.
Xem thêm