Hiệp Hòa - Bắc Giang: Thực hư thông tin “bảo kê” máy gặt ở làng Xuân Biều
Mới đây tài khoản Facebook với tên “Toinguyên Bá Quang Ngo” đã đăng tải clip kèm theo nội dung thể hiện Ban Quản lý thôn kết hợp với Công an xã “bảo kê” cho máy gặt lúa tại địa phương.
Ảnh cắt từ clip. |
Cụ thể, nội dung bài viết nêu:
“Lãnh đạo thôn Xuân Biều đang đuổi những cái máy gặt do người dân trong thôn gọi về để gặt lúa. Họ bắt phải gặt do máy của Ban quản lý thôn gọi về.
Các bạn thấy có vô lý không, Ban Quản lý thôn Xuân Biều nói là họ đã hợp đồng nên họ đuổi những cái máy gặt do người dân trong thôn gọi nhưng không đuổi được.
Máy gặt của Ban Quản lý thì lấy 130 đồng một sào còn máy gặt do dân gọi về chỉ lấy 100 đến 120 nghìn đồng một sào. Ban Quản lý thôn Xuân Biều còn cầm giấy bút đi ghi lại từng hộ dân ai mà gặt máy của dân gọi về thì sau này có chuyện gì xảy ra thì đừng gọi Ban quản lý và có người nhà chết cũng không đến.
Thật là vô lý quá, từ xa xưa đến nay mới thấy Ban Quản lý thôn Xuân Biều gọi cả trưởng xóm và một công an xã để “bảo kê” cho máy gặt”.
Nội dung tài khoản Facebook với tên “Toinguyên Bá Quang Ngo” đăng tải. |
Được biết, địa danh Xuân Biều mà tài khoản Facebook với tên “Toinguyên Bá Quang Ngo” nhắc đến ở trên là Làng Xuân Biều thuộc xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.
Sau khi clip cũng như nội dung bài viết mà tài khoản Facebook với tên “Toinguyên Bá Quang Ngo” đăng tải đã có tới hàng trăm lượt chia sẻ và hàng nghìn lượt xem. Nhiều người xem clip bày tỏ thắc mắc thực hư của việc Ban Quản lý thôn Xuân Biều và Công an xã Xuân Cẩm “bảo kê máy gặt lúa” là như thế nào?
Làng Xuân Biều thuộc xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa, (Bắc Giang). |
Để trả lời câu trả lời cho những thắc mắc đó, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã đến làng Xuân Biều và được một số người dân trong làng cho biết, clip được lan truyền trên mạng đúng là ở làng chúng tôi nhưng không có chuyện “bảo kê” máy gặt.
“Các mùa vụ trước, việc những chiếc máy gặt tự do đến làng tôi gặt lúa dẫn đến tình trạng những ruộng dễ làm thì họ gặt, còn những ruộng khó họ thường không làm, nếu có làm thì giá cao hơn. Ruộng lúa nhà nào chín muộn khi máy gặt đi qua thì nhà đó sẽ không được máy gặt quay trở lại gặt cho, khiến công tác thu hoạch gặp khó khăn.
Trước thực tế đó, Ban quản lý thôn Xuân Biều đã gọi một số máy gặt về để phục vụ thu hoạch lúa cho bà con nhân dân với yêu cầu chủ những máy gặt này phải cam kết mức giá là bằng nhau ở tất cả các loại ruộng (từ ruộng khó đến dễ gặt) và phải quay lại gặt cho những nhà lúa chín muộn so với nhà bên cạnh” – Một người dân thôn Xuân Biều cho biết.
Trưởng Công an huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) cho biết, không có chuyện "bảo kê" máy gặt tại địa phương. |
Trong clip nêu ở trên, xuất hiện một người đàn ông với trang phục của công an viên và được người quay clip cho rằng, người này đang cản trở máy gặt lúa của họ làm việc, có dấu hiệu “bảo kê” cho những chiếc máy gặt khác.
Trao đổi về nội dung này, ông La Văn Cường – Trưởng Công an xã Xuân Cẩm cho hay: “Đồng chí mặc trang phục công an viên xuất hiện clip được chúng tôi xác định là anh Vân, hiện đang làm Công an viên tại xã Xuân Cẩm. Tôi không chỉ đạo đồng chí này ra để “bảo kê” máy gặt lúa, thực tế thì không có chuyện “bảo kê” máy gặt lúa ở đây.
Đồng chí Vân báo cáo với tôi là hôm đó có xảy ra to tiếng giữa Ban quản lý thôn Xuân Biều với mấy người gặt lúa, Ban quản lý gọi đồng chí Vân đến để đảm báo an ninh trật tự. Đồng chí Vân không hề có hành động ngăn cản những máy gặt thực hiện thu hoạch lúa cho bà con.
Còn Thượng tá Trần Thế Cường – Trưởng Công an huyện Hiệp Hòa cho biết: Tại huyện Hiệp Hòa chưa xuất hiện hiện tượng “bảo kê” máy gặt. Có chăng thì giữa chủ máy gặt này với chủ máy gặt kia tranh nhau địa bàn thì có chuyện tăng giá hoặc hạ giá để cạnh tranh nhau mà thôi.