Hiệu quả mạnh mẽ của phong trào "Dân vận khéo" tại Thủ đô
Trách nhiệm của cả hệ thống chính trị
Chính thức phát động trên cả nước từ năm 2009, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị đồng tình hưởng ứng, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua yêu nước.
Các cấp ủy, tổ chức đảng xác định “Dân vận khéo” là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và trở thành phong trào sâu rộng trên mọi lĩnh vực chính trị - xã hội, ở tất cả các cấp, các ngành, trong mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân.
Phong trào “Dân vận khéo” dần trở thành phương thức quan trọng trong công tác vận động Nhân dân, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, tập hợp, động viên, đoàn kết các tầng lớp Nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị.
Tại huyện Gia Lâm, kể từ khi đăng ký xây dựng mô hình “Dân vận khéo” năm 2009, đến nay, sau 15 năm, Gia Lâm ghi dấu ấn với 3.845 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó có 2.261 mô hình tập thể, 1.584 mô hình cá nhân. Các mô hình được xây dựng trên 4 lĩnh vực phát triển kinh tế, xây dựng Nông thôn mới, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị.
Phong trào "Dân vận khéo" góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn huyện Gia Lâm |
Trong 15 năm, huyện Gia Lâm đã tổ chức 25 lớp tập huấn chuyên đề về công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” cho trên 4.525 lượt học viên là thành viên khối Dân vận từ huyện đến cơ sở; tổ chức 2 lớp học tập chuyên đề về “Công tác dân vận của các cơ quan hành chính Nhà nước” cho 950 lượt học viên là lãnh đạo các phòng, ban thuộc Ủy ban Nhân dân huyện, các xã, thị trấn và trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.
Tại quận Long Biên, với việc triển khai đồng bộ, linh hoạt, chủ động, nhiều hình thức đa dạng, 5.585 mô hình “Dân vận khéo” như: Xây dựng tuyến phố văn minh đô thị, phường đô thị văn minh, vận động người dân tham gia phòng cháy chữa cháy, dân vận khéo trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư... đã được triển khai.
Theo Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Long Biên Đường Hoài Nam, kết quả của phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã tạo sự lan tỏa trong các tầng lớp Nhân dân, cán bộ, đảng viên, đoàn viên. Phong trào “Dân vận khéo” triển khai trên nhiều lĩnh vực đã huy động nguồn lực lớn góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ đề ra.
Góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân
Có thể thấy rằng, thông qua triển khai phong trào “Dân vận khéo” đã huy động nguồn lực to lớn từ sức mạnh và sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân, cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện thành công các chương trình mục tiêu Quốc gia, 10 chương trình công tác, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá của thành phố tạo động lực quan trọng để Hà Nội phát triển nhanh và bền vững.
Mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và Nhân dân qua khó khăn, thử thách lại càng được củng cố, tăng cường, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy cho cá nhân có thành tích xuất sắc về Dân vận khéo |
Phát biểu tại lễ trao giải Hội thi “Dân vận khéo” thành phố Hà Nội năm 2024 do Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội vừa tổ chức, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh: Năm 2024, Thường trực Thành ủy ghi nhận, đánh giá cao hệ thống Dân vận thành phố đã tích cực triển khai Chỉ thị số 27-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và một số ngày lễ, kỷ niệm quan trọng.
Đây đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ thành phố về công tác dân vận nói riêng, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị nói chung; là ngày hội của những người làm công tác dân vận Thủ đô.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, Thường trực Thành ủy Hà Nội mong rằng, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị thường xuyên học tập, quán triệt tư tưởng, đạo đức và phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực lòng quan tâm, chăm lo lợi ích và đời sống của Nhân dân. Các đơn vị, tổ chức, cá nhân tiếp tục giữ gìn và phát huy phẩm chất của người cán bộ làm công tác dân vận "óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm" và tinh thần cống hiến, vì Nhân dân phục vụ.