Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
TP Hồ Chí Minh: Gặp gỡ đối thoại giữa doanh nghiệp và ngân hàng TP Hồ Chí Minh gặp gỡ, lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp |
Hội thảo có sự tham dự của hơn 200 đại biểu là lãnh đạo các cấp Trung ương và các địa phương trong khu vực Đông Nam Bộ, các hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia, doanh nghiệp ngành Công nghiệp trong và ngoài nước... Đây là hội thảo nằm trong khuôn khổ của diễn đàn "Xây dựng nền công nghiệp tự chủ".
Phát biểu tại hội thảo, ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian qua, công nghiệp thành phố đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của kinh tế thành phố (chiếm khoảng 18% GRDP).
Đặc biệt, trong giai đoạn từ 2016 đến nay, cơ cấu ngành Công nghiệp TP Hồ Chí Minh đã chuyển dịch đúng định hướng, cơ cấu 4 ngành Công nghiệp trọng yếu tăng từ 52,8% năm 2016 lên 55,82% năm 2020.
Trong đó, ngành Công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giúp nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng; Góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo trong toàn ngành Công nghiệp.
Quang cảnh buổi hội thảo |
Theo ông Ngô Minh Châu, phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp quan trọng để cải thiện chất lượng nền kinh tế, phát triển bền vững và tránh bẫy thu nhập trung bình; Giúp tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước; Từ đó, tạo tính lan tỏa mạnh mẽ, giúp các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.
Chính vì vậy, từ Đại hội X đến nay, Thành ủy và UBND TP Hồ Chí Minh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai rất nhiều giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ như: Thành lập Ban Chỉ đạo Phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố; Thành lập Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố trực thuộc Sở Công Thương; Cùng với một số giải pháp cụ thể khác như xây dựng chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố; Tổ chức kết nối cung cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; Hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực...
Các giải pháp trên đã góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng như tạo điều kiện tham gia hiệu quả chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.
“Hội thảo hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu là một sự kiện tích cực đem lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa của thành phố; Nhằm lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các hội ngành nghề, doanh nghiệp thành phố để tháo gỡ khó khăn, đề xuất giải pháp, chính sách phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, qua đó thúc đẩy công nghiệp TP Hồ Chí Minh nói riêng và công nghiệp cả nước nói chung phát triển mạnh mẽ hơn nữa”, ông Ngô Minh Châu cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Lê Thế Chữ, Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ cho biết, Việt Nam đang dần trở thành điểm thay thế và đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi dòng vốn dịch chuyển và hàng loạt tập đoàn đa quốc gia đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước cũng có nhiều hoạt động đón đầu. Cụ thể, tháng 12/2022 Tập đoàn Thaco tổ chức khánh thành đưa vào vận hành trung tâm cơ khí và khởi công trung tâm R&D tại Quảng Nam.
Cùng với đó, Tập đoàn Thaco ký hợp tác với tỉnh Bình Dương nhằm triển khai dự án khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ với vốn đầu tư hơn 25.000 tỉ đồng. Những câu chuyện này cho thấy, bản thân các doanh nghiệp Việt đã nắm bắt rất tốt cơ hội từ dòng chuyển dịch của chuỗi cung ứng, hiện thực thành những đơn hàng cụ thể để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cũng nhân dịp này, Ban tổ chức còn tổ chức lễ ký kết MOU giữa Sở Công thương TP Hồ Chí Minh với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, hướng đến việc Việt Nam xây dựng nền công nghiệp tự chủ.
Trước đó, các đại biểu đã có chuyến đi tham quan và tìm hiểu thực tế sản xuất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại TP Hồ Chí Minh khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như trao đổi về những vướng mắc mà họ đang gặp phải.
Cụ thể, các đại biểu đã đến thăm Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, chuyên sản xuất, kinh doanh các giải pháp, sản phẩm và dịch vụ trong lĩnh vực chiếu sáng, thiết bị điện và Công ty TNHH Cơ khí Thương mại Nhật Long chuyên sản xuất, gia công cơ khí...