Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc
Ngày 19/4, Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Quốc tế TP Hồ Chí Minh (CIIS) phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức hội thảo “Thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc trong tình hình mới”.
Quang cảnh Hội thảo Thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc trong tình hình mới |
Theo ITPC, xuất nhập khẩu là “điểm sáng” của kinh tế TP Hồ Chí Minh trong những năm qua, nhất là các thị trường lớn như Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) thành phố sang thị trường Nhật Bản đạt hơn 2,9 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm trước. Xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc đạt gần 680 triệu USD.
Một trong những lý do góp phần vào sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đó chính là doanh nghiệp thành phố có sự nỗ lực rất lớn và tận dụng lợi thế từ lộ trình cắt giảm thuế quan của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết với Nhật Bản (AJCEP, VJEPA, CPTPP, RCEP) và Hàn Quốc (AKFTA, VKFTA, RCEP).
Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết, Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 nền kinh tế lớn và cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Tuy nhiên, tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc hiện còn khiêm tốn, chiếm lần lượt 2,7% và 3,3%, mặc dù Việt Nam đã ký kết và thực thi với Nhật Bản các FTA như: AJCEP, VJEPA, CPTPP, RCEP và Hàn Quốc như: AKFTA, VKFTA, RCEP.
Chính vì vậy, có thể thấy, hàng hóa Việt Nam tại Nhật Bản và Hàn Quốc còn nhiều cơ hội mở rộng và tăng trưởng nếu như các DN biết tận dụng các cơ hội tốt hơn ở 2 thị trường này.
Trong khi đó, đại diện cho các DN Hàn Quốc, ông Choi Kyu Chul, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh (KOCHAM) cho biết, ông rất trân trọng những nỗ lực của các cơ quan chính quyền thành phố trong việc cầu thị lắng nghe ý kiến của các hiệp hội, DN nước ngoài nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Để thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam - Hàn Quốc nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng, theo ông Choi Kyu Chul, trong trung và dài hạn, Việt Nam cần xây dựng cho mình được nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn xã hội hóa; Tập trung mở rộng đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ như vật liệu, linh kiện… đặc biệt là hỗ trợ cho các ngành công nghiệp phát triển theo hướng thân thiện với môi trường.
Qua đó, các DN Việt Nam có thể đẩy mạnh liên kết chặt chẽ hơn với các DN Hàn Quốc, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, Hàn Quốc kết nối, giới thiệu sản phẩm tại hội thảo |
Ông Keigo Yoshida, Giám đốc cấp cao phụ trách Bộ phận sản phẩm Công ty TNHH Aeon Topvalu Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh (JCCH) cho biết, hàng hóa Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại thị trường Nhật Bản, các mặt hàng xuất khẩu ngày càng tăng qua các năm, nhất là các sản phẩm như: Dệt may, da giày, nông thủy sản...
Tuy nhiên, để có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, các DN Việt Nam cần lưu ý, hiện nay thị trường Nhật Bản có tốc độ thay đổi nhanh chóng về mẫu mã sản phẩm. Vòng quay sản phẩm nhanh và ngắn, do đó thời gian tới, các DN sản xuất Việt Nam cần đẩy mạnh liên kết với các DN Nhật Bản điều tra sâu thị trường, phát triển những sản phẩm theo nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng Nhật Bản. Trong đó, các sản phẩm đa dạng, dễ dàng tuỳ chỉnh thích ứng với số lượng ít sẽ là xu thế tiêu dùng mới hiện nay.
"Ngoài ra, DN Việt cần rút ngắn hơn nữa thời gian sản xuất và đóng gói sản phẩm nhằm giảm thời gian từ khi đặt hàng đến tay người tiêu dùng Nhật Bản. Đối với mặt hàng nông sản, cần sự tươi ngon, do đó khâu vận chuyển là rất quan trọng, đây là điều DN Việt cần lưu ý khi xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản nhằm mang lại giá trị cao cho hàng hóa xuất khẩu", ông Keigo Yoshida nói.
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC cho biết, để hỗ trợ DN, trong thời gian qua, ITPC đã tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại nhằm cung cấp, cập nhật thông tin thị trường, xu hướng tiêu dùng, kết nối cung cầu với các thị trường tiềm năng dành cho DN TP Hồ Chí Minh.
Phía ITPC cũng mời các chuyên gia của Bộ Công thương giới thiệu các yêu cầu, tiêu chuẩn cụ thể đối với từng mặt hàng; Những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp thường gặp khi xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc, từ đó đưa ra các khuyến nghị giúp doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu vào hai thị trường này.