Hỗ trợ người nông dân khởi nghiệp với công nghệ
IoT (Internet of things) một cấu thành lớn của Industry 4.0 (công nghiệp 4.0) là khái niệm đang ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống và công việc hàng ngày của mỗi người. Ban điều hành VIOTA - Vietnam IoT Alliance - Mạng lưới Khởi nghiệp IoT Việt Nam đồng thời là 4 diễn giả tại hội thảo.
Tại hội thảo, các diễn giả của Mạng lưới khởi nghiệp IoT Việt Nam đã chia sẻ 4 câu chuyện thực tiễn IoT tại Việt Nam gồm: IoT xu thế tất yếu của các giải pháp quản lý năng lượng; IoT và tự động hóa trong cách mạng công nghiệp 4.0; Giải pháp xây dựng các trạm BTS xanh và hệ thống điều khiển giám sát tích hợp IoT; Nông nghiệp với các ứng dụng IoT.
Người sáng lập Smartlines ông Đỗ Trung Hiếu cho biết: “Lĩnh vực mũi nhọn của Việt Nam có thể ứng dụng Công nghiệp 4.0 là Sản xuất chế biến thực phẩm, Dệt may, Khai thác, Nuôi trồng thủy sản nông nghiệp chính xác; Xây dựng và Bất động sản; Bán lẻ; Giao vận”.
Ông Hiếu cũng chia sẻ, áp dụng công nghiệp 4.0 không chỉ giám sát công việc trong các nhà máy mà còn kiểm soát được mức tiêu thụ, giám sát đầu ra của các đơn vị tiêu thụ để từ đó biết được sẽ sản xuất lượng hàng hóa là bao nhiêu. Công nghiệp 4.0 sẽ liên kết tất cả các khâu, các đơn vị trong nhà máy với nhau, tuy nhiên chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề an ninh mạng, độ duy trì, liệu con người có đáp ứng được độ phức tạp của hệ thống hay không. Vài năm nữa, ứng dụng của rô bốt trong các nhà máy sẽ đặt ra vấn đề dư thừa nhân lực.
Về vấn đề ứng dụng Công nghệ trong Nông nghiệp, ông Phan Thái Trung, Giảng viên Khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Xây dựng, Phó Tổng giám đốc Hợp tác xã Nông Nghiệp Số cho biết, hiện IoT Nông nghiệp tại Việt Nam ý tưởng không nhiều, chủ yếu xoay quanh cảm biến, lập trình tưới, trồng thủy canh tự động trong nhà và chỉ áp dụng cho doanh nghiệp quy mô giá cao. Chuỗi cung ứng thực phẩm ở Việt Nam hiện nay vẫn qua nhiều khâu trung gian, chưa có nhật ký sản xuất canh tác và cần phải truy xuất nguồn gốc.
Các nông hộ, hợp tác xã là nhân tố chính xác nhất trong nền nông nghiệp Việt Nam, nhưng họ vẫn bỡ ngỡ với công nghệ cao hoặc công nghệ bình dân. Vì vậy cần phải có người đồng hành, xúc tiến đứng ra bao tiêu, áp dụng quy trình, áp dung công nghệ đơn giản, linh hoạt để nông sản trở thành hàng hóa chủ lực có giá trị và chất lượng.
Các dịch vụ trong dự án Hợp tác xã Nông Nghiệp Số như nhật ký điện tử, xử lý dữ liệu lớn, truy xuất nguồn gốc, quản lý sản xuất và bán hàng cũng góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp và khoa học của chuỗi sản xuất nông nghiệp.