Hóa giải điểm nghẽn để văn hóa Thủ đô phát huy hết giá trị
Lồng ghép quy tắc ứng xử nơi công cộng trong bản sắc văn hóa Cần làm rõ những nét riêng vốn có của văn hóa Thủ đô |
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Hà Nội không chỉ là Thủ đô chính trị mà còn là Thủ đô văn hóa, nơi hội tụ, kết tinh, tỏa sáng, biểu tượng cho giá trị văn hóa, lịch sử của đất nước, nơi tụ nhân, tụ nghĩa, tụ tài của dân tộc.
Do đó, khi xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), chúng ta cần có những cơ chế, chính sách thực sự vượt trội để văn hóa Thủ đô thể hiện được vai trò dẫn dắt, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, để phát triển văn hóa Thủ đô thì cần chú ý đến 2 nhiệm vụ.
Một là bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, bản sắc Thủ đô, giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm văn hiến, thanh lịch, văn minh.
Hai là tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, làm giàu có hơn bản sắc văn hóa Thủ đô.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội |
Cùng với đó, để văn hóa Thủ đô phát huy được hết giá trị, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng cần tháo gỡ 5 điểm nghẽn: Phân cấp, phân quyền trong quản lý di sản; chính sách trọng dụng nghệ nhân, nghệ sĩ (thu nhập, tuổi nghề, tạo điều kiện phát triển chuyên môn, xây dựng thương hiệu); đầu tư theo phương thức đối tác công - tư trong văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao; quản lý, sử dụng tài sản công đối với các thiết chế văn hóa như bảo tàng, thư viện, trung tâm văn hóa; chính sách cụ thể về thuế, đất đai để khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Góp ý thêm vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS.TS Bùi Hoài Sơn đề nghị ban soạn thảo làm rõ hơn quy định ở Điều 42 về quản lý tài sản công.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám lung linh trong đêm |
Theo đó, các “bảo tàng, thư viện, di tích lịch sử, văn hóa” không được nhượng quyền kinh doanh, quản lý thì có được phép liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân bên ngoài để khai thác dịch vụ ở các thiết chế, địa điểm này không?
Theo ông Sơn, đây là một điểm nghẽn khiến cho các thiết chế văn hóa, khu di tích lịch sử, văn hóa của Hà Nội gặp khó khăn, không huy động được nguồn lực xã hội cho việc phát huy giá trị của mình.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết, thời gian vừa qua, một số di tích ở Hà Nội như Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng Thành - Thăng Long... đang nỗ lực tự gỡ khó cho mình bằng những dự án đổi mới hoạt động nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn và cần giải pháp căn cơ, bền vững hơn từ một hành lang pháp lý liên quan đến đối tác công - tư, quản lý, sử dụng tài sản công.
Vì thế, ông Sơn cho rằng, Nhà nước chỉ nên giữ quyền quản lý, đưa ra các nguyên tắc, quy định, kiểm tra và giám sát ở các thiết chế văn hóa, khu di tích lịch sử, còn ở một số dịch vụ nhất định như giải khát, trông giữ xe, thậm chí là tổ chức hoạt động du lịch tại các thiết chế và địa điểm này có thể hợp tác với tổ chức và cá nhân bên ngoài để làm tốt hơn công việc của mình.