Lồng ghép quy tắc ứng xử nơi công cộng trong bản sắc văn hóa
Phong trào “Người tốt, việc tốt" mang bản sắc riêng của Thủ đô Xây dựng kiến trúc nông thôn gắn với bản sắc văn hóa địa phương Phát huy bản sắc, văn hóa làng nghề |
Huy động toàn dân cùng vào cuộc
Hơn 5 năm qua, quy tắc ứng xử nơi công cộng được triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phổ biến quán triệt đến các ban, ngành đoàn thể và toàn thể Nhân dân trên địa bàn huyện gắn với các hội nghị, tọa đàm, lớp tập huấn, các buổi sinh hoạt hàng tháng, hội nghị đại biểu Nhân dân bàn việc xây dựng đời sống văn hoá các cấp.
Huyện Đông Anh đã chi đạo lắp đặt bảng niêm yết trích dẫn nội dung Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại: 197/195 Nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, điểm sinh hoạt cộng đồng; 257/319 di tích lịch sử, văn hóa; 61/25 trụ sở cơ quan đơn vị; 146 biển tại các trường học, trạm y tế, chợ, trụ sở công an xã.
Tại huyện Đông Anh (Hà Nội), Nhân dân và du khách cùng thực hiện nghiêm chỉnh quy tắc ứng xử nơi công cộng |
Tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa, cán bộ phụ trách thường xuyên nhắc nhở Nhân dân về trang phục, lễ nghi, đặt lễ... khuyến khích các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo cho du khách mượn áo choàng miễn phí khi hành lễ, lồng ghép các nội dung tuyên truyền quy tắc ứng xử trong các dịp lễ hội; lồng ghép các nội dung quy tắc ứng xử vào bài thuyết minh tại các di tích, bổ sung nội dung quy tắc ứng xử vào quy chế hoạt động tại di tích, nhà văn hóa.
Tại các khu chung cư, khu tập thể, đơn vị chức năng treo bảng nội dung quy tắc ứng xử tại các khu chung cư có sân, điểm vui chơi; in ấn, dán các nội dung phù hợp tại nhà sinh hoạt cộng đồng, thang máy, thang bộ (đối với khu tập thể).
Huyện cũng gửi quy tắc ứng xử nơi công cộng tới các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện trên địa bàn đề nghị tuyên truyền, phổ biến tới cán bộ, công chức, người lao động chấp hành khi tham gia các hoạt động công cộng.
Bên cạnh đó, huyện Đông Anh cũng tổ chức thành công Hội thi tuyên truyền quy tắc ứng xử nơi công cộng tại 2 cụm với 24 thí sinh đại diện cho 24 xã thị trấn tham dự; tham gia hội thi tuyên truyền quy tắc ứng xử nơi công cộng thành phố Hà Nội năm 2018 đạt giải Ba toàn đoàn.
Toàn huyện đã có 155/155 thôn (làng), 40/40 tổ dân phố tổ chức tọa đàm quy tắc ứng xử nơi công cộng, qua đó từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hoá, điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của các cá nhân, tổ chức nơi công cộng; tạo thành nề nếp, duy trì thường xuyên, liên tục, phù hợp với tình hình thực tế tại các thôn (làng), tổ dân phố. Kết quả, những hội nghị tọa đàm đã góp phần gìn giữ và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Công tác trật tự an ninh, đảm bảo vệ sinh an toàn trong lễ hội được đảm bảo |
Các cán bộ, đảng viên và người dân được quán triệt trong buổi sinh hoạt khu dân cư hàng tháng, họp chi bộ, bàn và thực hiện những việc đời sống hàng ngày như: Đổ rác đúng giờ, duy trì vệ sinh đường làng ngõ xóm, không lấn chiến vỉa hè lòng đường, chấp hành luật giao thông, bảo vệ môi trường…
Nhân dân và du khách thập phương thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy ước của thôn làng, tổ dân phố; tích cực lao động, sản xuất, học tập, công tác, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Người dân huyện Đông Anh đã thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa, phát huy dân chủ, tích cực tham gia các phong trào do huyện phát động, phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, bảo vệ môi trường, đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội.
Gắn với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở
Trong năm 2020, 2021 huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với tuyên truyền thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với các biện pháp như: Vệ sinh khu vực trước cửa nhà, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, không tụ tập đông người, đeo khẩu trang khi tới nơi công cộng, bỏ khẩu trang đã sử dụng đúng nơi quy định, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định và khuyến cáo của ngành y tế…
Rút kinh nghiệm từ quá trình 5 năm triển khai bằng nhiều hình thức thiết thực, huyện Đông Anh đã từng bước nâng cao chất lượng thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện hương ước, quy ước thôn, tổ dân phố văn hóa.
Đoàn viên, thanh niên huyện Đông Anh tích cực tham gia trồng cây xanh, cải tạo cảnh quan môi trường đô thị |
Cụ thể, UBND huyện Đông Anh đã chỉ đạo 100% các xã, thị trấn, các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tiến hành rà soát hương ước, bổ sung các nội dung Quy tắc ứng xử nơi công cộng vào hương ước, quy ước thôn, tổ dân phố, công khai thực hiện tại từng khu dân cư.
Các cấp lãnh đạo tại huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện quy ước, hương ước gắn với quy tắc ứng xử nơi công cộng nhằm giáo dục ý thức tự nguyện chấp hành quy ước, hương ước, tạo dư luận tốt trong cộng đồng, từng bước điều chỉnh các hành vi ứng xử của mỗi người. Bên cạnh đó, huyện còn xây dựng ý thức tôn trọng pháp luật, thực hiện quy ước, hương ước gắn với quy tắc ứng xử nơi công cộng trở thành nếp sống văn hoá đẹp trong các tầng lớp Nhân dân. Kết quả, 195/195 thôn, tổ dân phố thuộc huyện đã hoàn thành bổ sung quy tắc ứng xử nơi công cộng vào hương ước, quy ước.
Là một huyện sớm triển khai nếp sống mới, những năm qua, gắn với thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng, huyện Đông Anh tiếp tục thực hiện có hiệu quả nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội truyền thống tại cộng đồng dân cư. Vì thế, cùng với nhiều chương trình, hoạt động khác, quá trình triển khai quy tắc ứng xử nơi công cộng cũng chính là một cơ hội để Đông Anh phát huy hơn nữa giá trị của người Đông Anh anh hùng, đậm đà bản sắc, đóng góp hơn nữa vào công cuộc phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.