Học sinh TP Hồ Chí Minh hiểu hơn về tinh thần đạo học
Phát huy đạo học, ươm mầm tương lai Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Nơi ươm mầm khát vọng hiền tài Trưng bày di sản văn hóa, tinh hoa đạo học của Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh |
Tự hào về cha ông
Đứng chăm chú đọc từng dòng chữ giới thiệu về vua Lý Thánh Tông, em Tôn Nữ Bảo Anh, học sinh lớp 5 trường Nguyễn Thái Sơn, thốt lên: “Cha ông mình giỏi quá!”.
Theo cách giải thích của Bảo Anh, cha ông mình giỏi vì đã nghĩ ra cách để đào tạo nhân tài phục vụ quốc gia. Không có Quốc Tử Giám, nhiều nhân tài sẽ không có cơ hội để cống hiến. “Tinh thần đạo học của Văn Miếu - Quốc Tử Giám được truyền lại đến bây giờ. Con thán phục cha ông của mình”, Bảo Anh nói.
Các học sinh tìm hiểu về vua Lý Thánh Tông - vị vua sáng lập Văn Miếu - Quốc Tử Giám |
Hầu hết các học sinh đều có chung cảm nhận không gian triển lãm hay, bổ ích. Những tấm áp phích lớn ghi công đức của các vị vua có công lập nên Văn Miếu - Quốc Tử Giám để lưu truyền qua nghìn năm sau cho con cháu được các em đọc kỹ. Các em đều tự hào về truyền thống hiếu học của cha ông.
Sau khi được hướng dẫn viên đeo hệ thống ảo, gương mặt của Phàng Thượng Tuấn, học sinh lớp 7 trường THCS Lê Quý Đôn (Quận 3, TP Hồ Chí Minh) lộ rõ niềm phấn khích.
“Đẹp lắm chú, hình ảnh 3D sắc nét. Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện lên rõ lắm. Sao cha ông mình ngày xưa có thể xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám đẹp vậy!”, Thượng Tuấn hồ hởi nói…
Em Phàng Thượng Tuấn thích thú khi xem Văn Miếu - Quốc Tử Giám bằng công nghệ 3D |
“Từ sáng đến giờ, con được nghe và thấy những điều mà cha ông mình đã làm. Con tự hào lắm! Con sẽ cố gắng noi gương cha ông ngày xưa, cố gắng học tập giỏi. Sau này, con muốn làm kỹ sư để làm được nhiều điều có ý nghĩa hơn”, Tuấn nói với gương mặt rạng ngời.
Giáo dục xưa và nay
Nhiều học sinh tập trung trước một màn hình lớn và đang tương tác với “cụ rùa” công nghệ AI. “Cụ rùa” sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc, cung cấp nhiều kiến thức mà các em muốn biết.
Hàng loạt câu hỏi như: Ai sáng lập Văn Miếu - Quốc Tử Giám? Có bao nhiêu tấm bia tại Văn Miếu? Ai là người đầu tiên đậu tiến sĩ?… đều được “cụ rùa” trả lời rõ ràng, rành mạch. Nội dung “cụ” trả lời khiến các em học sinh thích thú, không ngừng đặt câu hỏi.
Các em học sinh tương tác với “cụ rùa” công nghệ AI |
Ngay giữa sảnh chính của gian triển lãm, mô hình lều chõng trường thi ngày xưa được tái hiện cách điệu bằng những tấm phên tre. Nhiều em bị thu hút nên chui vào để cảm nhận khung cảnh trường thi xưa. Tại đây, các em tỏ ra rất phấn khích vì được thầy cô chụp hình lưu niệm khi ngồi trong lều chõng sĩ tử.
Sau khi chui vào lều ngồi trước bàn gỗ, em Trương Hoàng Trâm Anh, học sinh lớp 4 trường THCS Lương Định Của, không giấu được niềm vui, liên tục tạo dáng khi được thầy cô và nhiều người chụp hình. “Thích quá!”, Trâm Anh vừa nói vừa chui ra khỏi lều để nhường chỗ cho các bạn khác.
Em Trương Hoàng Bảo Trâm tạo dáng khi được vào ngồi trong mô hình lều chõng của sĩ tử năm xưa |
Hoạt động triển lãm “Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Ươm mầm khát vọng hiền tài” bằng công nghệ hiện đại, những mô hình giáo dục trực quan đã giúp các em học sinh vui thích và dễ tiếp nhận. Tinh thần đạo học Việt Nam được truyền đến các em nhẹ nhàng nhưng thấm sâu.
Hầu hết các em khi nói về cảm nhận của mình đều tự hào với truyền thống hiếu học của cha ông. Các em cũng tự nhủ lòng sẽ cố gắng noi theo những tấm gương hiếu học nghìn đời ấy.
Các học sinh phấn khích trước mô hình tái hiện trường thi năm xưa |
Triển lãm “Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Ươm mầm khát vọng hiền tài” nằm trong khuôn khổ chương trình "Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh" chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Chương trình được tổ chức từ ngày 23 - 25/8 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1 và một số điểm trên địa bàn thành phố. 20h tối nay 25/8, lễ bế mạc sẽ được tổ chức tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1. |