Hội nhập quốc tế: Tâm thế mới - vị thế mới - tư duy mới
Chủ động trong các lĩnh vực mới
Ngay từ buổi đầu lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới Liên hợp quốc, khẳng định tinh thần hòa hiếu và chủ động hội nhập của Việt Nam, mong muốn làm bạn với tất cả các nước và thực thi chính sách hợp tác toàn diện. Tinh thần ấy, theo Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Vươn mình trong hội nhập quốc tế”, chính là bản tuyên ngôn đầu tiên cho đường lối đối ngoại mở cửa, độc lập và tự chủ của Việt Nam trong thế kỷ XX.
Trải qua 80 năm, tư duy đó đã liên tục được kế thừa và phát triển. Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta xác định rõ: Hội nhập quốc tế không chỉ là một lựa chọn mà là yêu cầu khách quan để đất nước phát triển, bảo đảm hòa bình, thịnh vượng và nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
![]() |
Đồng chí Tô Lâm - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam |
Ngày 24/1/2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW về “Hội nhập quốc tế trong tình hình mới”. Đây là quyết sách đột phá, đánh dấu bước ngoặt có tính lịch sử trong tư duy và hành động của Việt Nam, định vị hội nhập quốc tế là một trong những động lực chiến lược để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Điểm đặc biệt trong lần chuyển đổi này là tầm nhìn chủ động, dẫn dắt. Nếu như trước đây hội nhập là quá trình “mở cửa để tiếp nhận” thì nay Nghị quyết 59 định hướng rõ: Hội nhập là quá trình đóng góp và tiên phong, từ “hội nhập sâu rộng” sang “hội nhập đầy đủ”, từ quốc gia “đi sau” đến vị trí chủ động trong các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, kinh tế xanh, an ninh phi truyền thống...
Khẳng định bản lĩnh dân tộc
Giai đoạn từ nay đến năm 2030 được nhận định là thời kỳ định hình trật tự thế giới mới - với những biến động lớn, cạnh tranh chiến lược gay gắt, đan xen cả cơ hội và thách thức. Tổng Bí thư cảnh báo: Nếu không kịp thời bắt nhịp, không nhận diện và tận dụng được vận hội, đất nước sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu sâu rộng. Vì vậy, cần có những quyết sách lịch sử cho thời điểm lịch sử.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN (Ảnh: TTXVN) |
Nghị quyết 59 đưa ra 5 định hướng cốt lõi, tạo nên nền tảng tư duy hội nhập hiện đại và bản lĩnh: Thứ nhất, cùng với quốc phòng và an ninh, “đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế” là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Đây không còn là hoạt động bổ trợ, mà là trụ cột phát triển, nhằm tranh thủ nguồn lực quốc tế cho bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước từ sớm, từ xa.
Thứ hai, hội nhập quốc tế phải là sự nghiệp toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó, người dân và doanh nghiệp là chủ thể trung tâm, là lực lượng sản sinh và lan tỏa giá trị, đồng thời là đối tượng trực tiếp thụ hưởng thành quả hội nhập. Không thể có hội nhập thành công nếu thiếu sự tham gia chủ động của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ ba, nội lực là then chốt. Chỉ khi phát triển được nội lực vững mạnh, đất nước mới có thể chủ động, tự cường và không bị phụ thuộc. Tuy nhiên, nội lực không đứng một mình mà cần kết hợp nhuần nhuyễn với ngoại lực để tạo thành sức mạnh tổng hợp - một “sức mạnh Việt Nam” mang tính thời đại.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 |
Thứ tư, hội nhập quốc tế là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh. Phải hợp tác để phát triển, nhưng cũng phải đấu tranh để bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Tư duy đối ngoại phải lấy nguyên tắc “hợp tác để đấu tranh, đấu tranh để hợp tác”, đồng thời thể hiện tinh thần “đối tác tích cực, có trách nhiệm” với cộng đồng khu vực và quốc tế.
Thứ năm, hội nhập phải mang tính đồng bộ, toàn diện, sâu rộng. Các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, công nghệ, quốc phòng, môi trường… cần liên kết chặt chẽ trong một chiến lược tổng thể, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với lộ trình và điều kiện thực tiễn của đất nước.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Chúng ta không chỉ cần cải cách ở một vài lĩnh vực, mà phải thực hiện một cuộc cách mạng phát triển toàn diện, từ thể chế, công nghệ, đến tư duy con người.
Ba trụ cột chiến lược kiến tạo tương lai Việt Nam
Tư duy hội nhập quốc tế trong tình hình mới không tách rời các trụ cột phát triển khác. Tổng Bí thư Tô Lâm đã xác định rõ “bộ ba chiến lược” tạo nền tảng cho quá trình “ổn định lâu dài - phát triển bền vững - đời sống nâng cao” gồm: Tinh thần đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị (Nghị quyết số 18); Tư tưởng đột phá trong phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết số 57); Tư duy hội nhập quốc tế toàn diện và chủ động (Nghị quyết số 59).
Ba trụ cột này không tách rời mà hỗ trợ, bổ sung, lan tỏa sức mạnh cho nhau. Khi hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả; khoa học - công nghệ trở thành động lực; và hội nhập quốc tế được nâng tầm chiến lược, đó là lúc Việt Nam có đủ nền móng và động lực để bứt phá vươn lên trong kỷ nguyên mới.
![]() |
Ngày 10/3/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN |
Hội nhập quốc tế ngày nay không còn đơn thuần là ra thế giới học hỏi, mà phải là quá trình tạo ra giá trị, đóng góp và dẫn dắt. Đó là hành trình của một dân tộc bản lĩnh, có tầm nhìn, có khát vọng và sẵn sàng sánh vai cùng các cường quốc năm châu như lời Bác Hồ từng căn dặn.
Trong một thế giới đa cực, phức tạp và thay đổi nhanh chóng, một quốc gia muốn đứng vững và vươn lên không thể chỉ có tài nguyên, lao động hay vị trí địa lý - mà cần tư duy chiến lược, bản lĩnh thời đại và tinh thần tự cường. Tư duy hội nhập quốc tế mới mà Đảng ta đang khởi xướng chính là lời đáp cho yêu cầu đó.
Hội nhập với tâm thế mới - vị thế mới - tư duy mới không chỉ là định hướng phát triển, mà còn là lời cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với chính tương lai của mình.
Tin liên quan
Đọc thêm

Đổi mới tư duy, cách làm để hoàn thành khối lượng công việc lớn

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng bộ TP Đà Nẵng

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt người có công với cách mạng tiêu biểu

Chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng: Nhiệm vụ tất yếu và cấp bách

Tạo động lực, truyền cảm hứng để cả đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Tương lai cho thế hệ vươn mình

TƯƠNG LAI CHO THẾ HỆ VƯƠN MÌNH

Đưa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển tốt đẹp, hiệu quả, bền vững lâu dài

Kinh tế tư nhân - động lực cho Việt Nam phát triển thịnh vượng
