Hơn 150 người đăng ký tiêm thử vắc xin Covid-19 Việt Nam, nhiều bạn trẻ bày tỏ sự tin tưởng
Những ai sẽ được lựa chọn tiêm vắc xin thử nghiệm Covid-19 của Việt Nam ?
TS.BS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế)- Chánh Văn phòng Chương trình Quốc gia nghiên cứu phát triển vắc xin cho biết các điều kiện tình nguyện viên cần có gồm: Từ 18 đến 50 tuổi; khỏe mạnh, các chỉ số huyết học, sinh hóa bình thường; hoàn toàn tình nguyện, tham gia theo nguyện vọng cá nhân; không chịu áp lực về sức khỏe, tài chính, hành chính; hiểu và nắm rõ bảng thông tin, nguyên tắc thử nghiệm. Các ứng viên còn cần đáp ứng những tiêu chí đặc thù khác.
Việt Nam là một trong 40 quốc gia đã thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 trên người |
Theo đó, giai đoạn 1 sẽ có 60 người tình nguyện khỏe mạnh từ 18 đến 50 tuổi tham gia và được phân ngẫu nhiên vào 3 nhóm, bao gồm nhóm 1a 20 người dùng mức liều 25 mcg sẽ được thu tuyển đầu tiên, tiếp theo là nhóm 1b gồm 20 người dùng mức liều 50 mcg và sau đó là nhóm 1c gồm 20 người dùng mức liều 75 mcg. Tất cả các đối tượng tham gia nghiên cứu giai đoạn 1 sẽ được tiêm bắp 2 mũi vắc xin, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 28 ngày.
Để đảm bảo tính an toàn cho người tham gia nghiên cứu, giai đoạn thu tuyển 60 đối tượng tham gia đánh giá an toàn theo thiết kế dò liều tăng dần. Quy trình thu tuyển đối tượng tham gia vào giai đoạn 1 sẽ được bắt đầu với 3 người thuộc nhóm liều 25 mcg. Trên cơ sở kết quả theo dõi đánh giá sau 72 giờ sau tiêm vắc xin trên 3 người đầu tiên này mới quyết định mức liều và số người tham gia tiếp theo. Thời gian nghiên cứu cho mỗi người tham gia là khoảng 56 ngày để đánh giá mục tiêu nghiên cứu và theo dõi đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên.
Theo kế hoạch, ngày 17/12/2020 sẽ tiêm mũi vắc xin đầu tiên cho người tình nguyện đủ điều kiện tham gia nghiên cứu giai đoạn 1.
Từ ngày 10/12, những người muốn tham gia chương trình nghiên cứu lâm sàng vaccine phòng, chống Covid-19 Nanocovax có thể đăng ký trực tiếp tại Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học của Học viện Quân y (số 222 Phùng Hưng, Phúc La, Hà Đông, Hà Nội) hoặc qua số điện thoại: 0388.959.096, 0362.359.084/0353.212.500.
Ngoài ra, có thể đăng ký qua email: nanocovax@nanogenpharma.com hoặc trang web: nanogenpharma.com.
Tính an toàn phải đặt lên hàng đầu
Trung tướng, GS.TS. Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết: “Chúng tôi vinh dự khi được Bộ Y tế và được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng giao cho cùng với NANOGEN thử nghiệm lâm sàng. Chúng tôi sẽ cố gắng nỗ lực thực hiện nhiệm vụ mà 2 Bộ giao cho"
Để chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng, Học viện Quân y đã chuẩn bị nhiều tháng nay, thành lập 10 tổ chuyên môn nghiệp vụ gồm cấp cứu, an toàn tiêm chủng, dược… Đội ngũ bệnh viện sẵn sàng ứng trực xử lý mọi tình huống trong quá trình thử nghiệm.
Khi được thu tuyển vào nghiên cứu, người tình nguyện sẽ được theo dõi tại Viện nghiên cứu Y dược học Quân sự (Bệnh viện Quân y 103) trong tối thiểu 72 giờ. Suốt thời gian này, họ được bác sĩ theo dõi sức khỏe hằng ngày. Kết thúc thời gian theo dõi, tình nguyện viên sẽ trở về nhà và được hướng dẫn tự theo dõi, tự ghi chép. Mỗi ngày sẽ có cán bộ y tế đến thăm hoặc gọi điện.
“Tính an toàn phải đặt lên hàng đầu. Chúng tôi cam kết nếu không an toàn sẽ đề nghị dừng lại. Không đổi tính an toàn của người dân Việt Nam với bất cứ điều gì khác”, ông Đỗ Quyết nhấn mạnh.
Nhiều bạn trẻ đăng ký tham gia chương trình thử nghiệm vắc-xin lâm sàng tại Học viện Quân y. |
Tại buổi lễ khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắc xin Nano Covax trên người, nhiều bạn trẻ là sinh viên các trường ĐH đã đến đăng ký tiêm thử vắc xin. Các tình nguyện viên đều bày tỏ tin tưởng vào chất lượng vắc xin ngừa Covid-19 của Việt Nam và cho biết nếu xảy ra các phản ứng khi tiêm thì đã có sự cấp cứu kịp thời của đội ngũ y bác sĩ Học viện Quân Y.
Theo danh sách đăng ký, có khoảng 150 sinh viên của các trường y, dược trên địa bàn Hà Nội tình nguyện tham gia thử nghiệm vắc xin phòng Covid-19. Việc có nhiều người tham gia chương trình sẽ đẩy nhanh kết quả nghiên cứu vắc-xin Covid-19 thành công, góp phần đẩy lùi đại dịch.