“Hồn nước” trong ký ức cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu
Khơi dậy sức trẻ từ Luật Thanh niên 2020 Giúp thanh niên nâng cao “năng lực số” Tặng quà động viên y bác sĩ tình nguyện vào Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch |
Ông Vân cũng là một trong những người chịu trách nhiệm phụ trách tờ “Hồn nước" - tiếng nói của nam nữ thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu trong những ngày tháng Tám lịch sử.
Nhiệm vụ đặc biệt
Ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Lê Đức Vân (SN 1926) vẫn rất nhanh nhẹn, minh mẫn. Qua câu chuyện ông kể về một trong những hoạt động của thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu lúc bấy giờ cũng đủ giúp người trẻ hôm nay hiểu nhiều hơn về thế hệ cha anh và trang sử hào hùng của dân tộc.
Khi đó, chàng trai Lê Đức Vân đang học trường Bưởi nhưng đã được phân công chịu trách nhiệm phụ trách tờ “Hồn nước" - Tiếng nói của nam nữ thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu trong những ngày tháng Tám lịch sử.
Ông Vân từng tham gia hội Tu Thân (sau đó trở thành đội Ngô Quyền) được kết nạp vào Đoàn thanh niên cứu quốc và nhanh chóng trở thành đảng viên Đảng Cộng sản từ năm 16 tuổi.
Ông Lê Đức Vân (thứ hai từ phải sang) trong chương trình "Gặp mặt nam, nữ thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu" được tổ chức năm 2020 |
“Trước yêu cầu của cách mạng và dưới sự lãnh đạo của Đảng, tháng 8/1944, tại số 46 phố Bát Đàn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và cũng là nhà riêng của gia đình tôi, Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu chính thức được thành lập. Khi đó, tôi cùng đông đảo học sinh của các trường Bưởi, Thăng Long, Gia Long, Đồng Khánh, Văn Lang… đã hoạt động công khai, tuyên truyền về tổ chức Việt Minh ở nơi công cộng như: Các chợ, trường học, rạp chiếu bóng, xí nghiệp bằng nhiều hình thức từ tuyên truyền miệng đến rải truyền đơn nhằm chuyển tải đến mọi tầng lớp Nhân dân về lý tưởng cách mạng soi đường”, ông Vân nhớ lại.
Khi đó, ông Vân được đồng chí Lê Quang Đạo, Bí thư Ban cán sự Đảng Hà Nội giao nhiệm vụ phụ trách một tờ báo của nam nữ thanh niên cứu quốc Thủ đô với tên gọi "Hồn nước". Cuối năm 1944, ông Vân cùng một vài anh em hợp sức xuất bản tờ báo trong hoàn cảnh bí mật tuyệt đối. Đó là căn phòng sâu trong ngôi nhà của dân, là ngôi nhà hoang của một nhà giáo ở đường Láng…
Vũ khí đấu tranh sắc bén
Tờ báo ra đời trong hoàn cảnh khó khăn như thế, bên cạnh đó câu hỏi làm thế nào để ra được tờ báo khi mà tuổi đời của những người thực hiện còn rất trẻ là một thử thách mới. Với tinh thần xung kích, cũng được rèn luyện bản lĩnh từ đợt tham gia phong trào thanh niên trường học, hoạt động ủng hộ cách mạng từ việc truyền đơn các tờ báo “Cứu quốc”, “Giải phóng”, “Kèn gọi lính”, tổ làm báo có nhiều cách làm hay.
Ông Lê Đức Vân, cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu (Ảnh tư liệu) |
Tham gia tổ làm báo “Hồn nước”gồm 5 người, trong đó ông Lê Đức Vân phụ trách phần nội dung, tổ chức in ấn và phát hành. Các đồng chí Lều Văn Hoán (tức Mai Luân), Nguyễn Kim Chi (tức Chi Hiền), Nguyễn Đỗ Cung (tức Trần Thư) và Nguyễn Hải Hùng là cán bộ in báo.
Số đầu tiên, báo “Hồn nước” có 2 trang. Mỗi số in khoảng 100 - 200 tờ, có các bài xã luận, tin tức thời sự, thơ văn cách mạng tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối cách mạng của Việt Minh, phản ánh hoạt động của thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu.
Ông Vân chia sẻ: “Việc ra báo trong hoàn cảnh hoàn toàn bí mật, mà lúc đó tôi và anh em còn quá trẻ, chưa viết được bài xã luận, chỉ những tin tức thời sự tôi trực tiếp viết hoặc dẫn lại nguồn tin từ các tờ báo khác. Còn bài xã luận có tính định hướng do các anh Lê Quang Đạo, Vũ Oanh, Nguyễn Khang… viết.
Thời đó, việc in báo chỉ là những kỹ thuật in vô cùng lạc hậu, thô sơ chỉ với tập giấy nhỏ, mấy hộp mực vài con lăn đựng trong một cái bị cói. Các đồng chí phụ trách in báo sống và làm báo trong hoàn cảnh tuyệt đối bí mật".
Nhiều hôm, giữa ban ngày mà các đồng chí Cung, Kim Chi phải ngồi trong buồng thắp đèn dầu để viết và in. Ăn uống vô cùng kham khổ. Có thời gian, cả tháng trời, mọi người chỉ ăn toàn cá khô, không có nước mắm phải thay bằng tương ớt, người gầy gò, xanh như tàu lá.
Điều kiện in ấn cũng vô cùng khó khăn. Vì thế, từ thời gian cuối năm 1944 đến tháng 8/1945, nhà in chỉ làm được 6 số báo mà phải thay chỗ 5 lần. Từ việc bị lộ, khi có anh hàng xóm mất gà, ban đêm soi đèn đi tìm, bắt gặp mấy thợ in đang tập trung làm việc, lúc khác lại ở nơi trống trải nên phải chuyển...
Tuy nhiên, tờ báo đã trở thành vũ khí tuyên truyền, giới thiệu hoạt động của Việt Minh đến với đông đảo quần chúng Nhân dân Hà Nội ủng hộ Việt Minh. Nhờ tuyên truyền, Nhân dân đã mua tín phiếu, ủng hộ thuốc men… trở thành “Mạng lưới cảm tình” rất quan trọng trong việc giác ngộ thanh niên và kết nạp đoàn viên mới vào tổ chức thanh niên cứu quốc.
“Tờ “Hồn nước” thể hiện tinh thần độc lập, chống ngoại xâm. Dù ra đời và hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn nhưng đã hoàn thành xuất sắc vai trò tuyên truyền. “Hồn nước” cũng thể hiện sự sáng tạo, lòng yêu nước, ý chí quyết tâm theo Đảng của thanh niên Thủ đô thời bấy giờ”, ông Vân chia sẻ.
Tháng 8/1944, trước yêu cầu của cách mạng và dưới sự lãnh đạo của Đảng, tại số nhà 46 Bát Đàn, Hoàn Kiếm (Hà Nội), một tổ chức quần chúng của thanh niên Hà Nội trực thuộc Mặt trận Việt Minh ra đời, chính thức mang tên Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Ban Chấp hành mới của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã được chính thức thành lập để thống nhất và đẩy mạnh việc phát triển tổ chức của Đoàn. Sự ra đời của Đoàn Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu xuất phát từ thực tiễn đấu tranh cách mạng và Hà Nội cần phải có một tổ chức độc lập, tinh nhuệ của thanh niên, học sinh yêu nước. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Quyết - Bí thư Thành ủy Hà Nội, sự dẫn dắt của đồng chí Lê Quang Đạo - Bí thư Ban cán sự Đảng Hà Nội, đồng chí Vũ Quý - Ủy viên Ban sự Đảng, đồng chí Vũ Oanh - Bí thư Thanh niên cứu quốc, Hà Nội nhanh chóng trở thành lực lượng tiên phong trong phong trào cách mạng. Được sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Thành ủy Hà Nội, đoàn viên Đoàn Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu đã tham gia và đi đầu trong hầu hết các cuộc đấu tranh cách mạng, thực hiện mọi hình thức đấu tranh cách mạng táo bạo nhưng cũng rất khôn khéo, sáng tạo, hiệu quả cao. |