Hợp tác quốc tế nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Doanh nghiệp nước ngoài vẫn thiếu nguồn lao động đạt “chuẩn”
Hiện nay Hà Nội vẫn thiếu hụt lao động trình độ cao trong các ngành về kỹ thuật, cơ khí, điện, điện tử, cơ điện, các ngành sản xuất các sản phẩm từ hóa chất, cao su, plastics...
Ngoài ra, lao động Hà Nội cũng giống như của cả nước khi tham gia vào thị trường lao động nước ngoài còn hạn chế về kỹ năng mềm, yêu cầu về ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm, kiến thức về pháp luật lao động... nên năng lực cạnh tranh của lao động Hà Nội cũng như cả nước hiện nay với các nước trong khu vực và quốc tế chưa cao.
Sinh viên nghề các trường cao đẳng của Hà Nội đạt thành tích cao tại kỳ thi tay nghề thế giới |
Do vậy, mặc dù mỗi năm TP Hà Nội tạo thêm việc làm cho hàng trăm nghìn lao động nhưng vẫn còn lao động thất nghiệp ở cả khu vực thành thị và nông thôn.
Năm 2023, Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết việc làm mới cho 162.000 lao động; Giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị ở mức < 4 %; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,2%.
Để đạt mục tiêu này, nhiều giải pháp đã được UBND thành phố Hà Nội đề ra, trong đó tăng cường hoạt động xuất khẩu lao động, khai thác tối đa nhu cầu lao động tại các thị trường mới tiềm năng cũng như các thị trường truyền thống.
Bên cạnh đó, Thành phố đẩy mạnh khai thác nhu cầu lao động trong các lĩnh vực và các nghề mới, đòi hỏi trình độ cao cả về tay nghề và ngoại ngữ…
Kỹ năng mềm, năng lực nghề nghiệp của lao động Hà Nội đã tiến bộ vượt bậc lên rất nhiều, chất lượng lao động đã được cải thiện trong những năm gần đây, tuy nhiên vẫn còn khoảng cách so với các nước phát triển trên thế giới do vậy công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng luôn là mục tiêu quan trọng của thành phố Hà Nội.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội đã nỗ lực đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề theo hướng tăng về quy mô và nâng cao chất lượng. Trong đó, mở rộng và đầu tư phát triển các cơ sở dạy nghề với mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở dạy nghề; liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín.
Bên cạnh đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị dạy nghề cho các trường dạy nghề công lập của Thành phố theo hướng hiện đại, đảm bảo năng lực cạnh tranh với các trường trong khu vực về cả quy mô đào tạo, ngành nghề đào tạo.
Trong đó ưu tiên đầu tư với các trường Cao đẳng nghề có các nghề đào tạo về công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới..., các nghề trọng điểm, nghề mũi nhọn gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô để nguồn nhân lực được đào tạo vừa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động chất lượng cao của Thành phố vừa có thể cạnh tranh trong thị trường lao động hội nhập.
Tăng cường liên kết với các cơ sở GDNN nước ngoài
Vài năm trở lại đây, hợp tác quốc tế là chiến lược được các trường nghề tập trung đẩy mạnh với hàng loạt chương trình, khóa học sát với nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước.
Bên cạnh đối tác quen thuộc của thị trường lao động Việt Nam là Nhật Bản và Hàn Quốc, nhà trường không ngừng kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác đào tạo với nhiều tổ chức uy tín đến từ Cộng hòa Liên bang Đức, Australia…
Các cơ sở dạy nghề chủ động xây dựng, biên soạn chương trình, giáo trình theo hướng cầu của thị trường, thường xuyên cập nhật kiến thức khoa học công nghệ để đổi mới, phát triển chương trình đào tạo nhằm khẳng định chất lượng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp và tiếp cận trình độ tiên tiến khu vực và quốc tế.
Giảng viên của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội hướng dẫn sinh viên qua hệ thống đào tạo E-Learning. |
Từ năm 2022, trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đã tổ chức hệ thống đào tạo trực tuyến E-Learning, đồng thời tổ chức Lễ chuyển giao Chương trình đào tạo kỹ thuật Toyota. Trong đó, Công ty ô tô Toyota tài trợ toàn bộ dụng cụ, vật tư ban đầu, trang thiết bị, công nghệ, tài liệu, học liệu chuẩn cho trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội.
Chương trình tập trung vào hai nội dung đào tạo chính là đào tạo sửa chữa vỏ xe ô tô (đồng sơn), khắc phục xe tai nạn và kỹ thuật sửa chữa chung ô tô Toyota.
Nhờ công nghệ này, nhà trường có thể tiếp cận và mời các giảng viên giỏi trên toàn thế giới, tiếp cận và đào tạo sinh viên ở bất kì nơi nào, học bất kì không gian, thời gian, địa điểm nào khi được cấp quyền của Nhà trường và kết nối với mạng.
Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cũng đã ký kết các Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác tuyển sinh, đào tạo và cung ứng nhân lực cho các đối tác nước ngoài. Nhiều sinh viên của trường đã được tiếp nhận, hoàn thiện thủ tục để đi du học nghề kép tại CHLB Đức hoặc một số nước châu Âu khác.
TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết: “Trường đã tạo nhiều cơ hội hợp tác, nâng cao chất lượng đào tạo, tiếp cận với trình độ của các nước tiên tiến trên thế giới. CHLB Đức là một nước có trình độ khoa học kỹ thuật phát triển bậc nhất châu Âu và thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực cơ khí chính xác, cơ điện tử…
Chất lượng dạy nghề của CHLB Đức cũng thuộc nước đứng đầu châu Âu, sinh viên vừa được học ở trường, vừa được học tại doanh nghiệp nên học viên không chỉ học được kỹ năng nghề mà cả các kỹ năng mềm, thái độ, tác phong công nghiệp, sau tốt nghiệp có thể bắt tay ngay vào công việc. Mức lương trung bình cho lao động có tay nghề ở Đức tương đương 70-80 triệu đồng/tháng, nên đây là cơ hội rất lớn để các bạn sinh viên HCEM có thể đi học và làm việc tại châu Âu”.