Hướng tới bệnh viện số, y tế thông minh
Hiện thực hóa giấc mơ bệnh viện số
Khi các mô hình chuyển đổi số của Đề án 06 được triển khai, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn nhanh chóng ứng dụng mô hình sử dụng kiosk thông minh tự phục vụ trong công tác khám, chữa bệnh.
Từ một kiosk thử nghiệm ban đầu với trung bình mỗi ngày có khoảng 100 lượt tiếp đón, đến nay Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã triển khai 5 kiosk, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.500 lượt tiếp đón.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải đánh giá cao công tác chuyển đổi số của ngành Y tế Hà Nội trong thời gian qua |
Bệnh viện Xanh Pôn phấn đấu trong năm 2024 tiếp đón trực tiếp trên kiosk được trên 3.000 lượt bệnh nhân mỗi ngày, đạt trên 90% tổng số người bệnh đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện.
Việc triển khai các kiosk đã mang lại nhiều giá trị, tiện ích cho cả bệnh nhân và bệnh viện. Người dân đến khám không phải mang quá nhiều giấy tờ gây áp lực khi đi khám chữa bệnh nhất là với người cao tuổi.
Người bệnh chỉ cần mang căn cước công dân gắn chip hay có tải app VNeID đã đăng ký trên điện thoại có thể chủ động tự thao tác tiếp đón tại kiosk để chọn chuyên khoa cần thăm khám, không cần nhân viên y tế hỗ trợ.
Ảnh minh hoạ |
Là bệnh nhân điều trị lâu dài tại Bệnh viện Xanh Pôn, chị Nguyễn Thu Thủy (ở quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, trước đây mỗi lần đến khám chị phải mang theo hồ sơ bệnh án cùng thẻ BHYT và nhiều giấy tờ khác, thời gian chờ khám rất lâu và mệt mỏi. Do đó, chị rất hài lòng về sự cải thiện chất lượng dịch vụ của bệnh viện thời gian gần đây.
“Bệnh nhân không phải xếp hàng chờ đợi lấy số thứ tự đăng ký khám bệnh, bác sĩ có thể nhanh chóng tra cứu thông tin bệnh án trên hệ thống, hồ sơ bệnh án được lưu trên môi trường số giúp người bệnh không cần phải mang theo giấy tờ khi tái khám… Các bệnh nhân được hưởng lợi sau khi bệnh viện thực hiện chuyển đổi số”, chị Thuỷ chia sẻ.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng |
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết, nhiều kết quả khả quan đã đạt được trong quá trình triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 về lĩnh vực y tế gồm: Khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp; liên thông dữ liệu giấy báo tử, giấy chứng sinh; khám chữa bệnh sử dụng sinh trắc học (kiosk tự phục vụ) và thí điểm hồ sơ sức khỏe…
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, các cơ sở khám, chữa bệnh của ngành Y tế Hà Nội đã tiếp đón hơn 4 triệu lượt khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ bảo hiểm y tế. Các cơ sở tiêm chủng đã xác thực điện tử cho 17,31 triệu mũi tiêm vắc xin COVID-19; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác 06 các địa phương tổ chức xác thực trên một triệu trường hợp sai thông tin.
Về việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử, Hà Nội đã khởi tạo hồ sơ sức khỏe điện tử của hơn 9 triệu người dân; chuẩn hóa thông tin trên hệ thống cho 7,75 triệu người; hơn 6,16 triệu người được cập nhật bổ sung thông tin căn cước công dân; hơn 4,3 triệu người dân được cập nhật bổ sung số thẻ BHYT.
Ảnh minh hoạ |
Thành phố cũng hoàn thành việc cấp 3.200 tài khoản cho các đơn vị, cá nhân tham gia khai thác, sử dụng hệ thống; tổ chức kết nối, liên thông dữ liệu bảo hiểm y tế của 50 bệnh viện, 39 phòng khám đa khoa và 297 trạm y tế.
Đến nay, thành phố đã đồng bộ được gần 3,3 triệu hồ sơ sức khỏe của người dân lên cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để phục vụ hiển thị thông tin Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VneID.
Ngoài ra, về triển khai khám chữa bệnh sử dụng sinh trắc học (kiosk tự phục vụ), ngành Y tế Hà Nội thí điểm 5 kiosk tự phục vụ tiếp đón khoảng 1.600 bệnh nhân/ngày tại Bệnh viện Đa khoa Xanh pôn và 1 kiosk tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa; đồng thời tiếp tục triển khai thí điểm kiosk tự phục vụ tại Bệnh viện Đa khoa Ba Vì và Bệnh viện Hòe Nhai…
Bên cạnh đó, toàn thành phố hiện đã có 38/43 bệnh viện (đạt tỷ lệ 88%) triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; trong đó, một số đơn vị triển khai hiệu quả như: Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn; Bệnh viện Đa khoa Đức Giang; Bệnh viện Đa khoa huyện Mỹ Đức và Bệnh viện Đa khoa Vân Đình.
Chuyển đổi số từ những việc nhỏ nhất
Trong quá trình triển khai chuyển đổi số, ngành Y tế Thủ đô cũng đối mặt với một số khó khăn, tồn tại. Đó là việc phát triển không đồng bộ, chưa có chiến lược dài hạn; dữ liệu còn phân tán, chưa tập trung, không chia sẻ, kết nối được với các cơ sở khám chữa bệnh.
Ảnh minh hoạ |
Đặc biệt, việc triển khai bệnh án điện tử còn chậm, mới đạt tỷ lệ 12%. Cụ thể, Hà Nội có 42 bệnh viện công lập nhưng hiện chỉ có 5 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, gồm: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội; Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn; Bệnh viện Đa khoa huyện Mỹ Đức; Bệnh viện Đa khoa Vân Đình và Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Chuyển đổi số ngành Y tế Hà Nội năm 2024, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết: Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” của thành phố đã để lại dấu ấn mạnh mẽ bằng kết quả tích cực trong triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử và chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, kết quả này ghi nhận sự đóng góp lớn của ngành Y tế Thủ đô.
Chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh, chuyển đổi số là quá trình liên tục không có điểm dừng mà trước hết bắt đầu từ chuyển đổi nhận thức của người lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức; xác định rõ những vấn đề cần ưu tiên và quyết tâm thực hiện thì việc chuyển đổi số mới tạo hiệu quả cao.
Các đồng chí lãnh đạo Bộ Y tế, thành phố Hà Nội tham quan gian trưng bày các sản phẩm phục vụ công nghệ số |
Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị ngành Y tế cần tập trung nghiên cứu 3 vấn đề gồm: Quy hoạch ngành và chiến lược của ngành trong thực hiện chuyển đổi số; xây dựng quy chế và quy trình, đặc biệt là quy trình phối hợp liên thông trong ứng hoạt động của cơ quan, đơn vị; thực hiện một cách quy chuẩn, bài bản việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số... từ đó tích hợp được các kế hoạch, nhiệm vụ triển khai, tiết kiệm nguồn lực và thời gian.
“Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số phải song hành, hỗ trợ và thúc đẩy cùng phát triển. Đơn cử như số hóa phim chụp góp phần lớn trong bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí. Đây chính là chuyển đổi số từ những việc nhỏ nhất, hiệu quả nhất và khoa học nhất”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải yêu cầu.
Xác định nhiệm vụ chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị ngành Y tế tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn thành phố.