Huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Điện Biên, Nghệ An, Kon Tum, Lâm Đồng, Bình Thuận, Đồng Nai, từ ngày 23-24/4, mưa dông kèm lốc, sét đã làm 2 người bị thương (Nghệ An: 1; Đồng Nai: 1).
Về nhà ở, 3 nhà bị sập (Nghệ An 2; Bình Thuận 1); 115 nhà bị hư hỏng, tốc mái (Nghệ An: 29; Kon Tum: 39; Bình Thuận: 32; Lâm Đồng: 6; Điện Biên: 9); 1 nhà xưởng bị hư hỏng đổ sập (Đồng Nai); 4 chuồng trại chăn nuôi (Kon Tum) bị hư hỏng, tốc mái. Bên cạnh đó, 226,41ha hoa màu bị gãy đổ và 10 tấn sầu riêng bị rụng (Đồng Nai 57,5ha, Kon Tum 168,9 ha) và một số thiệt hại khác.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, sáng 25/4, sạt lở đất ven sông Đầm Dơi với chiều dài 40m, rộng 10m tại ấp Tân Thành, Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi, Cà Mau, làm 1 nhà bị sập hoàn toàn, ước thiệt hại 35 triệu.
Hiện các địa phương đã tổ chức thăm hỏi, huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống và tiếp tục thống kê thiệt hại.
Dông lốc gây hư hại nhà cửa của người dân tại tỉnh Bình Thuận (Nguồn ảnh: baobinhthuan.com.vn) |
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, ngày 26-27/4, khu vực Nam Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Khu vực Tây Nguyên có nắng nóng cục bộ. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: cấp 1.
Ngày 26/4, phía Đông Bắc Bộ trời lạnh, vùng núi phía Bắc trời rét, nhiệt độ thấp nhất ở phía Đông Bắc Bộ phổ biến 18-21 độ C, vùng núi có nơi dưới 17 độ C.
Ngày 26/4, khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa rào và dông rải rác, lượng mưa 10-20mm, có nơi trên 40mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá: cấp 1.
Nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai, thực hiện việc theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, người dân, khách du lịch chủ động phòng tránh hiện tượng mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể xảy ra trong những ngày tới.
Các tỉnh, thành phố chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, rà soát các phương án ứng phó phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương, lưu ý những khu vực tập trung đông người, ven biển, trên các đảo, khu du lịch,...; Chủ động chuẩn bị phương tiện, vật tư nhất là vải bạt, tấm lợp các loại và lực lượng xung kích tại cơ sở sẵn sàng huy động giúp dân khắc phục hậu quả nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả;
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với đài truyền hình cấp tỉnh, các cơ quan thông tin truyền thông, nhất là tại cơ sở tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn người dân, khách du lịch cách nhận biết, kỹ năng ứng phó mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, trong đó tập trung vào các nội dung: Biện pháp trú, tránh đảm bảo an toàn khi xảy ra dông, lốc, sét; Gia cố, che chắn bảo vệ tài sản, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương để giảm thiểu thiệt hại.
Đặc biệt, các địa phương tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, thiên tai, thường xuyên tổng hợp báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai.