Việt Nam hiện thực hóa cam kết về giảm nhẹ rủi ro thiên tai
Khoa học công nghệ đóng vai trò then chốt trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai Phát triển quy hoạch đô thị, nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống thiên tai |
Khung Sendai về Giảm thiểu rủi ro thiên tai giai đoạn 2015 - 2030 được thông qua tại Hội nghị thế giới về giảm thiểu rủi ro thiên tai lần thứ 3 của Liên hợp quốc tổ chức tại Sendai, tỉnh Miyagi (Nhật Bản).
Việt Nam là một trong 187 quốc gia trên thế giới đã thông qua khung hành động này với 4 ưu tiên, 7 mục tiêu, và 38 chỉ số đo lường tiến độ thực hiện.
Các đại biểu tham gia chương trình trao đổi “Giới thiệu khung Sendai và sử dụng Khung hành động Sendai về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai ở Việt Nam” |
Trong khuôn khổ dự án “Tăng cường sự tham gia của người dân trong giám sát tiến trình và kết quả thực hiện Khung Sendai tại Việt Nam”, Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ phát triển huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông (LRP 12), ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) vừa tổ chức tập huấn và khảo sát thực địa cho báo chí về khung Sendai và sử dụng khung hành động Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai ở Việt Nam.
Trong những năm qua, Việt Nam đã thể hiện cam kết trong việc thực hiện khung Sendai thông qua nhiều văn bản pháp lý như: Luật Phòng chống thiên tai (PCTT) (sửa đổi) năm 2021; Chiến lược Quốc gia PCTT đến năm 2030; Đề án "Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030" (Đề án 553); Thông tư 02/2021/TT-BNNPTNT hướng dẫn xây dựng kế hoạch PCTT các cấp ở địa phương; Thông tư 10/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế xã hội.
Việt Nam cũng đã đạt được nhiều kết quả phát triển và đưa vào sử dụng thành công hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam VNDMS và ứng dụng PCTT giúp đáp ứng các nhu cầu giám sát, chỉ đạo điều hành và quản lý dữ liệu.
Việc tham gia Khung Sendai đã mở ra cơ hội để Việt Nam đem tới thế giới những kinh nghiệm độc đáo của người dân và chính quyền trong phòng ngừa và ứng phó với thiên tai; Đồng thời học tập và nhận hỗ trợ của các nước khác trong phục hồi và phát triển bền vững sau thiên tai.
Bà Thái Minh Hương, Phòng Hợp tác Quốc tế và Khoa học Công nghệ, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT chia sẻ, khung hành động Sendai (2015-2030) đã chỉ rõ “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai đòi hỏi có sự tham gia của toàn xã hội”.
Chia sẻ tại chương trình, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết: “Đến nay, chúng tôi đã phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức các chương trình nâng cao nhận thức cho nhiều đối tượng: Lực lượng xung kích PCTT cấp cơ sở (cuộc thi “Xung kích PCTT”), các em học sinh trên cả nước (cuộc thi “Đại sứ học đường trong PCTT và thích ứng biến đổi khí hậu”), phụ nữ (cuộc thi “Phụ nữ trước bão dông”).
Chương trình là nỗ lực tiếp theo của ActionAid, AFV và các đối tác trong khuôn khổ ưu tiên chương trình mới, thuộc Chiến lược Quốc gia VII (2023-2027) sắp công bố năm nay.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, việc áp dụng các cơ chế tự nguyện quốc tế như khung Sendai trong phòng ngừa và ứng phó với thiên tai, phục hồi và phát triển bền vững sau thiên tai có ý nghĩa quan trọng trong các chính sách của các cấp ở Việt Nam.