Huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ
Hàng nghìn người bị ảnh hưởng do mưa lũ
Trong ngày hôm nay (25/7), dù trời không còn mưa nhưng nhiều ngôi nhà của người dân thôn Đồng Dâu (xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn ngập trong nước với độ sâu từ 1,8-2,2m. Để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân, lực lượng chức năng tại địa phương đã dùng thuyền nhỏ, hỗ trợ một số hộ dân sơ tán tới các nhà cao tầng trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND xã Tốt Động Nguyễn Văn Luật cho biết, mưa lớn kết hợp lũ rừng ngang đổ về đã làm ngập 85 ngôi nhà ở và 1,5km đường giao thông ở thôn Đồng Dâu; ngập 300ha lúa, 20ha nuôi trồng thủy sản, 0,3ha rau màu...
Chủ động ứng phó với mưa lớn kết hợp lũ rừng ngang đổ về, xã Tốt Động đã huy động 260 người, 5 ô tô, 300m3 đất cát, 5.000 vỏ bao tải để chống tràn đê sông Bùi, hỗ trợ người dân di chuyển người già, trẻ nhỏ và tài sản đến nơi an toàn. Xã đã bố trí 100 bình nước sạch (loại 20 lít/bình) để cấp cho người dân thôn Đồng Dâu...
Lực lượng chức năng xã Tốt Động (huyện Chương Mỹ) hỗ trợ người dân vùng úng ngập di chuyển tài sản đến nơi an toàn. Ảnh: Bảo Châu |
Thống kê của huyện Chương Mỹ tính đến 7h sáng 25/7, mưa lớn kèm lũ rừng ngang đổ về đã làm sạt lở 20m, tràn hơn 7,7km đê cấp 4, cấp 5 đi qua địa bàn 14 xã; ngập gần 57km đường giao thông tại 47 thôn, xóm, ảnh hưởng sinh hoạt 719 hộ dân với 1.292 người.
Bên cạnh đó, mưa lũ còn làm đổ 689m tường bao, sạt 180m bờ kênh, úng ngập 2.352ha lúa, 379ha hoa màu, 262ha cây ăn quả, tràn bờ 1.648ha nuôi trồng thủy sản, ngập 29.714m2 chuồng trại chăn nuôi, ảnh hưởng 2.223 con gia súc, 93.784 con gia cầm...
Để giảm thiệt hại, Trưởng phòng Kinh tế, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ Tống Văn Thái cho biết, huyện đã huy động 4.061 người, 155 phương tiện, sử dụng 5.586m3 đất, cát và 53.910 bao tải để chống tràn các tuyến đê và hỗ trợ người dân di chuyển người già, trẻ nhỏ đến nơi an toàn.
Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ huy động 100% lực lượng vận hành tối đa công suất 20 trạm bơm tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, giảm úng ngập khu dân cư...
Nhanh chóng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả
Cũng bị ảnh hưởng bởi mưa, lũ, tại xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã huy động hơn 50 người, 10m3 cát, 200 bao tải để đắp bờ vây chống lũ tràn vào Trạm bơm Cầu Đổ - Chân Chim.
Thị trấn Đại Nghĩa huy động 20 người, 5m3 cát, 10m ván để chống tràn bờ kênh từ Trạm bơm Đại Nghĩa ra sông Đáy. Xã Đồng Tâm huy động 200 người, 2 máy xúc, 20 máy bơm điện, 2 máy bơm dầu, 100m3 đất đá, 500 bao tải để chống úng các khu dân cư thuộc thôn Hoành 1, Hoành 2, Đồng Mít 1; đồng thời, giúp người dân kê cao tài sản, di chuyển gia súc, gia cầm.
100% cán bộ, nhân viên Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Mỹ Đức ứng trực, vận hành 22 trạm bơm với 79 tổ máy bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp. 22 xã, thị trấn có các tuyến đê sông, đê hồ đi qua đều ứng trực, tăng cường tuần tra, sẵn sàng ứng phó sự cố...
Lực lượng chức năng huyện Chương Mỹ sơ tán người dân vùng úng ngập đến nơi an toàn. Ảnh: Bảo Châu |
Trưởng phòng Kinh tế, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn cho biết, tính đến 7h sáng 25/7, mưa lớn kết hợp lũ rừng ngang đổ về đã làm ngập 17 nhà dân ở các xã Phúc Lâm, Đồng Tâm; úng ngập 360ha lúa, 149ha rau màu, 374ha nuôi trồng thủy sản, 70ha cây ăn quả và một số chuồng trại chăn nuôi...
Còn tại huyện Ba Vì, sau khi hồ thủy điện Hòa Bình mở 4 cửa xả đáy, mực nước sông Đà (đoạn tại Trạm bơm Trung Hà, huyện Ba Vì) lúc 7h sáng 25/7 đạt 9,5m. Dù vẫn thấp hơn mức báo động lũ cấp I tới 7,5m nhưng nhiều công trình ven sông, như: Trạm bơm dã chiến Trung Hà đã bị chìm trong nước. Người dân xã đảo Minh Châu không thể sang đất liền phía tỉnh Vĩnh Phúc do đập tràn duy nhất bị ngập sâu...
Trưởng phòng Kinh tế, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông cho biết: “Huyện Ba Vì đã chỉ đạo Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì có phương án bảo đảm an toàn các tổ máy bơm tại Trạm bơm dã chiến Trung Hà. Xã đảo Minh Châu bố trí lực lượng cảnh báo người dân không đi qua tràn khi ngập sâu. Xã Phong Vân và 7 xã vùng núi cũng tăng cường kiểm tra khu dân cư bị sụt lún, có nguy cơ cao sạt lở đất, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán người và tài sản ngay khi xảy ra tình huống...”.
Thống kê của huyện Ba Vì, tính đến 7h sáng 25/7, mưa lớn đã làm ngập úng 292ha lúa, hoa màu, sạt trượt 25m kênh tiêu Cổ Đô - Vạn Thắng...
Để chủ động phòng, chống và ứng phó với các thiệt hại do thiên tai gây ra, các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức... cần tiếp tục phân công lực lượng kiểm tra, rà soát các trọng điểm đê điều, công trình thủy lợi, khu vực ngập sâu, nguy cơ sạt lở để sẵn sàng triển khai phương án bảo vệ, sơ tán dân; tiếp tục huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả...