Hy sinh thầm lặng cho mùa Xuân trọn vẹn
Chất thép và trái tim hồng
Đợt dịch thứ tư với biến chủng Delta tiếp tục diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành Trung ương đã dành sự quan tâm đặc biệt đến khu vực này, kịp thời chỉ đạo, điều động, bổ sung nhân lực, vật lực… đồng hành cùng các địa phương quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, mỗi xã, phường là “một pháo đài”, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch, TP Hồ Chí Minh rất cần thêm “chất thép” để nhân thêm sức mạnh ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.
Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ công an lên đường vào TP Hồ Chí Minh hỗ trợ chống dịch |
Trong đợt dịch lần thứ tư, lực lượng quân đội và công an liên tục xuất quân lên đường làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Đó là những đợt điều động lực lượng nhanh theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ cao nhất các địa phương đối phó với tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Bất cứ ở đâu có “điểm nóng”, bộ đội và công an lại có mặt, không quản ngại khó khăn, gian khổ để bảo vệ Nhân dân, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Một lần nữa, công an lại khẳng định mình là những lực lượng nòng cốt trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Những chiến sĩ đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, nguy cơ lây nhiễm bệnh để xung kích trên tuyến đầu, cùng các cấp, ngành tích cực phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng Nhân dân. Điều này không chỉ thể hiện rõ bản lĩnh chính trị, ý chí quyết chiến, quyết thắng của lực lượng công an mà còn ghi đậm dấu ấn về người chiến sĩ công an “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Xác định phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, kể từ khi dịch xuất hiện, nhất là sự bùng phát làn sóng thứ tư, các cán bộ, chiến sĩ công an luôn căng mình trên mọi trận tuyến. Họ thực sự là những chiến binh quả cảm, trở thành “tấm lá chắn” vững vàng, vừa ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, vừa giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đặc biệt, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, lực lượng công an từ Trung ương đến các địa phương đã tham gia hầu hết các hoạt động phòng, chống dịch, từ truy vết, khoanh vùng, chốt chặn, đến hỗ trợ tiêm vắc xin, điều trị bệnh nhân... Cùng với đó, lực lượng công an tập trung đấu tranh, ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép; Tổ chức bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, hỗ trợ lưu thông hàng hóa phục vụ “mục tiêu kép”.
Đồng đội, người thân động viên nữ chiến sĩ lên đường tham gia công tác chống dịch |
Lực lượng y tế Công an Nhân dân đã chi viện hàng trăm cán bộ, chiến sĩ từ Bệnh viện 19-8 và Bệnh viện Y học cổ truyền tham gia quản lý, vận hành Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bắc Giang. Tại TP Đà Nẵng, Bệnh viện 199 được xác định là một trong những cơ sở y tế chủ chốt thực hiện nhiệm vụ xét nghiệm, cách ly, điều trị.
Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Công an Nhân dân vững vàng trên tuyến đầu là “điểm tựa tinh thần” vững chắc cho Nhân dân; Tô thắm thêm truyền thống Anh hùng của lực lượng Công an Nhân dân, xây dựng hình ảnh người chiến sĩ công an vì bình yên và hạnh phúc Nhân dân, vì an ninh Tổ quốc.
Những câu chuyện xúc động
Người dân Thủ đô không quên những câu chuyện cảm động về tinh thần trách nhiệm trong phòng, chống dịch của cán bộ chiến sĩ công an. Để ngăn chặn cũng như kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, Hà Nội đã lập một loạt "lá chắn thép". Đặc biệt, thời điểm giãn cách xã hội, TP đã lập 23 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ lớn ra vào Thủ đô nhằm kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh.
Góp phần không nhỏ trong công tác phòng, chống dịch bệnh của Thủ đô là những cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông (CSGT), Phòng CSGT Công an TP Hà Nội. Dù trời nắng hay mưa, đêm khuya hay buổi sớm… họ vẫn trực chốt cùng nhiều lực lượng khác để kiểm soát người, phương tiện ra vào Thủ đô, đảm bảo an toàn cao nhất cho người dân trước đại dịch toàn cầu.
Trung úy Phạm Đình Thanh (cán bộ Đội Tuyên truyền, phòng CSGT Công an TP Hà Nội, thành viên Chốt kiểm soát số 23 tại quốc lộ 18) chia sẻ, lần thực hiện nhiệm vụ này có rất nhiều kỷ niệm. Vị trí chốt được thành lập có nhiều phương tiện lưu thông nhưng trung úy Thanh và đồng đội vẫn nỗ lực hết sức để đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông thương hàng hóa, di chuyển của người dân.
Nhiều trường hợp tài xế di chuyển qua chốt có lời nói không hay, thái độ chưa hợp lý với lực lượng thi hành nhiệm vụ, tuy nhiên trung úy Thanh và đồng đội luôn thấu hiểu, những lúc như thế này, người dân cần các anh nhất. Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, tất cả đều đồng lòng, chung tay dập dịch.
Hơn 4 tháng kể từ khi thực hiện nhiệm vụ, Trung úy Thanh chưa về nhà. Anh ở một tỉnh tại miền Trung, nơi cách xa Hà Nội hàng trăm cây số. Trung úy Thanh nhớ lại, khi anh ra Hà Nội, con anh mới 8 tháng tuổi. Khi anh liên hệ về nhà, có nhiều điều bất ngờ đã mang lại những cảm xúc ngọt ngào đến với anh. "Sau 4 tháng, mình gọi điện về thấy con biết đi, biết chạy nhảy, gọi bố ơi, cảm giác lúc đó thực sự xúc động", Trung úy Thanh xúc động chia sẻ.
Lực lượng Công an TP Hà Nội trực chốt kiểm soát dịch COVID-19 |
Ngoài việc kiểm soát các chốt, các chiến sĩ công an có mặt trên mọi ngõ ngách, đi từng ngõ, khu phố, thôn, xóm, đến từng nhà dân để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; Rà soát, truy vết ca nhiễm, trường hợp liên quan để kịp thời cùng các lực lượng tổ chức cách ly, khoanh vùng, dập dịch, ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan ra cộng đồng.
Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cán bộ, chiến sĩ công an Thủ đô, có lẽ, mỗi người dân trong những ngày tháng qua đều đã thấu hiểu được tinh thần hết mình vì Nhân dân phục vụ.
Hình ảnh Trung tá Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Công an phường Đội Cấn (quận Ba Đình, Hà Nội) cõng cụ già 70 tuổi đưa lên xe ô tô đi cách ly tập trung đã tiếp tục làm sáng đẹp hơn hình ảnh chiến sĩ công an trong lòng dân, góp phần nhân lên tình cảm quân - dân ấm áp, tiếp thêm niềm tin, động lực để chiến thắng đại dịch.
“Nhận thấy bà cụ không đi được lại không có xe đẩy, tất cả mọi người trên hai xe buýt đang đợi, tôi đã quyết định mặc quần áo bảo hộ, nhanh chóng cõng bà cụ ra xe. Việc đấy tất cả mọi người cùng góp sức hỗ trợ, một mình không thể làm được. Sau đó cũng có người nói làm như thế có thể gây nguy hiểm cho bản thân nhưng nhiệm vụ đến thì mình làm thôi, chẳng nề hà gì”, Trung tá Nguyễn Duy Hưng chia sẻ.
Công an huyện Ứng Hòa (Hà Nội) tổ chức gặt lúa giúp dân trong những ngày phải giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 |
Bên cạnh việc đảm bảo an ninh trật tự theo nhiệm vụ, tại các chốt rất nhiều chiến sĩ công an đã gặp và phải xử lý những chuyện vô cùng đặc biệt.
Khoảng 8h ngày 31/7, trong lúc đang thực hiện nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 của Công an phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Thiếu tá Nguyễn Văn Lộng và Đại úy Nguyễn Đình Chiểu đã nhận được lời nhờ giúp đỡ của một nữ nhân viên phòng khám sản phụ khoa gần đấy.
Nữ nhân viên cho biết, tại phòng khám có một sản phụ đang sắp sinh nhưng không gọi được xe taxi đi bệnh viện vì đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Lúc này, hai cán bộ của Công an phường Xuân Tảo là Thiếu tá Nguyễn Văn Lộng và Đại úy Nguyễn Đình Chiểu đang có mặt tại chốt trực đã báo cáo Trung tá Nguyễn Văn Đồng, Trưởng Công an phường Xuân Tảo để liên hệ Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho xe đến đón sản phụ. Cùng lúc, Đại úy Nguyễn Đình Chiểu cũng sẵn sàng chuẩn bị xe cá nhân để có thể nhanh chóng đưa sản phụ đi sinh.
Tuy nhiên, ngay khi được đưa vào xe ô tô, nhận định sản phụ sắp trở dạ nên các cán bộ chiến sĩ đã hỗ trợ nhân viên y tế đưa chị trở lại phòng khám để sinh con. Rất may mắn, sau đó ít phút, một bé gái chào đời an toàn, nặng hơn 3kg. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con, tổ công tác vẫn quyết định đưa cả hai đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để kiểm tra. Đại úy Chiểu trực tiếp cầm lái.
Để nhanh chóng đi qua các chốt kiểm soát phòng, chống dịch, Trưởng Công an phường Xuân Tảo bố trí thêm một xe của công an phường đi trước dẫn đường đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian nhanh nhất. Sau khoảng 30 phút sau, cán bộ chiến sĩ Công an phường Xuân Tảo và nhân viên y tế đã đưa hai mẹ con đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội kịp thời. Khi sức khỏe của hai mẹ con được kiểm tra ổn định, các anh mới ra về.
Cảm kích trước sự hỗ trợ kịp thời, nhiệt tình, trách nhiệm của các chiến sĩ công an, gia đình sản phụ chia sẻ, bé gái sẽ được đặt tên là Công An.
Trong mỗi câu chuyện xúc động, “tinh thần thép, trái tim hồng” của các chiến sĩ công an khiến người dân càng thêm tin tưởng. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các anh cũng sẵn sàng vượt qua khó khăn, gian khổ vì sự bình yên, hạnh phúc của Nhân dân.