Kết nối, phát huy trí tuệ của các nhà khoa học trẻ
Nhà khoa học trẻ với khát vọng cống hiến vì cộng đồng Để nhà khoa học trẻ cống hiến nhiều hơn cho đất nước... 10 nhà khoa học trẻ nhận Giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2023 |
Khoa học đã làm mờ đi khoảng cách về tuổi tác
Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng trường Đại học Mở Hà Nội cho biết, là một cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực, hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường hết sức đa dạng phong phú theo các lĩnh vực chuyên môn, rất chuyên sâu, phù hợp với thực tiễn.
PGS.TS. Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng trường Đại học Mở Hà Nội phát biểu tại hội nghị |
Những kết quả đạt được đã khẳng định sự nỗ lực rất lớn của các thế hệ nhà khoa học là giảng viên và người học. Trong đó, đội ngũ trẻ đã đóng góp không nhỏ khẳng định uy tín học thuật của trường.
“Tôi trân trọng ghi nhận những đóng góp của các nhà khoa học, đặc biệt là nhà khoa học trẻ. Các bạn hội tụ đầy đủ tố chất về trình độ, phẩm chất, năng lực, được đào tạo cơ bản trên nền kiến thức khoa học công nghệ hiện đại; luôn phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, nhiệt huyết của tuổi trẻ để xứng đáng là thế hệ kế cận vững vàng chuyên môn, thạo nghiệp vụ, giỏi kỹ năng”, PGS.TS. Nguyễn Thị Nhung bày tỏ.
Đến với hội nghị, cùng các nhà khoa học trẻ là sự tham gia tích cực của các cán bộ, giảng viên có thâm niên trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học. Điều này chứng tỏ rằng, khoa học đã làm mờ đi khoảng cách về tuổi tác. Nhà khoa học ở đây đều trong tâm thế của những người trẻ, cùng đóng góp cho hoạt động khoa học, sáng tạo, khởi nghiệp nói chung, lan toả, chia sẻ tinh thần “Mở” mà nhà trường đã nhất quán, xuyên suốt trong suốt chặng đường xây dựng, phát triển.
Các cán bộ, giảng viên, nhà khoa học tham dự hội nghị |
“Năm 2024, nhà trường đặt mục tiêu trọng tâm phát triển hoạt động khoa học và công nghệ. Hơn ai hết, mỗi nhà khoa học trẻ cần nhận thức rõ trách nhiệm trong việc mở rộng hợp tác, tham gia tích cực vào các nhóm nghiên cứu, tăng cường công bố quốc tế uy tín. Nhà khoa học cần gắn nghiên cứu với đào tạo, sáng tạo khởi nghiệp và phục vụ cộng đồng; gắn kết hoạt động khoa học và công nghệ với sứ mạng của trường, hài hoà giữa đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững chất lượng nguồn nhân lực”, PGS.TS. Nguyễn Thị Nhung nhấn mạnh.
Báo cáo đề dẫn hội nghị, PGS.TS. Phạm Thị Tâm, Trưởng phòng Quản lý khoa học và đối ngoại cho hay: Trên cơ sở các báo cáo khoa học gửi đến hội nghị, Ban Tổ chức nhận thấy 4 nhóm vấn đề được quan tâm chủ yếu. Đó là, nhóm liên quan đến khoa học giáo dục, sáng tạo, khởi nghiệp; khoa học công nghệ, công nghệ sinh học, điện - điện tử, công nghệ thông tin, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; khoa học mỹ thuật và kiến trúc; khoa học xã hội nhân văn.
Các cán bộ, giảng viên, nhà khoa học chủ trì phiên hội nghị về khoa học xã hội và nhân văn |
“Hội thảo được tổ chức với mục tiêu kết nối các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề; kết nối các nhà khoa học của các thế hệ với tinh thần chia sẻ, cầu thị, học hỏi từ nhau, từ đó, thúc đẩy hợp tác, sáng tạo, khởi nghiệp.
Kể từ khi có thông báo chính thức vào trung tuần tháng 1/2024 cho đến khi kết thúc thời gian nhận bài, Ban Tổ chức hội nghị đã nhận được hơn 40 tham luận của các nhà khoa học là cán bộ, giảng viên, người học đến từ 15 đơn vị thuộc trường và 9 cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội”, PGS.TS. Phạm Thị Tâm thông tin.
Cần có sự đổi mới toàn diện
Báo cáo tham luận về vai trò của khoa học công nghệ trong xây dựng học liệu mở, TS. Trần Thị Lan Thu (Phòng Quản lý Đào tạo – trường Đại học Mở Hà Nội) cho biết, cùng với sự phát triển vượt bậc của cách mạng khoa học và công nghệ, các quốc gia đang phải đối mặt với rất nhiều cơ hội, thách thức do toàn cầu hoá mang lại.
Nhà khoa học trẻ tham luận tại hội nghị |
Chính vì vậy, nguồn nhân lực đã trở thành một tài sản quý. Trong giáo dục đào tạo đặc biệt là giáo dục đại học cần phải có sự đổi mới toàn diện, tổng thể đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực, tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, hướng phát triển khoa học công nghệ.
Báo cáo tham luận, TS. Trần Thị Lan Thu kết luận: Cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra và làm thay đổi thế giới từng ngày, giáo dục tại các cơ sở đại học ở Việt Nam sẽ cần phải có sự thay đổi nếu không muốn bị gạt ra khỏi cuộc chơi của tri thức.
Với dân số trẻ, năng động, tỉ lệ tiếp cận và sử dụng Internet cao, việc triệt để ứng dụng giáo dục mở sẽ giúp Việt Nam tiếp cận được với hệ thống giáo dục chất lượng cao, góp phần nâng cao kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp để đáp ứng tốt nhu cầu hội nhập và phát triển đất nước…
Các cán bộ, giảng viên, nhà khoa học trẻ thảo luận tại hội nghị |
Phát triển giáo dục mở, tài nguyên giáo dục mở là phù hợp với thời đại, xu thế phát triển của khoa học công nghệ, kinh tế tri thức, hội nhập, toàn cầu hoá, quốc tế hoá, gắn liền giáo dục với kinh tế và quyền con người để lợi ích cá nhân và xã hội được thống nhất.
Việt Nam muốn cạnh tranh kinh tế thành công phải có chiến lược phát triển nhân lực, nhân tài nên rất cần phải thúc đẩy phương thức đồng hành trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo thông qua phát triển giáo dục mở, tài nguyên giáo dục mở dựa trên những nguyên tắc hợp lý cùng sự ràng buộc trách nhiệm của các chủ thể liên quan, nhằm mở ra triển vọng tốt đẹp cho nền giáo dục quốc gia trong thời đại hội nhập và công nghệ 4.0.
Cô Nguyễn Thị Phương Anh (khoa Tạo dáng công nghiệp, trường Đại học Mở Hà Nội) chia sẻ về kiến trúc nông nghiệp – thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo cô Phương Anh, kiến trúc nông nghiệp với sự tích hợp nông nghiệp vào đô thị là giải pháp bền vững thích ứng biến đổi khí hậu.
Hội nghị thu hút đông đảo nhà khoa học trẻ với các tham luận chuyên môn sâu |
Các giải pháp của kiến trúc nông nghiệp góp phần hướng tới mục tiêu an toàn lương thực thực phẩm - tái tạo - bổ sung tài nguyên - thích ứng môi trường. Việc phát triển kiến trúc nông nghiệp sẽ giải quyết tình trạng về khí hậu và đa dạng sinh học tốt hơn.
Kiến trúc nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm đem lại một cuộc sống xanh hơn, làm mới cách thức sản xuất nông nghiệp đáp ứng nhu cầu lương thực thực phẩm ngày càng gia tăng của con người và phát triển hệ sinh thái phù hợp với những biến động của tự nhiên…
Tại hội nghị, các nhà khoa học cũng đã tập trung thảo luận về các nhóm nội dung: Khoa học xã hội và nhân văn; khoa học giáo dục, sáng tạo, khởi nghiệp; khoa học công nghệ; khoa học nghệ thuật, kiến trúc…
PGS.TS. Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng trường Đại học Mở Hà Nội cho hay: “Chúng ta đang ở Tháng Thanh niên. Dịp này, thanh niên cả nước tích cực ghi dấu ấn bằng hàng loạt hành động thiết thực hướng đến cộng đồng, góp phần bảo đảm phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Đây cũng là dịp mỗi người được nhắc nhớ về thời thanh xuân tươi đẹp để tiếp tục nỗ lực rèn luyện, tu dưỡng, vươn lên hoàn thiện chính mình. Về phía nhà trường, chúng tôi sẽ đồng hành với các bạn thông qua các chính sách phù hợp về học tập, nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp với mục tiêu luôn được chú trọng là hiệu quả và chất lượng”. |