Khắc hoạ niềm tự hào qua tranh cổ động
60 năm cầm cọ với tình yêu Hà Nội
Tại Hà Nội, trong một con ngõ nhỏ ở quận Bắc Từ Liêm, có một người họa sĩ hơn 80 tuổi vẫn ngày ngày lên phác thảo, vẽ hình, đi nét rồi tô màu, kẻ chữ cho tranh cổ động.
Năm 1963, Thành đoàn Hà Nội phát động phong trào “Thanh niên xung phong tình nguyện tháng 8 Thủ đô đi xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa miền núi”. Chàng trai trẻ Nguyễn Du năm đó vừa tròn 20 tuổi và đang là sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) cũng tham gia thanh niên xung phong. Chàng sinh viên vừa hăng say phá núi mở đường, cải tạo tuyến đường sắt từ Yên Bái đến Lào Cai, vừa kẻ, vẽ những khẩu hiệu, báo tường, tranh cổ động, sáng tác các vở kịch ngắn để cổ vũ cho đơn vị và địa phương nơi đóng quân.
Họa sĩ Nguyễn Du và bức tranh cổ động hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô |
Nhờ có tài năng nghệ thuật, sau này, ông được điều về Ban Thi đua, Cục Bảo đảm giao thông cầu đường (Tổng cục Đường sắt) để xây dựng đoàn văn công xung kích của Tổng cục. Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, ông chuyển công tác tại Phòng Công tác chính trị (trường Đại học Giao thông vận tải) và làm việc tại đây đến lúc nghỉ hưu.
Ngoài công việc chuyên môn, họa sĩ Nguyễn Du còn sáng tác tranh cổ động phục vụ lao động sản xuất, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và công cuộc đổi mới đất nước… Ông cũng đã thiết kế nhiều logo, như: Logo Olympic Cơ học toàn quốc (hiện đang sử dụng làm Huy chương Vàng, Bạc, Đồng để trao cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng đoạt giải); logo trường Đại học Thương mại…
Những bức tranh cổ động do họa sĩ Nguyễn Du sáng tác |
Đặc biệt, ông chính là người sáng tác ra logo Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam. Sau gần 20 năm, đây vẫn là chiếc logo đầu tiên và duy nhất của Hội.
Giữ sử ngày Giải phóng bằng tranh cổ động
Với hơn 60 năm theo đuổi dòng tranh cổ động, đến nay, ông đã sáng tác hàng trăm tác phẩm, chủ yếu là sáng tác tuyên truyền các ngày lễ, kỷ niệm lớn của Thủ đô và đất nước. Nhiều tác phẩm được tuyển chọn trưng bày tại các triển lãm trong nước và quốc tế cũng như được in ấn trong các tuyển tập tranh cổ động của các Bộ, ngành.
Những bức tranh của ông đều mong muốn góp phần cổ vũ toàn dân, toàn quân vững tin vào công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa |
Với họa sĩ Nguyễn Du, dấu mốc lịch sử của Thủ đô và đất nước luôn là nguồn cảm hứng bất tận khiến ông đam mê, trăn trở. “Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, tôi đã trằn trọc nhiều đêm để suy nghĩ đề tài. Phác thảo ra rất nhiều để sáng tạo ra những tác phẩm này. Tưởng chừng rất đơn giản nhưng từ Tháp Rùa, đến đàn chim hay biểu tượng hòa bình… tất cả đều hướng đến mong muốn sống trong hòa bình.
Tất cả các tranh cổ động đều được họa sĩ Nguyễn Du vẽ tay |
Nếu những bức tranh cổ động về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nhắc nhớ mỗi thế hệ về tình yêu đất nước và tinh thần dân tộc thì những bức về Ngày Giải phóng Thủ đô lại khơi dậy tình yêu hòa bình, tình yêu và trách nhiệm với mảnh đất ngàn năm văn hiến”, họa sĩ Nguyễn Du chia sẻ.
Để hoàn thiện một bức tranh cổ động, họa sĩ Nguyễn Du luôn tỉ mẩn trong từng công đoạn. Sau khi có ý tưởng, ông vẽ phác thảo qua bằng bút bi, bút chì. Ở bước này, các hình khối, đường nét, tạo hình nhân vật bắt đầu được định hình.
Nét đặc trưng của Thủ đô Hà Nội là hình ảnh Tháp Rùa được họa sĩ phối cùng phông chữ tạo nên một tác phẩm đặc biệt |
Tiếp đó, ông sẽ tiến hành vẽ chi tiết trên khổ giấy A3 theo đúng với kích cỡ yêu cầu và được đi nét chính xác. Quá trình lên màu được hoạ sĩ chọn lọc cẩn thận, để tổng thể tác phẩm có sự hài hòa, cân đối giữa màu sắc và hình khối. Mỗi tông màu, nét chữ đều được tính toán kỹ lưỡng để tạo ra hiệu ứng nổi bật về mặt thị giác, hấp dẫn người xem và thể hiện chính đề tài của tác phẩm. Cuối cùng là bức tranh sẽ được hoàn thiện và scan để in ra.
“Muốn có một bức tranh cổ động tốt, rõ ràng về nội dung, hấp dẫn về hình thức, họa sĩ phải nghiên cứu kĩ đề tài và tìm cách thể hiện một cách khái quát sao cho cô đọng, dễ hiểu. Dù hiện nay không còn mấy ai vẽ tay khi sáng tác tranh cổ động nhưng chỉ khi tự tay tôi phác họa từng chi tiết mới thể hiện được ý tứ, cái hồn trong mỗi tác phẩm”, hoạ sĩ Nguyễn Du chia sẻ.
Những đường nét được phác họa trên giấy của họa sĩ Nguyễn Du |
Với ngôn ngữ tạo hình khỏe khoắn, dễ hiểu, màu sắc tươi sáng, họa sĩ Nguyễn Du đã sáng tạo nên những tác phẩm mang giá trị thẩm mỹ cao. Những bức tranh cổ động của ông là những nét chấm phá của quá khứ và tương lai, tạo nên một Thủ đô Hà Nội kết nối những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa của dân tộc, nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, tinh thần đoàn kết và khát vọng vươn lên của cả dân tộc.
Mỗi tác phẩm đều được họa sĩ thực hiện một cách chỉnh chu, cẩn thận |