Khẩn trương vệ sinh môi trường, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh
Bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh
Do ảnh hưởng của mưa lớn, ngập úng, huyện Phúc Thọ đã phải tổ chức di dời 67 hộ với 165 nhân khẩu đến nơi tránh trú an toàn. Sau khi cơn bão tan, nhân dân đã ổn định và quay trở lại hộ gia đình. Trên địa bàn huyện không có thiệt hại về người.
Thống kê cho thấy, tại huyện Phúc Thọ, bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã khiến 647 cây xanh bị gãy, đổ và 940 cây xanh bị gãy cành. 8 công trình bị hư hại, tốc mái. Hơn 500ha lúa bị đổ, ngập và khoảng 260ha rau màu các loại bị hư hỏng. Diện tích cây ăn quả bị ngập ảnh hưởng đến năng suất vào khoảng 397ha…
Để khắc phục hậu quả thiên tai, hiện nay, huyện Phúc Thọ đang chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với UBND các xã, thị trấn tập trung xử lý cây xanh bị gãy, đổ, cắt tỉa và khắc phục công trình, sự cố về điện bị hư hỏng; tổ chức khơi thông dòng chảy, rãnh thoát nước, hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng, tiêu thoát nước cho lúa và rau màu…
Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phúc Thọ đã có văn bản huy động sự đóng góp ủng hộ cứu trợ thiên tai của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động, hỗ trợ tại chỗ đối với các hộ dân bị thiệt hại…
Tiêu độc, khử trùng môi trường ở xã Tích Giang. Ảnh Minh Phú |
Trong sáng 14/9, toàn huyện Phúc Thọ đã triển khai vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm sau cơn bão số 3.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phúc Thọ Nguyễn Hùng Cường cho biết, huyện tập trung lực lượng hỗ trợ công tác vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng tại các xã: Xuân Đình, Tích Giang, Vân Hà, Vân Nam, Sen Phương. Đây là các xã thời gian qua bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tình trạng ngập lụt.
Theo đó, công tác vệ sinh, khử trùng và tiêu độc môi trường sẽ được thực hiện trong thời gian 10 ngày (từ ngày 14 đến ngày 24/9). Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, UBND các xã, thị trấn triển khai trong thời gian trên, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.
Công tác vệ sinh, tiêu độc môi trường sẽ tập trung ở các khu vực kinh doanh, buôn bán động vật sống, sản phẩm động vật, khu giết mổ động vật; sơ chế, chế biến sản phẩm động vật, nơi tập trung gia súc, gia cầm; khu vực nước thải sơ chế, chế biến sản phẩm tại các chợ, tụ điểm; các vùng ngập úng có mật độ chăn nuôi cao, nơi có xác động vật chết do mưa lũ, ngập úng; nơi có ổ dịch cũ; các khu vực hố chôn hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh…
Để phục vụ công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ huyện Phúc Thọ hơn 1.400kg hóa chất, HanKon WS để cấp cho 21 xã, thị trấn triển khai thực hiện. Đây là việc làm cần thiết, nhằm chủ động tiêu diệt mầm bệnh, ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh; bảo vệ sức khoẻ, tính mạng cho người dân.
Nước lũ rút đến đâu, khắc phục ngay đến đó
Trước đó, kiểm tra thực tế công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Nguyễn Doãn Hoàn nhấn mạnh, hiện nay diễn biến mưa lũ còn phức tạp. Do đó, đề nghị các cơ quan, đơn vị, 18 xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, rà soát phương tiện vật tư, xử lý kịp thời các sự cố trên một số tuyến đê; tập trung nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão với phương châm “nước lũ rút đến đâu, khắc phục ngay đến đó”.
Các phòng ban chuyên môn của huyện xây dựng phương án phục hồi sản xuất, cố gắng giữ cây trồng có giá trị của Nhân dân, khắc phục diện tích rau màu, lúa bị ngập úng; khắc phục hạ tầng kỹ thuật; tập trung khử trùng tiêu độc phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường ở các trường học, khu dân cư, nơi công cộng...
Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Nguyễn Doãn Hoàn cũng đề nghị các xã, thị trấn tiếp tục hoàn thiện phương án di dời dân khi có tình huống xảy ra; xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự thường trực 24/24 giờ.