Khánh thành tuyến đường 6.300 tỷ đồng từ Cần Thơ đi Kiên Giang
Tuyến đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi có tổng mức đầu tư 6.300 tỷ đồng kết nối khu vực phía Tây của ĐBSCL, tạo thành tuyến trục thứ hai song song với Quốc lộ 1 (Ảnh: Báo Cần Thơ) |
Dự án đầu tư xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long là đơn vị quản lý dự án. Tổng vốn đầu tư 6.355 tỷ đồng, bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Dự án có tổng chiều dài 51 km, được chia làm 2 gói thầu thi công xây lắp gồm: CW1 nằm trên địa phận TP Cần Thơ với chiều dài 24,17 km, 11 km đường gom và 13 cầu cùng hệ thống thoát nước; CW2 nằm trên địa phận tỉnh Kiên Giang với chiều dài 27 km, có 9 km đường gom và 14 cầu cùng hệ thống thoát nước.
Điểm đầu của dự án tại Km 02+104.11, thuộc địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ), điểm cuối tại Km 53+553 thuộc địa bàn huyện Châu Thành (Kiên Giang). Quy mô tương đương đường cấp III đồng bằng, có 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Khi đưa vào hoạt động, thời gian từ Cần Thơ về Kiên Giang chỉ còn 50 phút, thay vì 90 phút theo Quốc lộ 80.
Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, được quản lý theo tiêu chuẩn cao tốc (chỉ cho ô tô lưu thông, cấm xe gắn máy), được khởi công vào năm 2016, sau 4 năm thi công với nhiều khó khăn, thay đổi từ 2 làn xe lên 4 làn xe, đến nay đã hoàn thành và đảm bảo kỹ thuật và chính thức khánh thành.
Theo đánh giá của Bộ GTVT, việc đưa dự án này vào khai thác vào những ngày đầu năm mới 2021 có ý nghĩa rất quan trọng, giúp các doanh nghiệp vận tải xây dựng kế hoạch vận chuyển hành khách, hàng hoá dịp Tết. Đồng thời, giúp người dân các tỉnh An Giang, Kiên Giang thuận tiện hơn trong việc lưu thông dịp Tết sắp tới.
Cùng với các dự án kết nối trung tâm ĐBSCL như cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống... tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với các địa phương có dự án đi qua nói riêng và khu vực Tây Nam Bộ nói chung; Đồng thời tăng năng lực, hiệu quả khai thác tuyến đường liên vận quốc tế nối liền Campuchia và Thái Lan.
Bên cạnh đó, tiếp tục kết nối với tuyến Mỹ An - Cao Lãnh và tuyến N2 (Đức Hòa - Mỹ An, là các tuyến đường bộ cao tốc được đầu tư trong tương lai) để tạo thành trục dọc nối từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ, tạo tiền đề cho việc hình thành tuyến cao tốc phía Tây song song với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đến Cà Mau). Cùng với các tuyến cao tốc trục ngang đã được phê duyệt quy hoạch (Bạc Liêu - Rạch Giá - Hà Tiên và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) sẽ hình thành mạng lưới đường bộ cao tốc hiện đại, đồng bộ khu vực ĐBSCL, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.