Khi con thi trượt...
50 thí sinh tranh tài tại Hội thi Báo cáo viên giỏi toàn quốc Đôi bạn cùng tiến, chinh phục thành công kỳ thi vào lớp 10 |
Áp lực vượt sức chịu đựng
Ngày 1/7, Sở GD&ĐT Hà Nội chính thức công bố điểm chuẩn vào lớp 10 của hơn 100 trường THPT công lập năm 2024. Nhiều học sinh vô cùng vui sướng khi biết mình đã thi đỗ nguyện vọng 1 vào trường tốp đầu. Tuy nhiên, không ít trường hợp các em nhận được kết quả không như mong đợi.
Trượt cấp 3, nhiều học sinh có tâm trạng hụt hẫng, tội lỗi, thất vọng về bản thân khi phải đối mặt với sự đay nghiến, xúc phạm từ người thân trong gia đình. Thậm chí, nhiều em rơi vào trạng thái trầm cảm, muốn tự sát...
Cụ thể, ngay sau khi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 kết thúc, cộng đồng mạng được chứng kiến nhiều câu chuyện đáng thương của các sĩ tử, như việc một học sinh "2K9" cảm thấy tuyệt vọng và bị bố mẹ không nhìn mặt khi thi không đỗ nguyện vọng 1 vào trường top đầu, hay có nữ sinh thi trượt lớp 10 bị bố mẹ đuổi ra khỏi nhà.
Mới đây nhất, Khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E, Hà Nội đã tiếp nhận một nam sinh có hành vi tự sát phải nhập viện cấp cứu vì các rối loạn tâm thần do áp lực thi cử...
Tất cả những câu chuyện này đang làm gióng lên hồi chuông cảnh báo về chuyện thi cử của học sinh, sự khốc liệt của cuộc đua vào những ngôi trường công và sự quan tâm đồng hành của phụ huynh tới con em trước mỗi kỳ thi quan trọng.
Sĩ tử được mẹ an ủi, động viên và trò chuyện trước kỳ thi vào lớp 10 THPT |
Chia sẻ với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Thạc sĩ Đỗ Thị Trang - Trưởng phòng tham vấn Marie Curie Hà Nội, Trung tâm Tham vấn tâm lý và Giáo dục Sunrise cho rằng, đây là thực tế đáng quan ngại sau mỗi một kỳ thi vào lớp 10, đặc biệt là thời điểm biết kết quả.
Việc thi cử và áp lực từ kết quả thi là một vấn đề rất nhạy cảm, có ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý của các em học sinh. Sự mong đợi từ phía gia đình có thể tạo ra một áp lực lớn, cộng thêm, sự phiền lòng của cha mẹ khi con thi trượt sẽ dẫn đến việc thiếu kiểm soát cảm xúc, ngôn từ hay những hành động, gây tác động đến tâm lý, vượt quá khả năng chịu đựng của đứa trẻ.
“Hơn ai hết, con cái chính là người buồn bã nhất khi nhận về kết quả thi không như mong đợi. Vì vậy, khi cảm xúc của con không được xoa dịu và thấu hiểu, con tìm cách giải tỏa bằng những cách làm thiếu lành mạnh như lạm dụng chất kích thích, chơi game thậm chí là làm đau bản thân mình”, Thạc sĩ Đỗ Thị Trang cho biết.
Thạc sĩ Đỗ Thị Trang, Trưởng phòng tham vấn Marie Curie Hà Nội |
Tất nhiên, sự xung đột giữa bố mẹ và con cái sau mỗi kỳ thi còn được hiểu qua nhiều góc độ, bao gồm cả tâm lý, văn hóa và xã hội. Bởi lẽ, sĩ tử "2K9" được sinh ra và lớn lên trong giai đoạn mà thành tích học tập được coi là thước đo để đánh giá sự thành công và vị thế xã hội. Vì vậy, áp lực không chỉ đến từ gia đình mà còn từ xã hội, tạo ra một môi trường căng thẳng cho cả bố mẹ và con cái.
Chưa kể, một số gia đình có truyền thống về thành tích học tập cao, nên chính việc duy trì truyền thống giáo dục của gia đình, cộng hưởng với việc mất đi sự lắng nghe và thấu hiểu trong mối quan hệ gia đình khiến họ chỉ tập trung vào kết quả mà không quan tâm đến quá trình... Tất cả những điều đó vô hình trung tạo ra áp lực vô cùng lớn cho con trẻ.
Phải chăng, phụ huynh đang quên đi rằng, mình đang mang trên vai sứ mệnh làm cha, làm mẹ?
Hãy coi thất bại là một trải nghiệm
Với những sĩ tử không đạt được kết quả như mong muốn, sự thấu hiểu và động viên từ phía gia đình là điều rất quan trọng.
Em Nguyễn Nhật Linh - tân thủ khoa chuyên Pháp trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam thổ lộ: "Gần đây, em có theo dõi trên mạng về một số vụ việc đáng buồn khi các bạn thi trượt nguyện vọng 1. Em rất hiểu nỗi lòng của các bạn.
Thật ra, chúng em áp lực lắm, đặc biệt là khi bản thân cũng nỗ lực nhiều mà kết quả lại không được như ý. Có bạn trượt nguyện vọng 1 là người em quen, khi biết mình thi trượt, bạn rời nhóm zalo chung, tắt mạng xã hội và không dám gặp bạn bè nữa, chúng em cũng chẳng thể liên lạc được”.
Học sinh Nguyễn Nhật Linh |
Thấy bạn bè thay đổi, nữ sinh chỉ hy vọng, các bậc phụ huynh thay vì chỉ trích và buông ra lời lẽ đau lòng cho con em mình, thì hãy là người giữ bình tĩnh, trở thành chỗ dựa tinh thần cho các bạn. Bởi theo Nhật Linh, mỗi bạn sẽ có một thế mạnh, năng lực và khả năng riêng, vì vậy, việc thi trượt vào lớp 10 không đồng nghĩa với việc bạn đã thất bại trong cuộc sống.
Từ những câu chuyện đau lòng mới đây được chia sẻ trên mạng xã hội, chị Thạch Thị Hạnh (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) vừa có con trải qua kỳ thi lớp 10 cho hay: "Bố mẹ nên đồng hành cùng con cả khi con thất bại. Chính sự cảm thông, chia sẻ và là chỗ dựa cho con sẽ khiến con vượt qua thử thách đầu đời một cách vững vàng".
Còn chuyên gia tâm lý Đỗ Thị Trang đưa ra quan điểm, xây dựng một môi trường gia đình lành mạnh, nơi các thành viên trong gia đình cảm thấy được yêu thương mới là điều quan trọng, giúp các con vượt qua những thử thách trong học tập và cuộc sống, đặc biệt ở giai đoạn nhạy cảm này.
Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội: Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 và thể chế hóa trong Luật Giáo dục năm 2019. Bậc làm cha mẹ nào cũng muốn con mình trở thành con ngoan, trò giỏi, người có ích cho gia đình và xã hội. Họ luôn trăn trở và muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho con cái, và coi học tập là cánh cửa mở ra tri thức, giúp con người tiến thân. Tuy nhiên nhiều bậc phụ huynh vì quá kỳ vọng vào con mình mà chưa cân nhắc, xem xét thấu đáo năng lực, khả năng của con mình, điều này tạo nên áp lực cho các con, đặc biệt ở độ tuổi vị thành niên. Bởi thế, đứa trẻ rất dễ có những phản ứng bồng bột, thậm chí là tiêu cực, khó kiểm soát... |
Theo chị Trang, để có thể vượt qua được khó khăn, tự tin chinh phục và tiến về phía trước, đầu tiên, sĩ tử hãy xem việc thi trượt là một trải nghiệm đáng để trân trọng.
Việc chưa đạt kết quả như mình mong muốn khiến các học sinh cảm thấy buồn bã và thất vọng, đây là cảm xúc hoàn toàn tự nhiên và cần được thấu hiểu. Cảm xúc đang có này cho thấy đứa trẻ là một người muốn phát triển bản thân mình.
“Trượt kỳ thi vào lớp 10 chính là trải nghiệm giúp các sĩ tử hiểu được sự kiên nhẫn, quyết tâm và khả năng phục hồi sau khi gặp thất bại. Đây không phải là thất bại cuối cùng, mà là một cơ hội để học hỏi và phát triển.
Vì vậy, điều sĩ tử cần làm là lựa chọn một ngôi trường phù hợp nhất với bản thân vào thời điểm này. Trong trường hợp trượt thẳng vào các trường công lập, thí sinh có thể đăng ký học tại một ngôi trường tư, trường nghề để tiếp tục con đường học tập”, nữ chuyên gia nhận định.
Rèn tính tự lập cho con từ sớm
Là chuyên gia tâm lý giáo dục, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: Bố mẹ ở Việt Nam quá chiều con, "cướp" quyền được khổ của con.
PGS.TS Trần Thành Nam lấy ra ví dụ về trẻ em 15 tuổi ở các nước phương Tây, nơi giáo dục con cái theo tinh thần độc lập và tự chủ. Tại đây, trẻ được trang bị khá nhiều kỹ năng xã hội, trong đó có kỹ năng định hướng nghề nghiệp và tự ra quyết định cho bản thân mình.
Trong khi đó, ở xã hội phương Đông, bố mẹ cho con tự chủ nhưng trong điều kiện con vẫn phải nghe theo lời bố mẹ. Vì vậy, tính tự lập, tự chủ, tự quyết của trẻ rất kém. Bên cạnh đó, sống trong một xã hội tràn ngập Internet thì các kỹ năng xã hội của các em càng ngày càng trở nên kém hơn.
Trượt kỳ thi vào lớp 10 không phải là thất bại cuối cùng mà là một cơ hội để học hỏi và phát triển |
“Tất nhiên, việc bố mẹ lo lắng con còn non nớt là hợp lý, nhưng đó là do cách giáo dục, không để con trải nghiệm, thực hành các công việc dù là nhỏ nhất. Khi bố mẹ không có sự chuẩn bị trước thì hết cấp hai, con cũng chưa thể hội nhập vào thế giới nghề nghiệp được do chưa trưởng thành về mặt kỹ năng, năng lực xã hội. Vì vậy, vấn đề là phụ huynh phải thay đổi về quan điểm giáo dục con cái, rèn con tự lập từ sớm”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.
PGS.TS Trần Thành Nam |
Thạc sĩ Đỗ Thị Trang - Trưởng phòng tham vấn Trường Marie Curie Hà Nội cũng đồng tình quan điểm, thay vì áp đặt quá nhiều kỳ vọng, áp lực, bố mẹ hãy để các con có thời gian và không gian để phát triển, lựa chọn con đường học tập, cũng như nghề nghiệp phù hợp với bản thân; cho con có nhiều cơ hội để lựa chọn, biểu đạt ý kiến.
Phụ huynh đón con trong sự vui mừng, phấn khởi sau khi kết thúc ngày thi cuối cùng của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT |
Với tính chất khốc liệt của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, Hà Nội sẽ có khoảng 40.000 thí sinh bị trượt vào các trường công lập. Trước thông tin về nguy cơ học sinh thiếu chỗ học, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, trên địa bàn Thủ đô hiện có nhiều loại hình trường phù hợp với năng lực, nguyện vọng học tập của học sinh. Trong đó, học nghề là một trong những lựa chọn cho thí sinh thi trượt trường công. Năm học 2024-2025, ngoài hệ thống trường THPT công lập, Hà Nội còn có hơn 100 trường tư thục, 29 trung tâm GDNN-GDTX và gần 50 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có tuyển học sinh lớp 10. Chỉ tiêu tuyển sinh vào trường công lập là 81.200 học sinh; còn lại 51.800 học sinh sẽ được tuyển vào các trường tư thục, trung tâm GDNN-GDTX, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Vì vậy, phụ huynh không nên quá lo lắng về việc thiếu chỗ học. |