Khi giá trị doanh nghiệp không chỉ có lợi nhuận...
Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh xanh hóa, giảm phát thải metan Hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh CEO bàn giải pháp quản trị doanh nghiệp trong "thực tại mới" |
Tinh thần chia sẻ với đồng bào
Theo thống kê, Việt Nam hiện có trên 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Tính chung 8 tháng trong năm 2024, cả nước có hơn 110,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 994,7 nghìn tỷ đồng. Tổng số lao động đăng ký hơn 672,4 nghìn lao động, tăng 4,4% về số doanh nghiệp, tăng 0,7% về vốn đăng ký và giảm 1,9% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Đội ngũ doanh nhân giữ vai trò là lực lượng chủ lực trong quản lý, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu quốc dân và xuất khẩu, tạo tiềm lực, vị thế mới cho đất nước. Trong số đó, có nhiều doanh nhân lọt vào danh sách “tỷ phú đô la” của thế giới, có những sản phẩm, thương hiệu chiếm lĩnh vị trí cao trên thị trường toàn cầu.
Những chuyến hàng cứu trợ của Hội Chữ thập đỏ ủng hộ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng do thiên tai mưa lũ |
Điều dễ nhìn thấy ở cộng đồng doanh nhân Việt Nam hiện nay đó là ngày càng phát triển cả về quy mô số lượng lẫn chất lượng, có những đóng góp to lớn, quan trọng trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, trước bối cảnh tình hình kinh tế đang có nhiều biến động, việc tìm kiếm giải pháp để cân bằng lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội vẫn là bài toán không dễ đối với mỗi doanh nghiệp.
Trong suy nghĩ của nhiều người, lợi nhuận là mục tiêu căn bản của một doanh nghiệp song cũng có người coi lợi ích cộng đồng mới là đích đến cuối cùng và xem đó là “kim chỉ nam” cho mọi hành động.
Minh chứng cho điều đó được thể hiện rõ nét thông qua hàng loạt các hoạt động thiện nguyện, công tác xã hội mà doanh nghiệp đó mang lại.
Gần đây nhất, chứng kiến những mất mát mà đồng bào miền Bắc phải gánh chịu trong cơn bão lũ vừa qua mới thấy được tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của người Việt thật đáng quý.
Ngay sau lời phát động kêu gọi ủng hộ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã tiên phong hưởng ứng, sẵn sàng chia sẻ những lợi nhuận có được để giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn. Với họ, trách nhiệm xã hội mới là tiêu chí hàng đầu để khẳng định giá trị của một doanh nghiệp bên cạnh lợi nhuận.
Thẩm mỹ viện Mailisa ủng hộ 10 tỷ đồng cho bà con vùng lũ, trong đó có 1 tỷ đồng cho người dân Làng Nủ |
Trong số các cá nhân, đơn vị ủng hộ đồng bào chịu ảnh hưởng bởi thiên tai không thể không nhắc đến doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và các công ty trong hệ sinh thái của Vingroup đã chi đến 250 tỷ đồng cho đồng bào đang chịu thiệt hại do siêu bão Yagi và mưa lũ kéo dài.
Tiếp đó là hàng loạt các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Bảo Việt, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam… cũng đã ủng hộ nhiều tỷ đồng cho đồng bào.
Còn ở lĩnh vực thẩm mỹ, những ngày qua, cộng đồng vẫn luôn theo dõi từng hành động của cặp vợ chồng doanh nhân Phan Thị Mai - Hoàng Kim Khánh (chủ Thẩm mỹ viện Mailisa) khi bỏ ra số tiền 10 tỷ đồng và 5 tấn gạo để ủng hộ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng do mưa lũ.
Ngoài việc trao tiền, gạo, vợ chồng doanh nhân Mai - Khánh còn lên kế hoạch xây dựng 40 căn nhà tình thương cho các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà cửa bị hư hại hoặc quá tạm bợ. Đây được xem là một hành động thiết thực, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống sau thiên tai.
Được biết, trong nhiều năm qua, vợ chồng doanh nhân Phan Thị Mai và Hoàng Kim Khánh đã thực hiện hàng trăm chương trình thiện nguyện. Chỉ tính riêng trong năm 2024, từ đầu năm đến nay, vợ chồng doanh nhân chủ Mailisa đã chi gần 80 tỷ đồng để làm thiện nguyện, trong đó phải kể đến các hoạt động như trao 5 tỷ đồng quà Tết cho bà con từ Nam ra Bắc; xây dựng bếp ăn “0 đồng” (với kinh phí dự tính lên đến 70 tỷ đồng); trao quà cho các em học sinh tại Đắk Nông…
Thẩm mỹ viện Lọ Lem ủng hộ 200 triệu đồng cho bà con vùng lũ và tổ chức “chuyến xe 0 đồng” vận chuyển các nhu yếu phẩm thiết yếu cho đồng bào miền Bắc |
Tương tự, vợ chồng doanh nhân Đoàn Thanh Tuyền - Đỗ Minh Quân (chủ cơ sở thẩm mỹ Lọ Lem, chủ thương hiệu mỹ phẩm MQ Skin), trong đợt mưa lũ vừa rồi cũng đã không ngần ngại chi hàng trăm triệu đồng để ủng hộ đồng bào miền Bắc, khắc phục hậu quả do mưa lũ.
Ngoài ủng hộ bằng tiền thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vợ chồng Thẩm mỹ viện Lọ Lem còn thực hiện hoạt động thiện nguyện khác như tổ chức “chuyến xe 0 đồng” vận chuyển các nhu yếu phẩm thiết yếu cho đồng bào miền Bắc…
Không chỉ có các doanh nhân, doanh nghiệp hưởng ứng và ủng hộ, những ngày qua, hàng triệu trái tim cả nước đang hướng về vùng lũ miền Bắc. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, người dân trên mọi miền Tổ quốc đang cùng nhau chung tay góp sức giúp các địa phương khắc phục hậu quả bão lũ, ổn định đời sống bằng những việc làm ý nghĩa, thiết thực.
Lợi ích kinh tế song hành với trách nhiệm xã hội
Chia sẻ với báo chí khi nói về định hướng kinh doanh bền vững, có trách nhiệm, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch chuyên trách VCCI, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) cho rằng, một nguyên tắc trước tiên của đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh là không làm kinh tế bằng mọi giá.
Theo ông Vinh, dù rằng lợi nhuận là yếu tố sống còn của doanh nghiệp, song kinh doanh “chộp giật”, chỉ hướng theo cái lợi trước mắt đã không còn là tư duy kinh doanh đúng đắn cho doanh nhân thời đại mới. Bởi lẽ giờ đây, khi yêu cầu về phát triển bền vững “lên ngôi”, thị trường sẽ tự đào thải dần những doanh nghiệp “ăn xổi ở thì”. Thay vào đó, thị trường sẽ giữ lại, nuôi dưỡng và tạo đà cho những doanh nghiệp kinh doanh nhân văn, kinh doanh có trách nhiệm ngày càng lớn mạnh.
Do đó, doanh nghiệp không thể đặt lợi ích kinh tế là lợi ích duy nhất mà phải đảm bảo lợi ích kinh tế song hành với bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Đó là con đường duy nhất mà người doanh nhân phải chèo lái “con thuyền” doanh nghiệp để phát triển bền vững.
Những chuyến hàng cứu trợ của người dân Kon Tum hướng về miền Bắc thân thương (ảnh: Nhiếp ảnh và Đời sống) |
Tương tự, theo chuyên gia kinh tế Phùng Duy Hân, lợi nhuận là mục tiêu thường trực của mỗi doanh nghiệp nhưng tính bền vững mới là yếu tố cốt lõi. Việc cân bằng mục tiêu xã hội và lợi ích kinh tế là mô hình kinh doanh bền vững đã được chứng minh bằng thực tiễn. Nhiều doanh nghiệp ngày càng nhận ra rằng, hoạt động công tác xã hội không chỉ là hành động của sự bác ái hay từ thiện mà còn có thể tạo ra giá trị kinh doanh.
Nghĩa là nếu doanh nghiệp đóng góp tốt cho xã hội, được xã hội ghi nhận thì sẽ có lợi nhuận bền vững hơn. Đóng góp ở đây là sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, con người và nguồn vốn cho hoạt động của mình để tạo ra sản phẩm, dịch vụ hiệu quả với giá cả hợp lý để xã hội có thể chấp nhận và sử dụng lâu dài, qua đó thu về lợi nhuận bền vững.
Người khai sáng cà phê Trung Nguyên - Đặng Lê Nguyên Vũ từng nói: Một người có tầm sẽ hiểu kinh tế bản chất là “kinh bang tế thế”. Mình phụng sự cộng đồng bằng trách nhiệm, bằng trái tim của mình thì cộng đồng mới có cảm tình gián tiếp để mua dịch vụ, sản phẩm của mình, chứ không phải mình khuyến mãi, thúc đẩy trước mắt hết đợt này đến đợt khác.
Nói vậy để thấy được, mô hình kinh doanh bền vững không chỉ dựa vào lợi nhuận mà cần phải đi đôi với trách nhiệm xã hội. Có như vậy mới cân bằng được lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội và phát triển bền vững được.