Khi hai tâm hồn nghệ thuật hòa cùng một nhịp điệu
Sắp diễn ra Chương trình nghệ thuật tri ân nữ cán bộ, đoàn viên Công đoàn Thủ đô |
Niềm yêu trong xưởng vẽ
Nhắc đến hội họa ở Hà thành, có lẽ không ai không biết tới cặp đôi họa sĩ Trịnh Tuân - Công Kim Hoa. Ngoài là những người thổi hồn cho các tác phẩm sơn mài đầy vẻ say đắm, ông bà còn được biết đến là những nhà giáo tận tụy.
Họa sĩ Trịnh Tuân hiện đang là giảng viên tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp; Trong khi đó họa sĩ Công Kim Hoa lại đang gieo những mầm non nghệ thuật tới các bạn nhỏ tại CLB Bee Art.
Bức ảnh được họa sĩ Trịnh Tuân đăng tải nhân dịp kỷ niệm ngày cưới của hai họa sĩ |
Niềm yêu của hai họa sĩ tài hoa đều nằm trọn trong xưởng vẽ của ông bà. Xưởng nằm trên một căn gác nhỏ tại khu phố cổ Lý Quốc Sư (Hà Nội). Ở đây cửa sổ luôn mở, mùi sơn nồng lấn át hương phở bò đầu phố, dường như để chiếm đoạt ngôi vị “mùi hương của phố cổ”.
Cũng chính nơi này, họ tạo ra “những đứa con tinh thần” của mình. Những cảm xúc, thương nhớ được giấu kĩ và góp nhặt ở từng ngóc ngách, từng vật dụng - tất cả chúng đều chứa đựng một miền kí ức thân quen!
Trò chuyện với ông bà, dường như nhiều cánh cửa được mở rộng thêm với bao điều mới mẻ, thú vị và ở đó câu chuyện tình yêu không chỉ gói gọn giữa nam và nữ, mà được mở rộng ra khỏi những định nghĩa bình thường. Đó là nghệ thuật, là công việc, là nơi chốn và trên tất thảy là hai chữ “Gia đình”.
Như một cơ duyên
Làm quen nghệ thuật ngay từ nhỏ và bén duyên cùng sơn mài từ năm 1994 nhưng trước đó cả 2 người đều học chuyên ngành khác. Họa sĩ Trịnh Tuân học thiết kế công nghiệp còn họa sĩ Công Kim Hoa là chuyên ngành gốm.
Hai người trẻ với những đam mê khác nhau nhưng đều bị sơn mài quyến rũ bởi tính “bí ẩn”, chứa đựng trong nó những bề dày năng lượng, đem đến những trải nghiệm thú vị và nguồn cảm hứng không giới hạn tới những người đã lỡ yêu thứ nghệ thuật này.
Hai họa sĩ gắn bó với nhau suốt cả cuộc đời |
Nói về thứ nghệ thuật đã gắn bó với cuộc đời mình, ông bà chia sẻ: “Điều khiến chúng tôi hứng thú đầu tiên đó là tính độc đáo của chất liệu này, một chất liệu không nhiều quốc gia có. Tính độc đáo đến từ hiệu ứng màu sắc rất đa dạng, với cách vẽ chồng màu nhiều lớp và mài lấy màu bên dưới cùng tạo độ phẳng cho tranh, hiệu quả đến từ tính ngẫu hứng rất khó đoán biết. Đây chính là điểm thú vị và tạo nên hấp dẫn cho sơn mài”.
Với họa sĩ Trịnh Tuân, ông luôn đem đến bảng màu độc đáo và hòa sắc vô cùng phong phú, giúp phổ sắc của sơn mài tiến xa hơn so với truyền thống có lẽ một phần đến từ chuyên ngành ông được đào tạo.
“Tôi không hài lòng với bảng màu truyền thống của sơn mài Việt, cộng với việc là thành viên hiệp hội sơn mài quốc tế, được tham gia nhiều hoạt động, nghiên cứu về chất liệu này với các nghệ sĩ quốc tế.
Có lẽ, điều này đã tác động nhiều đến sự thay đổi về mặt thị giác và làm nên sự khác biệt giữa những tác phẩm của tôi với các tác phẩm của các họa sĩ cùng làm việc với chất liệu này chăng?”, họa sĩ Trịnh Tuân nói.
“Chúng tôi có nhiều nét tương đồng với nhau và ở đó...nghệ thuật như sợi dây gắn kết tâm hồn cả gia đình” |
Có thể nói, bản thân người xem cũng luôn có những cảm xúc rất đặc biệt khi được xem các tác phẩm của họa sĩ Trịnh Tuân. Ở đó người ta thấy được những kỷ niệm, giống như một cuộc hành trình vào nơi sâu kín trong tâm hồn. Đâu đó là những mái nhà Hà Nội xưa, kề vai nhau qua biết bao mùa nắng mưa và cũng là hình ảnh con người chân thành, mang những nét trầm tư, lắng đọng của thời gian.
Khác với ông xã của mình, họa sĩ Công Kim Hoa lại "dạo chơi" trên những mảng màu trừu tượng cuốn hút và khơi gợi những hình tượng mang nét đặc biệt. Hơn 30 năm ở bên nhau, tình yêu của họ dành cho nghệ thuật và đặc biệt là sơn mài quả thực rộng lớn, họ gắn bó với nghệ thuật hằng ngày, đặt vào đó là cả tâm tư, trao đi những cảm xúc trong trẻo nhất của mình. Rồi những cảm xúc ấy được kết tinh lên những tấm voóc, ban đầu chỉ là một màu đen lì, đơn sơ nhưng qua bàn tay tài hoa của hai ông bà chúng trở nên rạng rỡ và đầy vẻ quyến rũ.
Nghệ thuật như sợi dây gắn kết tâm hồn gia đình
Khi được hỏi liệu có phải nghệ thuật đã gắn kết mối nhân duyên này hay không, họa sĩ Trịnh Tuân cho rằng điều đó đúng nhưng không phải là tất cả. Bởi đó còn là những tương đồng trong tính cách, suy nghĩ và cũng có thể sự gắn kết bắt nguồn từ sơn mài.
“Chúng tôi có nhiều điểm tương đồng. Cùng sinh ra tại Hà Nội, sống trong môi trường giáo dục cũng như được học nghệ thuật từ nhỏ, cùng là người làm việc trong môi trường sư phạm... Có thể chất liệu sơn mài cũng ảnh hưởng nhiều đến chúng tôi. Bởi làm việc với sơn mài ta phải học cách kiên nhẫn, sống chậm hơn, tìm tòi khám phá và chiêm nghiệm những gì sâu thẳm bên trong. Như các cụ nói, nhiều khi nó còn là duyên phận...”, họa sĩ Trịnh Tuân bộc bạch.
Họa sĩ Công Kim Hoa đang hoàn thiện một tác phẩm trong xưởng vẽ |
Duyên phận đã vẽ nên một bức tranh cuộc sống gia đình đầy màu sắc mà như họa sĩ Công Kim Hoa kể rằng: “Để dành tặng ba mẹ những giai điệu ngọt ngào, đắm say, thấm đượm tình yêu thiên nhiên và tình yêu gia đình, con trai lớn của chúng tôi đã hoàn thành một bức tranh thiên nhiên tràn đầy ánh sáng trong trẻo của cây lá, và con gái nhỏ thì gửi tình yêu của mình trong một tác phẩm âm nhạc dành cho piano mang tên “Vườn””.
Đó là những món quà vô giá mà những đứa con - kết tinh tình yêu của hai họa sĩ dành tặng cho ba mẹ mình nhân một dịp đặc biệt - thời điểm mà cách đây hơn 35 năm, có một tình yêu bắt đầu. “Chúng tôi tự hào và hạnh phúc vì điều này, giờ đây các con cũng như những "người bạn" chia sẻ nghệ thuật cùng chúng tôi trong cuộc sống và công việc”, họa sĩ Công Kim Hoa nói.
Với gia đình hai họa sĩ, cụm từ “đong đầy” nói lên sự phong phú khi mang cả tính tượng hình và tính trọng lượng. “Với chúng tôi, đó đơn giản là những người thân yêu bên cạnh mình, mọi người đều khỏe mạnh, hạnh phúc và trọn vẹn tinh thần. Vậy là đong đầy!”, hai họa sĩ tâm sự.
Dường như kết lại, trên tất cả đó vẫn là gia đình, nơi không chỉ họa sĩ Trịnh Tuân và Công Kim Hoa mà mỗi chúng ta vẫn tìm lui về dù buồn hay vui, dù trải qua nhiều sóng gió bộn bề. Nơi bình yên nhất là bên hiên nhà.