Khó khăn trong xử lý rác thải y tế
Trong dịch Covid-19, rác do người dân thải ra cũng có thể trở thành chất thải lây nhiễm |
Nguyên nhân của tình trạng này là do phần lớn các BV, đặc biệt là BV tuyến huyện, vùng sâu, vùng xa, miền núi không đủ khả năng tài chính mua sắm các túi, thùng, dụng cụ theo đúng quy định và nhân viên y tế chưa được huấn luyện tốt, nên việc thực hiện phân loại chất thải y tế hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu.
Bên cạnh những “lỗ hổng” trong việc phân loại chất thải, thì công nghệ xử lý CTR y tế cũng còn nhiều lạc hậu. Phương pháp xử lý chủ yếu hiện nay là bằng lò đốt, nhưng số lò đốt hiện đại, đốt tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường còn ít. Số còn lại là các lò đốt công suất nhỏ và trung bình, hoặc lò đốt thủ công để phục vụ xử lý chất thải tại chỗ hoặc cho cụm BV, trong đó có nhiều lò đốt đã cũ, không được sử dụng thường xuyên hoặc vận hành không hết công suất, nhiều lò đốt không có hệ thống xử lý khí thải, nên không thể kiểm soát được các khí độc hại như điôxin, furan, là những khí thải có khả năng gây nguy hại đến sức khỏe cũng như môi trường.
Cùng với đó, hệ thống xử lý nước thải của một số BV, chủ yếu ở tuyến huyện đã xuống cấp, không còn phù hợp, nhiều BV sử dụng các hệ thống xử lý với phương pháp đã cũ và xuống cấp, không đảm bảo quy chuẩn cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Cụ thể như BV đa khoa Trung tâm An Giang, hệ thống xử lý nước thải được xây dựng từ năm 2000 đến nay đã bị xuống cấp, Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ hệ thống xử lý nước thải đã xuống cấp và không đủ năng suất. Thậm chí có những nơi như BV đa khoa huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, đến nay vẫn không có hệ thống xử lý nước thải y tế.
Ngay tại Hà Nội, theo kết quả kiểm tra của Sở Y tế công bố vào tháng 7/2020, một số bệnh viện có hệ thống xử lý chất thải lỏng đã xuống cấp, không đáp ứng các tiêu chuẩn quy định, một số trạm y tế hiện chưa có hệ thống xử lý chất thải lỏng nên cần được đầu tư.
Việc xử lý rác thải y tế ở cấp xã cũng đang là vấn đề thách thức với ngành y tế các địa phương.
Chẳng hạn như ở xã Chà Tở, Nậm Pồ, Điện Biên. Theo trạm trưởng trạm y tế xã: bình quân 1 ngày đơn vị thực hiện khám, chữa bệnh cho 10 lượt bệnh nhân. Trung bình 1 tháng lượng rác thải lây nhiễm (bông, băng, găng tay dính dịch, máu của bệnh nhân...) thải ra 0,5kg; vật sắc nhọn lây nhiễm, chất thải rắn (bơm kim tiêm, vỏ bao bì, hóa chất, vỏ vắc xin) 3kg... Hàng ngày Trạm thực hiện phân loại rác thải ngay tại phòng tiêm, phòng thủ thuật. Tuy nhiên, sau khi phân loại các rác thải nguy hại cũng chỉ được xử lý bằng cách tẩm dầu đốt, cùng với các rác thải thông thường sau đó đem chôn lấp. Việc chôn lấp được thực hiện ngay trong khuôn viên của Trạm. Ðối với rác thải sắc nhọn, bơm kim tiêm, vỏ vắc xin cho vào bể bê tông đập vụn và đốt... Điều này có nghĩa rác thải y tế ở xã được xử lý hoàn toàn thủ công.
Hiện trạng này cũng xảy ra ở nhiều xã khác trên địa bàn Điện Biên bởi các trạm y tế chưa được đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý rác thải đi kèm ngoại trừ một số trạm được đầu tư mới.
Việc thực hiện quy trình phân loại rác thải y tế ngay tại nơi phát sinh ở các trạm y tế xã được đảm bảo khá tốt. Tuy nhiên, biện pháp xử lý cuối cùng vẫn chỉ là tự đốt, chôn lấp hoặc vận chuyển về các Trung tâm Y tế có hệ thống xử lý. Quy trình chôn lấp hoặc đốt rác của các trạm y tế còn rất thô sơ, gần khu dân cư, hầu hết đều không đạt chuẩn. Khi đốt gây ô nhiễm khói, bụi và nhiều chất độc hại cho những người sống xung quanh; về lâu dài việc chôn lấp rác sẽ ngấm vào nguồn nước ở khu dân cư…
Việc xử lý rác thải y tế theo kiểu thủ công là không đúng với tinh thần các quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/5/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về quản lý chất thải nguy hại và theo các quy định của pháp luật có liên quan.
Đại dịch Covid-19 cũng làm tăng gánh nặng xử lý rác thải y tế lên hệ thống vốn đã quá tải. Một thống kê tại bệnh viện Nhiệt đới Nha Trang cho thấy, lượng rác thải y tế đã tăng lên gấp 3 và khiến chi phí xử lý đội giá gấp đôi khi có dịch Covid-19.
Việc phân loại chất thải y tế tại nguồn đã được thực hiện khá tốt nhưng khâu xử lý cuối cùng ở nhiều nơi vẫn chưa đảm bảo |
Không chỉ rác thải từ bệnh viện, khi dịch bệnh đã lây nhiễm trong cộng đồng thì rác do người dân thải ra cũng có thể trở thành chất thải y tế lây nhiễm. Công việc xử lý sẽ còn gian nan hơn vì rác từ nhiều nguồn và những người tiếp xúc cũng tăng lên.
Để tiếp tục nâng cao công tác quản lý chất thải y tế, cũng như khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên, thời gian tới, Bộ Y tế cần tiếp triển khai đối tác công tư trong quản lý và xử lý chất thải y tế nhằm huy động sự tham gia của các nguồn lực xã hội, để tăng tính chuyên môn hóa trong xử lý chất thải y tế và giảm gánh nặng ngân sách nhà nước.
Ngành y tế cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường tới tất cả các cán bộ, người bệnh, người nhà người bệnh nhằm nâng cao nhận thức, thực hành phân loại đúng chất thải y tế, giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường bệnh viện. Quy trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở y tế trong việc thực hiện quản lý chất thải y tế tại đơn vị…
Thời gian gần đây, do dịch Covid-19 diễn biên phức tạp, Bộ TN&MT đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường thực hiện một số biện pháp quản lý chất thải để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, Bộ TN&MT đề nghị các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt, chất thải y tế lây nhiễm.
Trong đó, chất thải y tế lây nhiễm tại các cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân bị lây nhiễm và khu vực cách ly (cách ly tập trung tại các khu vực quân đội, cách ly tại khách sạn, khu nghỉ dưỡng, cách ly tại nhà và các khu vực cách ly khác theo quy định) phải được thu gom, vận chuyển, xử lý an toàn theo các quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ Y tế và Bộ TN&MT quy định về quản lý chất thải y tế, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 5 năm 2015 của Bộ TN&MT về quản lý chất thải nguy hại và theo các quy định của pháp luật có liên quan.
Các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận hành các công trình bảo vệ môi trường đối với các cơ sở y tế, các cơ sở xử lý chất thải y tế, các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt; khử khuẩn nước thải sau xử lý tại các cơ sở y tế, các cơ sở cách ly tập trung, các cơ sở xử lý chất thải y tế lây nhiễm đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường.
Nhằm thực hiện tốt “mục tiêu kép” trong công tác bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo xử lý triệt để chất thải y tế, chất thải sinh hoạt tại địa phương, đảm bảo chất thải phải được xử lý an toàn đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, góp phần phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 và đồng thời hướng đến mục tiêu lâu dài trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường thời kỳ hậu dịch bệnh.
Đây là những biện pháp vô cùng quan trọng trong thời điểm hiện nay và rất cần các cơ sở y tế tuân thủ nghiêm ngặt. Những đơn vị này nếu không làm tốt có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn tới cộng đồng…
* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |