Khó khăn trước “cơn lốc” đô thị hóa
Quận Hà Đông phần lớn là địa bàn “làng lên phố”, nên hầu như các HTX nông nghiệp và làng nghề đều gặp khó trước “cơn lốc” đô thị hóa. Vì vậy, các HTX càng cần đến sự quan tâm của các cấp ngành, nhất là vai trò Liên minh HTX trong tư vấn, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của HTX.
Sức mạnh đô thị hóa
Qua gần 3 năm thực hiện Kết luận 56 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tập thể, quận Hà Đông đã ra nhiều văn bản chỉ đạo chuyển HTX từ dịch vụ sản xuất nông nghiệp sang các dịch vụ đời sống dân sinh. Tuy nhiên, quá trình này không dễ và đến nay còn rất nhiều vướng mắc. “Quận Hà Đông có tốc độ đô thị hoá nhanh. Hầu hết các hộ dân và HTX trên địa bàn quận đã và đang dần mất hết quỹ đất nông nghiệp vậy nên quá trình chuyển dịch sản xuất nông nghiệp sang dịch vụ đời sống gặp rất nhiều khó khăn” – một người dân ở phố Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội) cho biết.
Được biết, đến nay toàn quận Hà Đông có 66 HTX, trong đó có 29 HTX nông nghiệp, 4 HTX chuyên trồng trọt, 9 HTX làng nghề, 8 HTX thương mại và 11 HTX vận tải. Ngoài ra còn có 5 quỹ tín dụng nhân dân đều thuộc top mạnh của Thành phố.
Theo báo cáo của UBND quận, các HTX phi nông nghiệp và làng nghề đều không theo kịp thị trường, khó vay vốn và thiết bị công nghệ lạc hậu, nên hoạt động dần bị thu hẹp. Do phân cấp quản lý nhà nước bất cập, nên đa số các HTX không báo cáo đúng quy định, việc nắm bắt tình hình các HTX rất hạn chế. Đối với 29 HTX nông nghiệp ở quận hiện đang chia làm 3 mô hình rõ rệt. Nhóm thứ nhất các HTX dịch vụ phát triển (gồm các HTX Văn Quán, La Khê, Yên Phúc, Văn La, Cầu Đơ, Vạn Phúc, Mậu Lương, Xa La…). Các HTX này đều không còn đất nông nghiệp, đang chuyển mạnh sang dịch vụ mới, như kinh doanh bãi xe, quản lý chợ, cho thuê nhà trọ… và điển hình là HTX Văn Quán và HTX La Khê. Nhóm 2 là các HTX Đa Sỹ, Mộ Lao, La Dương, La Nội, Ỷ La, Văn Phú, Hà Trì… đều bị thu hồi hết đất nông nghiệpnhưng chưa xác định được dịch vụ mới, chủ yếu duy trì HTX để hỗ trợ địa phương hoàn thiện hồ sơ cấp đất dịch vụ cho xã viên. Để giúp các HTX này mở rộng dịch vụ, quận đã ưu tiên bố trí quỹ đất xen kẹt để làm các dự án hạ tầng thương mại nhưng vướng mắc chủ yếu do năng lực cán bộ HTX còn yếu, chưa thể làm quen ngay với những vấn đề mới.
Nhóm 3 là các HTX thuộc phường Yên Nghĩa và Phú Lương, đến nay vẫn còn đất nông nghiệp nhưng các HTX làm dịch vụ hầu như không có lãi. Đặc biệt, 7 HTX ở phường Phú Lương do xã viên không tự giác nộp tiền dịch vụ “đầu sào”, nên không có vốn hoạt động.
Về tình cảnh các HTX nơi đô thị hóa, theo đại diện Phòng Kinh tế quận Hà Đông, nhiều HTX chưa có nhu cầu giải thể trong quá trình đô thị hóa. Hầu như xã viên HTX sống bằng tiền đền bù hỗ trợ và tiền cho thuê các quỹ đất, hoặc tập trung vào các dịch vụ cây cảnh, rửa xe…
Cần tạo sức sống cho hợp tác xã
Quận đã làm điểm tổ chức lại ở HTX Văn Quán. Các HTX khác đều tham gia các đợt tập huấn Luật HTX 2012, nhưng kết quả hạn chế. Hiện chỉ có 5 HTX chuyển đổi cơ cấu tổ chức quản lý (gồm HTX Biên Giang, La Dương, Nhân Trạch, Hồng Phong, Văn Nội), còn 4 HTX đang triển khai, là HTX Cầu Đơ, Hà Trì, Bắc Lãm A và Động Lãm.
Là người phụ trách tư vấn HTX ở quận, ông Nguyễn Quốc Bảo - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (Liên minh HTX Tp.Hà Nội), cho rằng: “Các HTX ở Hà Đông khó khăn bộn bề, vấn đề đặt ra cần khảo sát tổ chức lại thế nào để làm nên sức sống cho HTX. Nếu các HTX còn đất thì làm các đề án thương mại dịch vụ sẽ thuận lợi hơn. Tuy tiềm lực đất đai còn ra lớn, nhưng đều do chính quyền quản lý, nên khi thu hồi đất, HTX cũng khó có tiền và không có vốn hoạt động.
Ông Nguyễn Thanh Xuân - Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông, cho biết sau gần 10 năm đô thị hóa, ở quận chỉ còn 200ha đất nông nghiệp, nên trong tương lai gần, HTX không còn đất. Từ năm 2010, quận triển khai đề án chuyển hướng HTX sang dịch vụ đời sống thương mại, nhưng kết quả đạt được không nhiều. Quận đã ưu đãi tối đa cho HTX, như bãi đỗ xe, quản lý chợ… nhưng các quỹ đất HTX để góp vốn không có nhiều.
“Gần đây, quận chủ trương cho HTX chuyển 34 khu đất xen kẹt làm dịch vụ nhưng do phải đấu thầu chặt chẽ, mà HTX không “đấu” được với các doanh nghiệp, nên quận đã dừng lại. Để tổ chức lại HTX theo Luật, UBND quận đề nghị Liên minh HTX Thành phố tăng cường tư vấn hỗ trợ HTX, chú ý hơn tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ HTX. Đồng thời đề nghị Thành phố cần có cơ chế đặc thù cho HTX ở những nơi ĐTH, nhất là ưu tiên HTX sử dụng tài nguyên đất đai”, ông Nguyễn Thanh Xuân nói.
Bài, ảnh: Diễm Quỳnh