"Khoáng tặc" nóng dịp cuối năm, tỉnh Đăk Lăk ra chỉ thị siết chặt quản lý
Đẩy nhanh cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông Bài 4: Huyện Tánh Linh quyết liệt đấu tranh với “cát tặc”, trả lại bình yên cho Nhân dân |
Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk đạt được nhiều kết quả đáng kể. Cụ thể, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản của các cơ quan chuyên môn, UBND các cấp tại Đăk Lăk từng bước đi vào nề nếp, công tác giám sát các hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản được thực hiện khá tích cực do có sự phối hợp của các sở, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã và các cơ quan, đơn vị liên quan.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác thực hiện pháp luật về khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, bất cập. Những hoạt động vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản, quản lý nguồn nước làm hủy hoại môi trường, môi sinh; gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội; làm thất thoát tài nguyên, mất đất sản xuất có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn công trình cơ sở hạ tầng và thất thu ngân sách.
Tỉnh Đăk Lăk tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản gắn với phòng chống thiên tai (ảnh: ĐL) |
Nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản của một số địa phương còn buông lỏng; sự phối hợp giữa các ngành trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa kịp thời; công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về khai thác tài nguyên khoáng sản chưa sâu rộng trong nhân dân, chưa phát huy hết vai trò giám sát của nhân dân và các tổ chức đoàn thể trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa nghiêm minh; lực lượng cán bộ quản lý khoáng sản thiếu về số lượng, còn yếu về chuyên môn, năng lực quản lý; sự phối hợp giữa các cấp, ngành chưa đồng bộ.
Thậm chí, cơ quan công an tỉnh Đăk Lăk đã khởi tố một số vụ việc vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản. Điển hình là ngày 27/5/2021, Phòng Cảnh sát Kinh tế và Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Ana (UBND xã Ea Na, huyện Krông Ana) tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên đối với HTX khai thác cát Đoàn Kết. Tính đến tháng 5/2021, HTX Đoàn Kết đã xuất bán khoảng 25.000 m3 cát, trong đó trên 15.000 m3 đã được xuất bán trị giá trên 3,3 tỷ đồng. Tại bãi tập kết cát của HTX hiện có trên 3.000 m3 cát. Tuy nhiên, HTX chưa cung cấp được thông tin về sản lượng khai thác, tiêu thụ qua trạm cân và camera giám sát, cũng không xuất hóa đơn giá trị gia tăng và kê khai nộp thuế theo quy định.
Nhằm chấn chỉnh việc chấp hành pháp luật về khai thác khoáng sản, UBND tỉnh Đăk Lăk vừa có Công văn số 8163/UBND-NNMT về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, tài nguyên nước, đê điều, gắn với phòng chống thiên tai trên trên địa bàn tỉnh.
Hiện trường vụ khai thác cát vi phạm các quy định của pháp luật tại HXT Đoàn Kết |
Theo đó, tăng cường kiểm tra giám sát và yêu cầu các đơn vị được cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản thực hiện nghiêm túc việc kiểm kê, thống kê trữ lượng sau khai thác hằng năm tại các dự án khai thác khoáng sản; đặc biệt là khai thác cát lòng sông, xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế.
UBND tỉnh Đăk Lăk giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra giám sát và yêu cầu các đơn vị được cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản thực hiện nghiêm túc việc kiểm kê, thống kê trữ lượng sau khai thác hằng năm tại các dự án khai thác khoáng sản đặc biệt là khai thác cát lòng sông, xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế theo Thông tư số 17/2020/TT-BTNMT ngày 24/12/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đối với các mỏ khai thác khoáng sản cần có kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất; rà soát công tác ký quỹ, phương án cải tạo phục hồi môi trường đối với các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp theo quy định; kiểm tra, yêu cầu các mỏ khai thác khoáng sản thực hiện nghiêm công tác cải tạo phục hồi môi trường theo phương án đã được phê duyệt; tham mưu UBND tỉnh xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm…
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk về quản lý cát, sỏi lòng sông nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng, hồ thủy lợi, thủy điện để khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn quản lý.