Khoanh vùng, vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi, chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết
Tính đến hết ngày 3/9, Hà Nội có 1.726 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó tử vong 2 trường hợp. Các trường hợp mắc phân bố tại 29/30 quận, huyện và 303/579 xã, phường. Một số quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân là Phúc Thọ, Thường Tín, Thanh Oai, Đống Đa.
Cũng theo báo cáo về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, tính đến ngày 3/9, toàn quận Hoàn Kiếm ghi nhận 54 trường hợp sốt xuất huyết, 8 ổ dịch, trong đó có 1 trường hợp tử vong.
Liên quan đến trường hợp tử vong, ngày 1/9/2020, TTYT quận Hoàn Kiếm nhận được thông báo từ CDC Hà Nội về bệnh nhân N.D.N sinh năm 1963, có địa chỉ tại phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, bệnh nhân được xét nghiệm mắc sốt xuất huyết, chẩn đoán lúc tử vong là sốc nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu-sốc dengue, ngộ độc Paracetamol.
Ngay sau đó, TTYT quận đã phối hợp với UBND phường chỉ đạo Trạm Y tế phường Đồng Xuân điều tra, xác minh trường hợp ca bệnh, đồng thời tiến hành khoanh vùng, vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành nơi bệnh nhân bán hàng tại địa chỉ 14 Nguyễn Thiện Thuật, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm.
Trước đó, để chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, 18/18 phường trên toàn quận đã tổ chức 2 đợt chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, và tổ chức 3 đợt chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại các phường trọng điểm.
Bên cạnh đó, quận cũng tăng cường công tác tuyên truyền, chủ động phát hiện các trường hợp sốt xuất huyết, nghi sốt để điều tra xử lý kịp thời. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
PGS. TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội tại buổi làm việc với TTYT Quận Hoàn Kiếm |
Kết luận tại buổi làm việc, PGS. TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội yêu cầu TTYT quận Hoàn Kiếm dựa theo tình hình, địa hình của quận để có các phương án phòng chống dịch bệnh tốt nhất.
Cụ thể, quận Hoàn Kiếm cần huy động các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt công an, dân phòng tích cực tham gia công tác phòng chống dịch bệnh; Chủ động giám sát véc tơ, giám sát ổ bọ gậy, giám sát bệnh nhân; Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân tích cực, tự giác phòng chống sốt xuất huyết.
Khi có biểu hiện mắc bệnh, bệnh nhân cần chủ động thông báo cho trạm y tế phường để được tư vấn và xử lý ngay, tuyệt đối không được tự mua thuốc điều trị tại nhà.