Khởi động dự án Trường học hạnh phúc với sự tham gia của hơn 10.000 hiệu trưởng
Tập huấn dự án Trường học hạnh phúc |
Chú trọng tính “cá nhân hóa” của mỗi học sinh
Trong "Bản thiết kế sự sống - Cách ADN định hình con người chúng ta", tiến sĩ Robert Plomin, một nhà tiên phong trong lĩnh vực di truyền học hành vi có tầm ảnh hưởng thế giới, đã xác định ADN là yếu tố quan trọng hình thành nên con người: "Sự khác biệt gần 1% trên một đoạn ADN đã tạo nên sự khác nhau giữa chúng ta về tính cách, các khả năng và các bệnh về sức khỏe tinh thần. Điểm khác biệt trong cấu trúc ADN chính là cách ADN cá nhân hóa mỗi người".
Ông lập luận giáo viên và cha mẹ nên chấp nhận con người của đứa trẻ và giúp chúng phát huy sở trường, thay vì cố gắng uốn nắn các em theo một số hướng nhất định. Cùng với cuộc cách mạng ADN, việc giải mã gen có thể dự đoán khuynh hướng hành vi và khám phá cơ địa của một người. Plomin cho rằng những phát triển tiên tiến này có ý nghĩa sâu rộng về cách chúng ta chăm sóc, nuôi dạy và giáo dục con cái.
Dựa trên cơ sở đó, dự án Trường học hạnh phúc của VIGEF đặc biệt chú trọng tính cá thể hóa của mỗi học sinh. Thay vì giảng dạy theo một giáo án khuôn mẫu cho tất cả học sinh, dự án hướng đến việc tôn trọng điểm khác biệt trong trí lực và khuynh hướng tính cách của các em - những đặc điểm do bộ gen bẩm sinh quy định. Từ đó, thầy cô sẽ sẽ tạo ra môi trường phù hợp và khuyến khích các em phát triển theo đúng tiềm năng của mình.
Chẳng hạn, một học sinh có khả năng ghi nhớ và tư duy logic tốt nhưng không có thế mạnh về trí thông minh cảm xúc thường gặp khó khăn trong giao tiếp và xử lý các tình huống xã hội. Với những học sinh này, mô hình sư phạm Waldorf tập trung phát triển tự do nội tâm và óc sáng tạo sẽ hỗ trợ giáo dục cảm xúc cho các em.
Ngược lại, với những học sinh có lợi thế về mặt cảm xúc và ngôn ngữ nhưng gặp khó khăn trong ghi nhớ và các môn khoa học tự nhiên, phương pháp giáo dục Carden sẽ phù hợp hơn. Phương pháp này xây dựng lộ trình học tập rõ ràng, nhất quán, trong đó các môn học móc nối với nhau và kiến thức được củng cố trong và giữa các bậc học.
Di truyền học không lập trình cuộc sống nhưng là khuynh hướng phát triển suốt cả cuộc đời của một đứa trẻ. Hiểu biết thông tin về gen sẽ góp phần thấu hiểu và hỗ trợ từng học sinh phát triển toàn vẹn trong hạnh phúc. Đó chính là điểm khác biệt và đáng mong đợi trong dự án Trường học hạnh phúc của VIGEF.
Tiến sĩ Đặng Tự Ân |
TS Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ VIGEF - chia sẻ: “Sáng kiến Trường học hạnh phúc không mới ở Việt Nam nhưng điểm khác biệt của dự án này là chú trọng vai trò của di truyền học trong giáo dục, đặc biệt là chỉ ra cơ sở khoa học của gen hạnh phúc luôn hiện diện trong mỗi con người.
Chúng tôi sẽ nâng cao nhận thức của các hiệu trưởng về ảnh hưởng của yếu tố di truyền tới phong cách học tập, tới sự phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của mỗi học sinh. Trong đó, di truyền học đã khẳng định triết lý dạy học ngày nay là cần phải khơi dậy và phát huy song bằng cả hai chức năng bán cầu đại não.
Nghĩa là trí tuệ con người chỉ có thể phát lộ tối đa năng lực của mình một khi chúng ta biết tác động tích cực mặt trí tuệ cảm xúc (bán cầu đại não phải) và cả mặt trí tuệ logic (bán cầu đại não trái). Từ đó, thầy cô sẽ tôn trọng sự khác biệt của các em đồng thời giúp các em phát huy tối đa tiềm năng và sở trường có tính bản năng của mình”.
Chia sẻ từ hiệu trưởng khi tham gia chương trình
Thầy Bùi Vĩnh Toàn, hiệu trưởng trường tiểu học Lê Quý Đôn, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum, chia sẻ sau khi tham dự buổi tập huấn: “Để xây dựng thành công trường học hạnh phúc cần chú trọng vào xây dựng đội ngũ giáo viên có năng lực chuyên môn tốt, có phong cách ứng xử chuẩn mực, văn hóa và có sự thấu hiểu các em học sinh.
Hơn nữa, là một hiệu trường, tôi cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu và tìm hiểu thêm về chương trình trường học hạnh phúc, thấu hiểu thêm giáo viên và học sinh, từ đó tổ chức tập huấn và đào tạo cho giáo viên hiểu hơn về cách thức xây dựng một ngôi trường hạnh phúc”.
Cô Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường THCS số 2 Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, chia sẻ thêm: “Đây là chương trình tập huấn rất có ý nghĩa và cần thiết trong bối cảnh hiện giờ, khi mà nhiều người chúng ta đang bị mất cân bằng về cảm xúc – tâm lý trong đời sống. Các giáo viên, học sinh cũng không tránh khỏi điều này.
Cô Nguyễn Thị Hằng |
Để xây dựng được mô hình trường học hạnh phúc, tôi nghĩ bản thân hiệu trường – người đứng đầu nhà trường, phải là người cảm nhận được hạnh phúc trước tiên. Bản thân tôi cũng đang cố gắng để trở thành một người hiệu trường hạnh phúc, bằng cách rèn luyện bản thân mỗi ngày, tập nhìn nhận những điều tốt đẹp và tích cực của người khác, cụ thể là các giáo viên và học sinh. Khi chúng ta biết nhìn những ưu điểm của người khác dù là nhỏ nhất, thì chúng ta sẽ có cách động viên và khích lệ họ tốt hơn, thấu hiểu và bao dung với họ hơn.
Từ nền tảng đó, người giáo viên sẽ cảm thấy được trân trọng, hạnh phúc và có khả năng truyền đi tình yêu thương, năng lượng tích cực đến học sinh. Và tôi nghĩ đó mới là cốt lõi của một trường học hạnh phúc – nơi có những con người thật sự hạnh phúc và bao dung”.
Trong năm 2022 và 2023, dự án Trường học hạnh phúc của VIGEF sẽ đào tạo 10.000 hiệu trưởng của các trường trung học phổ thông. Trong giai đoạn 1, dự án sẽ triển khai tại 7 tỉnh thành: Hà Nội, Lào Cai, Hưng Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Nghệ An và Kontum.
Khám phá hệ gen, tối ưu nuôi dạy
Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh tại Việt Nam đã và đang tìm đến dịch vụ giải mã gen để khám phá tiềm năng, sở trường cũng như tối ưu chế độ dinh dưỡng cho con. Điển hình như Genetica, một đơn vị giải mã gen chuyên sâu dành cho người châu Á đã phát triển hơn 30 gói giải mã gen dành cho người lớn và trẻ em, giúp mở khóa nhiều tính trạng về dinh dưỡng, vận động, khuynh hướng hành vi, tính cách, tiềm năng ngôn ngữ, âm nhạc, toán học.
Từ kết quả giải mã gen, các chuyên gia di truyền tại Genetica đưa ra khuyến nghị “cá nhân hóa” cho khách hàng, giúp điều chỉnh lối sống phù hợp kiểu gen, phát huy thế mạnh, hạn chế điểm yếu (nếu có) và phòng ngừa bệnh di truyền.
Thông tin di truyền là bất biến và đi theo suốt cuộc đời mỗi người. Biết được khuynh hướng di truyền từ nhỏ của trẻ em giúp phụ huynh và nhà trường hỗ trợ con em mình một cách toàn diện hơn.
Các đại biểu tham gia tập huấn dự án Trường học hạnh phúc |
Vì sao cần xây dựng trường học hạnh phúc?
Mô hình trường học hạnh phúc - Happy Schools lần đầu tiên được UNESCO khuyến cáo vào đầu năm 2017. TS. Kim Gwang Jo - Giám đốc UNESCO đã nghiên cứu và xây dựng mô hình trường học này nhằm kêu gọi đổi mới hệ thống giáo dục toàn cầu theo hướng: học tập hạnh phúc để vươn tới ước mơ. Thay vì đánh giá chất lượng giảng dạy dựa trên thành tích và điểm số của học sinh, mô hình trường học này lấy chỉ số hạnh phúc của em làm thước đo.
Hiện nay, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như Đan Mạch, Hà Lan, Singapore, Mỹ, Úc, Nhật Bản… đã áp dụng mô hình trường học hạnh phúc. Ngành giáo dục Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế ấy, đặc biệt khi nước ta đang triển khai mạnh mẽ công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo. Giáo dục không chỉ giúp học sinh vượt qua các kỳ thi mà quan trọng hơn, còn chỉ dẫn các em cách cảm nhận, thích nghi và sống cuộc đời hạnh phúc bền vững. Đó là lý do mô hình Trường học hạnh phúc ngày càng được ủng hộ.
Học tập trong môi trường hạnh phúc sẽ giúp học sinh phát huy tối đa hệ sinh thái năng lực. Đó là chỉ số kiến thức (IQ), chỉ số cảm xúc (EQ), chỉ số sáng tạo (CQ), chỉ số vượt khó (AQ) và nhiều chỉ số khác như đam mê (PQ), quản trị (MQ), xã hội (SQ), kinh doanh (BQ), nghề nghiệp (JQ)… Ngoài ra, các em còn được thỏa mãn 5 nhu cầu chính đáng của con người trong mô hình trường học hạnh phúc, điều mà hiện nay vẫn chưa được quan tâm đúng mực. Những nhu cầu đó bao gồm: nhu cầu thiết yếu, được an toàn, được hòa hợp, được tôn trọng và được thể hiện bản thân.