Khởi tố đối tượng bắt cóc cháu bé ở Việt Hưng để đòi 15 tỷ tiền chuộc
Theo một lãnh đạo Công an TP Hà Nội, khi mới bị bắt, đối tượng Trung phủ nhận, không khai báo nhân thân. Đến tối 15/8, Cơ quan CSĐT Công an TP đã xác định chính xác nhân thân đối tượng nên ngay sau đó, Công an TP Hà Nội đã có văn bản gửi Công an tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị thực hiện các thủ tục tước danh hiệu Công an Nhân dân theo quy định để xử lý Trung.
Phải đảm bảo an toàn cho cháu bé
Trước đó vào chiều 15/8, Công an TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị thông tin kết quả điều tra ban đầu vụ bắt cóc bé trai 7 tuổi để tống tiền, xảy ra ở khu đô thị Việt Hưng (phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội).
Theo Công an TP Hà Nội, tối 14/8, Công an quận Long Biên tiếp nhận tin báo của vợ chồng anh N và chị Đ (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên) về việc một đối tượng gọi điện thoại cho biết đã bắt cóc con trai họ là cháu N.H.P (sinh năm 2016) đòi tiền chuộc 15 tỷ đồng.
Lực lượng phá án của Công an TP Hà Nội đã giải cứu, đưa cháu bé về với gia đình an toàn |
Sau gần 10 tiếng nỗ lực điều tra, truy bắt, rạng sáng 15/8, lực lượng chức năng đã bắt giữ nghi phạm Nguyễn Đức Trung (SN 1992, trú xã Đồng Thịnh, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) để điều tra về hành vi bắt cóc bé trai 7 tuổi.
Tại cơ quan công an, Nguyễn Đức Trung khai nhận, do vay nợ tiền của nhiều người, không có khả năng chi trả nên nảy sinh ý định đi trộm cắp tài sản của các nhà dân ở các khu đô thị cao cấp tại Hà Nội. Khoảng 9 giờ ngày 14/8, Trung sử dụng xe ô tô Kia Moring màu trắng (BKS thật là 88A-286.44) lắp BKS giả là 29A-246.99 và mang theo 1 khẩu súng bắn đạn cao su (Trung mua trước đây), đi vòng quanh trong khu vực khu đô thị mới Việt Hưng để trộm cắp tài sản.
Tuy nhiên, Trung không trộm cắp được tài sản, nên nảy sinh ý định bắt cóc trẻ em (dưới 8 tuổi) để đe dọa cưỡng đoạt tiền của gia đình cháu bé. Sau khi nảy sinh ý định trên, Trung đã mua 1 cuộn băng dính to, 1 đôi găng tay, 2 dây chun buộc hàng tại một chợ trên địa bàn quận Long Biên.
Sau đó, khoảng 18h30’ cùng ngày, Trung đi đến khu đô thị mới Việt Hưng, phường Việt Hưng, thực hiện hành vi bắt cóc cháu N.T.P (7 tuổi) cho lên xe ô tô. Trung đã dùng dây buộc tay cháu bé và đưa bé trai di chuyển qua nhiều quận, huyện trên địa bàn thuộc TP Hà Nội và liên tục gọi điện cho gia đình cháu bé đòi 15 tỉ đồng tiền chuộc. Đến khoảng 5 giờ sáng 15/8, khi Trung đưa cháu bé đến đường gom khu công nghiệp Đồng Văn, thị trấn Đồng Văn, tỉnh Hà Nam thì bị lực lượng chức năng bắt giữ.
Chia sẻ tại buổi thông tin, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, từ năm 2004 đến nay mới lại xảy ra vụ bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản tại địa bàn Hà Nội. Theo vị lãnh đạo Công an TP Hà Nội, sau khi tiếp nhận tin báo về vụ việc, lực lượng chức năng đánh giá hành vi của đối tượng rất manh động, tinh vi, bắt cóc trẻ em ngay giữa Thủ đô. Trước khi gây án, đối tượng đã chuẩn bị súng bắn đạn cao su, mang nhiều biển kiểm soát giả để qua mặt và chống trả lực lượng chức năng khi bị truy bắt.
Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đánh giá, đây là vụ án khó, xảy ra vào lúc chập tối, diễn ra nhanh. Sau khi gây án, đối tượng liên hệ với mẹ cháu bé, yêu cầu gia đình đưa ra số tiền 15 tỷ đồng, không mặc cả. Nghi phạm nói rõ: "Thích tiền hay thích con". Khi bắt cóc cháu bé, đối tượng yêu cầu mẹ cháu bé đi qua rất nhiều nơi. Đầu tiên là ở cầu Thanh Trì, sau đó yêu cầu chỉ một mình mẹ bé trai xuống địa phận tỉnh Hà Nam để giao tiền.
Lãnh đạo Công an TP Hà Nội cho biết khi truy bắt nghi phạm, lực lượng chức năng xác định bằng mọi cách phải đảm bảo an toàn cho cháu bé, khi nào đối tượng giao cháu bé thì mới giao tiền. "Tôi quán triệt các đồng chí phải thực hiện theo nguyên tắc và phải đảm bảo an toàn cho cháu bé", Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng khẳng định.
Camera ghi lại hình ảnh nghi phạm bắt cóc cháu bé |
Tội bắt cóc có khung hình phạt đến tù chung thân
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: Hành vi của đối tượng là rất manh động, thể hiện thái độ coi thường pháp luật. Hành vi này liền một lúc xâm phạm đến nhiều khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ. Việc Cơ quan điều tra khẩn trương vào cuộc bắt giữ đối tượng là cần thiết để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.
“Hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là tội phạm hình sự đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm quyền sở hữu hợp pháp tài sản của người khác, đồng thời xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do thân thể của công dân, đe dọa uy hiếp đến tinh thần, sức khoẻ, tính mạng của nạn nhân và những người khác nên hành vi này là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Với số tiền có ý định chiếm đoạt 15 tỷ đồng, đối tượng này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân theo quy định tại khoản 4, Điều 169 Bộ luật hình sự năm 2015”, vị Tiến sỹ luật học phân tích.
Cũng theo luật sư Cường, Cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và tạm giam đối tượng này để tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định pháp luật. Trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ khẩu súng mà đối tượng sử dụng có nguồn gốc từ đâu, vụ án có đồng phạm hay không để giải quyết triệt để vụ án theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt hành vi trốn chạy, chống trả gây thương tích cho một cán bộ trong lực lượng truy bắt cho thấy tính chất manh động, ngoan cố, coi thường pháp luật của đối tượng. Với hành vi này, đối tượng sẽ bị áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đồng thời là căn cứ để tòa án quyết định mức hình phạt nghiêm khắc. Việc quyết định hình phạt cụ thể sẽ do tòa án quyết định căn cứ vào quy định của bộ luật hình sự, trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Vụ án này cho thấy hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm xâm phạm trật tự xã hội ở Việt Nam hiện nay là rất tốt. Với những đối tượng thực hiện hành vi côn đồ, manh động, coi thường pháp luật như vậy thì việc phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh thể hiện tính răn đe mạnh mẽ, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của công dân.
Đối tượng gây án sẽ phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc của pháp luật, có thể là 20 năm tù hoặc tù chung thân. Vụ án này cũng là bài học cảnh tỉnh cho các đối tượng coi thường pháp luật, xem nhẹ tính mạng sức khỏe, danh dự nhân phẩm và tài sản của người khác.
Điều 169. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản 1. Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; d) Đối với người dưới 16 tuổi… 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Làm chết người; c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên. 5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. 6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |