Từ vụ bắt cóc trẻ, tống tiền: Cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con an toàn?
Đối tượng bắt cóc cháu bé liên tục gọi điện đe doạ gia đình "đưa tiền hoặc mất con" TTTĐ - Đối tượng bắt cóc cháu bé ở khu đô thị Việt Hưng khai nhận, do vay nợ tiền của nhiều người, không có ... |
Một phút lơ là, cơ hội cho kẻ bắt cóc
Thông tin về một cháu bé 7 tuổi bị bắt, đưa lên xe ô tô khi đang đi xe đạp tại khu vực gần nhà, sau đó, mẹ cháu bé nhận được điện thoại yêu cầu gia đình nộp 15 tỷ đồng để “chuộc” con đang dấy lên nỗi lo ngại trong nhiều phụ huynh.
Nơi bé trai 7 tuổi tại quận Long Biên bị bắt cóc |
Dù cháu bé đã được giải cứu, kẻ xấu đã bị bắt giữ nhưng vụ việc đã khiến rất nhiều bậc cha mẹ nhìn lại cách quản lý và bảo vệ con. Khi nghe thông tin sự vụ trên chính địa bàn quận mình đang sinh sống, cả gia đình anh Dương Quốc Anh cũng đứng ngồi không yên.
Bày tỏ lo ngại, anh Quốc Anh cho hay: “Vợ chồng mình vừa mong thông tin từ gia đình cháu bé, vừa lo lắng về tình hình an ninh khu vực. Bình thường, con cũng hay xin bố mẹ cho ra ngoài chơi. Tuy nhiên sau vụ việc này, vợ chồng mình cảm thấy không yên tâm khi con rời khỏi tầm mắt”.
“Bây giờ chỉ cần bất cẩn một vài phút thôi là con đã rơi vào nguy hiểm. Mình cũng muốn cho con ra ngoài chơi, rời xa máy tính, tivi, điện thoại nhưng sau vụ việc này, vợ chồng mình cũng phải tìm những phương án khác để con giải trí. Lơ là 1 phút thôi là con có thể gặp nguy hiểm rồi”, chị Nguyễn Thu Lan (quận Đống Đa) chia sẻ.
Cần nâng cao cảnh giác
Sau vụ việc bắt cóc nguy hiểm nêu trên, nhiều cha, mẹ rút ra bài học: “Cảnh giác phải đặt lên trên hết. Không ai có thể làm thay nhiệm vụ này cho bố mẹ”. Cũng không ít phụ huynh lựa chọn đối phó bằng cách hạn chế cho con ra ngoài đường với suy nghĩ “cẩn tắc vô áy náy”.
Ảnh minh hoạ (Brightside) |
Tuy nhiên cũng có ý kiến lại cho rằng, phương án hạn chế con ra ngoài đường không hẳn là lựa chọn tối ưu vì nó bó hẹp không gian sống, quá trình giao tiếp của con trẻ đồng nghĩa với cướp đi tuổi thơ và khả năng khám phá, phát triển trí tuệ ở các con.
Thông qua vụ việc này, chuyên gia tâm lý, TS Vũ Thu Hương cho rằng: “Giáo dục trẻ kỹ năng phòng, tránh và ứng phó khi bị bắt cóc, xâm hại là nội dung vô cùng quan trọng. Các cha mẹ nên chú trọng dạy trẻ từ nhỏ và ôn luyện liên tục để con tự hình thành ý thức bảo vệ bản thân. Đây là nội dung quan trọng vì nó đảm bảo an toàn cho trẻ. Cha mẹ nên quan tâm dạy con nội dung này trước khi sắp xếp dạy chữ hoặc các kiến thức khác".
Cũng theo TS Vũ Thu Hương, nhất thiết cha mẹ cần dạy trẻ về các cách phòng tránh bắt cóc. Trước tiên, cha mẹ rất cần cung cấp cho trẻ biết một số các thông tin về các vụ bắt cóc xảy ra gần đây. Việc này là cần thiết nhưng chúng ta nên nói giảm, nói tránh để làm giảm bớt sự lo ngại của các cháu mà vẫn có thể cung cấp thông tin tình hình an ninh xã hội nhằm giúp trẻ hình thành thói quen tự bảo vệ bản thân.
Cha mẹ cũng nên dạy con khi ở tình huống bị người lạ ép lên xe, trẻ nên bĩnh tĩnh và hét lên nhưng câu như: Cháy xe rồi, khói kìa... bọn bắt cóc sẽ giật mình buông tay. Lợi dụng lúc đó trẻ vừa chạy thoát thân vừa kêu to để mọi người chú ý.
TS Vũ Thu Hương đưa ra một số nguyên tắc trong gia đình mà cha mẹ nên yêu cầu trẻ thực hiện nghiêm túc để đảm bảo an toàn: - Khi muốn đi đâu ra khỏi nhà, nhất thiết cần báo hoặc xin phép cha mẹ. - Nếu trẻ muốn đi chơi xa, nhất thiết phải xin phép cha mẹ từ trước và có kế hoạch chuẩn bị cho chuyến đi. - Khi trẻ chờ đợi cha mẹ đến đón ở trường thì cần có một số quy ước. Ví dụ: nếu cha mẹ nhờ ai đó đón hộ thì có một mật mã để trẻ có thể trao đổi với người đón hộ. Điều này sẽ giúp trẻ ngăn ngừa tình trạng có kẻ giả danh người đón hộ mà bắt cóc trẻ để buôn bán. - Dặn trẻ tuyệt đối không nhận quà cáp của người lạ. - Nếu có ai đó cần giúp đỡ, yêu cầu trẻ phải chạy đi báo cho các chú công an, cảnh sát hoặc người lớn đến giúp chứ trẻ không trực tiếp tham gia giúp đỡ vì trẻ chưa đủ khả năng này. - Trẻ cần thuộc các số điện thoại của những người gần gũi nhất như mẹ, bố, ông, bà, anh, chị, em… |