Không có việc bán thịt thú rừng tại Chùa Hương
Tại phiên giải trình của HĐND TP sáng nay (15/3), trả lời câu hỏi của đại biểu về công tác quản lý lễ hội, trong đó có đề nghị làm rõ công tác thanh tra kiểm tra và trách nhiệm để xảy ra tình trạng bán thịt sống, thịt động vật thú rừng vẫn còn bày bán tràn lan tại chùa Hương, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt cho biết, tại các cuộc kiểm tra đều xác định là thịt giả thú rừng chứ không phải là thịt thú rừng như báo chí phản ánh.
Theo ông Hoạt, lễ hội chùa Hương là lễ hội kéo dài nhất cả nước (khoảng 3 tháng). Đến thời điểm hiện tại thống kê có trên 700 nghìn lượt khách về trẩy hội chùa Hương, tăng hơn 55 nghìn lượt khách. Trong 3 năm trở lại công tác triển khai tổ chức lễ hội đã để lại dấu ấn đẹp trong du khách.
Tuy nhiên vẫn còn một số nội dung cần khắc phục, đó là vấn đề về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, tình trạng chèo kéo khách du lịch.
Về việc bày bán thịt sống, thịt giả thú rừng tại lễ hội chùa Hương, huyện đã tăng cường quản lý, xử lý thường xuyên, Ban Tổ chức thường xuyên kiểm tra và đến hôm qua (14/3) đã xử lý 23 trường hợp với hơn 17 triệu đồng với các trường hợp bày bán thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Văn Hoạt khẳng định: “Các cuộc kiểm tra đều khẳng định là thịt giả thú rừng, không có thú rừng hoang được bày bán. Hiện chúng tôi tăng cường quản lý và xử lý rất nghiêm việc bày bán thịt thú rừng, yêu cầu hơn 400 hộ kinh doanh ăn uống phải ký cam kết”.
Cũng tại phiên giải trình về nội dung này, các đại biểu cũng đề nghị Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết về công tác quản lý tiền công đức tại các cơ sở đình, chùa? Trách nhiệm của Sở Văn hóa và Thể thao trong việc tuyên truyền người dân ăn mặc đúng mực khi đi lễ tại các chùa.
Trả lời về việc quản lý hòm công đức tại chùa, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Tô Văn Động cho biết, theo quy định, mỗi di tích được đặt 1-3 hòm công đức. Những năm qua, Hà Nội đều thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, có một số di tích có số lượng hòm công đức đặt nhiều hơn là do di tích có nhiều bàn thờ; trong lễ hội chính, số lượng khách đến đông nên số lượng hòm công đức không đáp ứng được nên dẫn đến tình trạng chen lấn nên một số trụ chì đã linh hoạt trong việc đặt hòm công đức.
Về thực trạng của việc sử dụng tiền công đức trên địa bàn Hà Nội được ông Tô Văn Động cho biết là đối với các Di tích có ban quản lý, có sự giám sát của chính quyền địa phương, việc thu chi đều thực hiện thông qua kho bạc Nhà nước và công khai trước dân, đảm bảo theo quy định.
Về giải pháp khắc phục, ông Tô Văn Động cho biết, Sở Văn hóa và Thể thao, sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động các vị sư chủ trì và người dân thực hiện tốt công tác quản lý sử dụng tiền công đức tại các lễ hội và các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn Thành phố theo hướng công khai minh bạch. Giao trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát cụ thể trong UBND cấp xã, phường để nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng tiền công đức tại các lễ hội.
Hiện nay, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Tài chính, Sở Văn hóa và Thể thao và một số cơ quan liên quan tham mưu báo cáo UBND Thành phố ban hành quy định về việc sử dụng tiền công đức tại các lễ hội, thời gian hoàn thành vào tháng 6/2018. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, liên ngành cam kết trong tháng 6/2018 sẽ hoàn thành nội dung này để có thêm căn cứ quản lý tiền công đức tại các di tích.
Về việc trang phục lễ chùa còn phản cảm, theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, tại nhiều di tích đã bố trí trang phục cho người dân khi đi vào lễ chùa, tạo ấn tượng tốt cho người đi lễ. Đối với công tác tổ chức lễ hội, Sở tập trung vào việc tuyên truyền, có nhiều hình thức để vừa làm hài lòng du khách, vừa đảm bảo đúng tính chất của lễ hội.