Không gian mạng là trận địa chính của công tác tuyên truyền tư tưởng
Cần quyết liệt hơn trong phòng, chống tội phạm trên không gian mạng Tiên phong thí điểm mô hình “Tập hợp phụ nữ trên không gian mạng” Nỗ lực làm sạch, “phủ xanh” thông tin trên không gian mạng |
Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm tại hội nghị trực tuyến bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí năm 2024 do Ban Tổ chức Trung ương phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vào ngày 26/6.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ tại hội nghị |
Chia sẻ chuyên đề về "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh bóc gỡ thông tin xấu độc trên không gian mạng", Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ các giá trị văn hóa của đất nước, của dân tộc giờ đây khó khăn nhất là trên không gian mạng, chứ không phải trên không gian báo chí truyền thống. Không vượt qua được thách thức của mạng Internet thì không thể vượt qua thách thức cầm quyền lâu dài. Internet là mặt trận chính, chiến trường chính, tuyến đầu trong đấu tranh ý thức hệ. Mạng Internet là trận địa chính của công tác tuyên truyền tư tưởng hiện nay. Chúng ta cần chiếm lĩnh trận địa này và đoàn kết người dân trên môi trường Internet...
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chia sẻ về cách nhận biết tin giả như tiêu đề giật gân; thông tin không ghi nguồn hoặc nguồn không rõ ràng; thông tin từ các kênh/tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới thường xuyên tung tin giả hoặc những trang/kênh không thuộc quản lý của cơ quan Nhà nước, cơ quan báo chí chính thống.
Thứ trưởng cho biết, các nền tảng xuyên biên giới là nơi phát tán nhiều nhất tin giả, thông tin xấu độc chống phá Đảng, Nhà nước. Quản lý tốt không gian mạng thì phải đấu tranh buộc các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh bằng pháp lý, truyền thông, kinh tế, kỹ thuật với nhiều cách làm mới: Chặn hạ hiệu quả nội dung xấu độc; hỗ trợ lan tỏa thông tin chính thống, tích cực…
Đối với các nền tảng xuyên biên giới, Bộ duy trì ở mức cao tỷ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc. Từ trước năm 2017, các nền tảng xuyên biên giới không hợp tác. Giai đoạn 2018 - 2019, các nền tảng xuyên biên giới bắt đầu hợp tác nhưng chỉ chặn gỡ nội dung với số lượng giới hạn ở mức thấp chỉ ở 200 link/tuần; không chặn gỡ các tài khoản, kênh… đáp ứng 50 - 60%. Từ 2020 đến nay, các nền tảng xuyên biên giới đã thực hiện các yêu cầu, chặn gỡ với số lượng lớn lên tới 700 link/tuần, đáp ứng trên 90%.
Kết quả trong 5 tháng đầu năm 2024, mạng xã hội Facebook gỡ 3.382 bài viết, 248 tài khoản, 15 hội nhóm và 66 trang vi phạm; YouTube gỡ 2.884 video và 9 kênh; Tiktok gỡ 410 video và 180 tài khoản...
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Ban Tổ chức Trung ương |
Bộ cũng sử dụng công nghệ rà quét, chặn lọc tự động các quảng cáo trực tuyến vi phạm: làm việc với Facebook, YouTube về triển khai sử dụng công nghệ AI để phát hiện và xử lý tài khoản nguồn quảng cáo vi phạm theo quy trình xử lý rút gọn; yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới không quảng cáo, bật kiếm tiền đối với những trang, kênh vi phạm (Black List). Cùng với đó, Bộ yêu cầu các OTT cung cấp dịch vụ nội dung theo yêu cầu phải đăng ký hoạt động tại Việt Nam theo quy định; yêu cầu các hãng sản xuất, nhập khẩu Smart TV vào Việt Nam phải cài đặt sẵn ứng dụng VTVgo và tích hợp nút bấm VTVgo lên bảng điều khiển.
Đối với các đại lý quảng cáo và các nhà sáng tạo nội dung, Bộ yêu cầu nắn chỉnh dòng tiền quảng cáo về các cơ quan báo chí, các trang, kênh sạch; triển khai White List (danh sách các báo, trang thông tin đã được cấp phép - PV) và Black List; xử phạt các đại lý vi phạm; tập hợp KOLs, triển khai chiến dịch truyền thông trên mạng để nâng cao ý thức người dùng Internet...
Năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục triển khai Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý Internet và thông tin trên mạng (sắp được Chính phủ ban hành); duy trì tỷ lệ chặn gỡ nội dung xấu độc trên các nền tảng xuyên biên giới ở mức cao; tiếp tục đấu tranh để gỡ nhiều tài khoản, trang, kênh, nhóm vi phạm hơn; chấn chỉnh, xử phạt, buộc các nền tảng xuyên biên giới phải khắc phục các sai phạm, tuân thủ nghiêm pháp luật Việt Nam, đồng thời nghiên cứu để tiếp tục kiểm tra, xử lý các nền tảng xuyên biên giới khác; tiếp tục nắn chỉnh dòng tiền quảng cáo về các cơ quan báo chí, các trang kênh sạch, có kết quả số liệu bước đầu; phối hợp với cộng đồng các nhà sáng tạo nội dung trên mạng, những người có ảnh hưởng trên không gian mạng triển khai chiến dịch truyền thông về phòng chống tin giả trên mạng...