Tag

Khu vườn của mẹ

Văn hóa 22/12/2016 14:39
aa
Ngôi nhà nằm giữa vườn cây. Na, mít, ổi, xoài, dừa, nhãn... mùa nào thức nấy um tùm rậm rạp. Ba chị em trứng gà trứng vịt, thêm lũ trẻ con hàng xóm lít nhít lấy khu vườn làm địa điểm tập trung suốt ngày. Lương nghỉ ốm hai trăm ngàn của mẹ không nuôi đủ năm người, anh cả học đại học ở Hà Nội cũng chỉ thỉnh thoảng mới dám về xin tiền mà sự học hành của ba chị em đã là một khó khăn lớn. Mùa hè, những cơn bão kéo về làm tả tơi khu vườn. Đêm đêm tiếng cuốc kêu thành từng chuỗi, bắt nước ngập vang vọng kéo dài không dứt. Mẹ trở mình liên tục.

Khu vườn của mẹ

Ngôi nhà nằm giữa vườn cây. Na, mít, ổi, xoài, dừa, nhãn... mùa nào thức nấy um tùm rậm rạp. Ba chị em trứng gà trứng vịt, thêm lũ trẻ con hàng xóm lít nhít lấy khu vườn làm địa điểm tập trung suốt ngày. Lương nghỉ ốm hai trăm ngàn của mẹ không nuôi đủ năm người, anh cả học đại học ở Hà Nội cũng chỉ thỉnh thoảng mới dám về xin tiền mà sự học hành của ba chị em đã là một khó khăn lớn. Mùa hè, những cơn bão kéo về làm tả tơi khu vườn. Đêm đêm tiếng cuốc kêu thành từng chuỗi, bắt nước ngập vang vọng kéo dài không dứt. Mẹ trở mình liên tục.

Thị trấn chuyển mình, con đường được mở rộng ra lấn mất vườn hoa tóc tiên trước nhà của con bé út. Anh cả lấy vợ. Chị hai theo chồng về mãi tận Vinh xa lắc.

Mẹ đổ bệnh. Mổ xong mẹ nằm như dính xuống giường, chiếc khăn phủ trắng tinh chỉ khẽ gợn. Bệnh viện kết luận: Mẹ ung thư di căn, phải truyền hóa chất liều cao. Mấy anh em nhìn nhau ngơ ngác như bầy trẻ hôm nào. Không còn cách nào khác, bán đất!

Mẹ ngất đi, đến khi tỉnh dậy mẹ như một người ở thế giới khác. Rồi mẹ gom cả bầy con lại, đôi mắt đỏ khô bỗng chốc lấp lánh nhìn khắp lượt. Mẹ làm ra vẻ vui nhưng chưa bao giờ mẹ cứng rắn thế: "Có chết mẹ cũng không bán!".

Khu vườn của mẹ

Tranh minh họa (nguồn: Internet)

Mùa xuân, cha mẹ dắt nhau lang thang tìm chỗ ăn, chỗ ở, chỗ làm. Ngày ấy, vùng này còn là bãi đất trống, cỏ mọc lút đầu, hoang như chưa có ai đặt chân đến. Cha mẹ bảo nhau dừng chân taị đây, thằng cả hoài thai cũng tại nơi này. Ngày ngày, cha mẹ cật lực chặt cây, san đất, rắn rết, kiến mối hàng đàn lũ. Đêm, tiếng cò diệc xáo xác hoang vu. Tiếng cuốc... tiếng cuốc cứ khắc khoải trầm uất thâu đêm. Mẹ ôm lấy cha thổn thức hoang mang.

Mắt mẹ rưng rưng, con bé út nắm chặt bàn tay gày mòn run rẩy của mẹ. Bàn tay con nhà trí thức Hà Nội gốc đã phải chai sần thô ráp vì lao động nặng nhọc. Cuối thu, mẹ sinh anh cả. Cha trồng một cây dừa. Cây dừa gợi nhớ quê hương miền Nam xa xôi tít tắp. Ba năm sau, giải phóng, vùng này được mở mang thành thị trấn, khu vườn của cha mẹ cho lứa trái đầu mùa. Sinh con hai xong mẹ xin được vịêc làm trong một xí nghiệp cơ khí. Xung quanh nơi cha mẹ ở dân tứ xứ kéo về sinh cơ lập nghiệp, đông đúc dần lên, mẹ không còn phải thức trắng những đêm dài hoang vắng. Ở với nhau hơn chục năm, đã có bốn mặt con, tưởng hạnh phúc của cha mẹ từ đây vĩnh viễn. Nào ngờ... Mẹ dừng lại nghẹn ngào... Người đàn bà ấy đột ngột xuất hiện trước tổ ấm của mẹ như một hung thần. Cha mẹ quỳ xuống khóc lóc van xin khản cổ mà cha vẫn đi theo bà nội. Trước mẹ, cha đã có người đàn bà khác. Mẹ không muốn người đàn bà ấy cũng khổ như mình.

Mấy chục năm qua mẹ yêu thương khu vườn bằng tình yêu dành cho người đi xa, bằng tình yêu cho lũ con thơ dại. Bao nhiêu năm vắng cha, tiếng cuốc vẫn vọng đều như tiếng lòng của mẹ. Cuốc... cuốc... Cha bảo ở quê cha những đêm nước rong bìm bịp cũng kêu suốt đêm như thế. Chẳng biết giờ này cha đang nghe tiếng bìm bịp hay nghe tiếng chim lạ xứ người?

Cuối đông cái lạnh càng trở nên tê tái. Ngày một cơn đau... hai cơn, rồi nhiều cơn. Mẹ sống bằng những cơn ảo giác. Nhất quyết các con phải ở bên nhau, phải có chỗ ở đàng hoàng chứ đừng như mẹ lang thang xiêu dạt. Cả đời mẹ, cả đời cha... Hai bàn tay chỉ quen nhung lụa của mẹ, hai bàn tay chỉ còn bảy ngón của cha, cha mẹ vừa lật đất vừa bảo nhau: Hạnh phúc là đây. Từng nắm đất, từng gốc cây đã thấm đẫm mồ hôi nước mắt của cha mẹ nhưng đó cũng là những ngày cha mẹ hạnh phúc nhất. Bệnh của mẹ có chữa cũng thế thôi, đừng cắt bán đi máu thịt của mẹ... Những tán cây xào xạc, những chiếc lá cuối cùng rùng mình rụng xuống.. Cha có về không? Đàn cuốc đã về chưa?

Ngày cha mới đi, đêm đêm cũng chỉ có một tiếng cuốc thôi. Cuốc... cuốc... đều đều khắc khoải. Mẹ ôm chặt lấy cha, lần rờ bảy ngón tay cha. Ngày mới gặp cha, mẹ đã òa khóc khi nhìn thấy bàn tay tàn tật loang lổ. Cha bối rối vụt dấu hai bàn tay sau lưng rồi cứ đứng nhìn mẹ cho đến khi xe điện chạy qua mất. Cha vùng chạy theo: Chờ tôi zới!... Mẹ bừng tỉnh. Cha là bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc. Mẹ mỉm cười, đôi má tái nhợt bừng lên, bẽn lẽn đỏ hồng như má thiếu nữ...

Này, khẽ thôi, đừng làm con cuốc sợ! Nó chỉ có một mình thôi. Nó kêu cả đêm. Không, không ăn thịt nó đâu, mẹ bắt cha thả nó ra. Em sắp sinh, ăn toàn rau dại chịu sao nổi? Mẹ nhất định lắc đầu. Cuốc... cuốc... con cuốc lủi nhanh vào lùm cây. Đấy, nó lại đang kêu ở đâu đấy. Con ba, con út, soi đèn xem nó đâu. Mẹ toan đứng dậy. Chị ba hốt hoảng đỡ mẹ. Con bé út khóc nấc lên. Mẹ ơi, mẹ tỉnh lại đi, làm gì có con cuốc nào đâu? Có, cuốc... cuốc... cuốc... rõ ràng nó kêu rất gần, rất gần mà. Mẹ đưa tay ôm ngực, thân hình mẹ co rúm báo hiệu một cơn đau, nhưng khuôn mặt mẹ tươi tỉnh lạ thường. Cuốc... cuốc... đấy, mẹ chỉ tay ra vườn, đưa mẹ ra, đúng là con cuốc mẹ không ăn thịt rồi, cha bẫy cả ngày mới được... Đưa mẹ ra!... Hơi thở mẹ thì thào đứt quãng. Cơn đau ghìm mẹ xuống giường. Hai chị em đưa mắt nhìn nhau. Đêm hoàn toàn yên lặng...

Chị ba khẽ kéo lớp áo dầy, con bé út giật mình. Hơn một tuần, bụng mẹ đầy nhức, căng cứng và nổi vầng những hạch. Nhưng mẹ không kêu đau, lúc nào mẹ cũng nghe ngóng tiếng cuốc. Đàn cuốc về chưa? Cha đã về chưa? Các con xem hay cha đang đứng ở cổng mà chưa dám vào? Đêm qua con cuốc bảo với mẹ nhất định hôm nay cha sẽ về. Con cuốc về chưa? Nó đi trước dẫn đường cho cha, nó về chưa? Chị ba với con bé út cùng trả lời: "Nó về rồi mẹ ạ!", rồi quay sang nhau bối rối. Đôi mắt mẹ cứ hướng ra cửa, chờ đợi. Bóng nắng tắt dần. Đầu xuân trời đã ấm hơn, mẹ đòi mở cửa sổ. Chị ba mắt đỏ hoe, giọng nghèn nghẹn: "Hình như đây là con cuốc đầu đàn mẹ ạ, nó về trước để báo tin...". Đấy, nó đang kêu ở bụi chuối đấy. Chị dâu chua chát: "Mẹ như mắc bệnh tương tư. Sốt cả ruột!"...

Bệnh tương tư? A! Nhớ rồi... Con bé chạy dọc bờ sông, vạch tìm từng bụi rậm, tiếng cuốc đâu thoảng xa cứ giục giã. Không, rõ ràng tiếng cuốc mà càng đuổi càng xa. Nắng dát vàng trên mặt sông lấp loáng. Một con cuốc, xác một con cuốc nằm phơi mình khô cong giữa đám hoa tầm xuân phớt hồng thơm ngát. Một lần về quê đứa bạn, bà nó kể một bài thuốc dân gian: Lấy xác cuốc tán thành bột hòa với vài loại thuốc khác sẽ chữa được bệnh tương tư. Con bé hăm hở lao về...

Chị hai, chị ba ôm chầm lấy nó khóc không thành tiếng. Anh cả vòng tay ôm cả ba chị em, vòng tay anh run rẩy nấc nghẹn. Chị dâu đứng trân trân. Mẹ đòi ra vườn. Khu vườn ngập nắng. Mẹ nắm tay từng đứa, hỏi con út đâu? Chị ba thưa: Nó đi đón cha. Mẹ mỉm cười, nụ cười héo hắt. Mẹ ra đi, đôi mắt đăm đăm về phương trời xa. Con bé út đặt bên cạnh mẹ xác con cuốc, khẽ khàng vuốt. Đôi mắt mẹ khép lại. Cuộc đời mẹ khép lại.

Bốn anh em lặng lẽ dắt nhau ra vườn. Khu vườn trống trải không còn bóng dáng của mẹ. Những tán cây ủ rũ. Bốn anh em lần từng gốc cây thắt lên những vòng khăn tang trắng. Chợt không gian vỡ oà tiếng cuốc. Tiếng "cuốc... cuốc..." khắc khoải vọng dồn. Một con, hai con... rồi nhiều con. Trời đêm như quánh lại, đặc lại, nồng ấm. Bốn anh em bất giác nắm tay nhau thật chặt...

Truyện ngắn của Cẩm Tú

Tin liên quan

Đọc thêm

Nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh Nghệ thuật

Nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

TTTĐ - Cùng với các hoạt động kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), thành phố còn tổ chức kỷ niệm 114 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2025).
Đề xuất đưa dân ca Hrê vào danh sách di sản quốc gia Nghệ thuật

Đề xuất đưa dân ca Hrê vào danh sách di sản quốc gia

TTTĐ - Để phát huy những giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc, UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) xem xét, đưa hai loại hình dân ca truyền thống đặc sắc của dân tộc Hrê là Hát Ta lêu và Hát Ca chôi vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể quốc gia.
Nhà thiết kế Yến Ngô hạnh phúc khi đồng hành Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ Thời trang - Làm đẹp

Nhà thiết kế Yến Ngô hạnh phúc khi đồng hành Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ

TTTĐ - Nhà thiết kế (NTK) Yến Ngô hạnh phúc khi được dành tặng hơn 600 chiếc áo và 600 khăn quàng đỏ phiên bản đặc biệt được thiết kế riêng cùng hơn 500 cờ tay Việt Nam cho các bạn nhỏ và Tổng Phụ trách ưu tú được lựa chọn về tham dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ lần X.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự khai mạc Lễ hội Làng Sen năm 2025 Nghệ thuật

Tổng Bí thư Tô Lâm dự khai mạc Lễ hội Làng Sen năm 2025

TTTĐ - Tối 15/5, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An phối hợp với Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch long trọng tổ chức Lễ khai mạc Lễ hội Làng Sen năm 2025, kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và khánh thành tượng đài “Bác Hồ về thăm quê” với sự tham dự của Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương.
Tổng Bí thư Tô Lâm tặng tác phẩm “Việt Nam - những trang sử vàng” cho Khu Di tích Kim Liên Văn hóa

Tổng Bí thư Tô Lâm tặng tác phẩm “Việt Nam - những trang sử vàng” cho Khu Di tích Kim Liên

TTTĐ - Chiều 15/5, trong chuyến công tác tại Nghệ An, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao tặng tác phẩm điêu khắc ánh sáng “Việt Nam - những trang sử vàng” cho Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn.
Đắk Nông: Khai mạc Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm 2025 Văn học

Đắk Nông: Khai mạc Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm 2025

TTTĐ - Sáng 15/5, Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông tổ chức khai mạc Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm 2025 với chủ đề “Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Tổ chức Triển lãm thành tựu kinh tế-xã hội nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh với chất lượng tốt nhất Văn hóa

Tổ chức Triển lãm thành tựu kinh tế-xã hội nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh với chất lượng tốt nhất

Sáng 15/5, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính đã chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo "Triển lãm thành tựu kinh tế-xã hội nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh" (Triển lãm).
Đắk Lắk vinh danh 32 tác phẩm xuất sắc viết về Bác Hồ Văn hóa

Đắk Lắk vinh danh 32 tác phẩm xuất sắc viết về Bác Hồ

TTTĐ – Kết thúc đợt 2 của Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", Tỉnh ủy Đắk Lắk đã trao giải cho 32 tác phẩm xuất sắc nhất.
Sâm Ngọc Linh trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Văn hóa

Sâm Ngọc Linh trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

TTTĐ - Tri thức dân gian về cây sâm Ngọc Linh quý hiếm tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam) vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh, đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, khẳng định giá trị "vàng xanh" của vùng đất này.
Ra mắt bộ sách đặc sắc của nhà văn Đoàn Giỏi Văn học

Ra mắt bộ sách đặc sắc của nhà văn Đoàn Giỏi

TTTĐ - Nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi (17/5/1925 - 17/5/2025), Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu đến độc giả cả nước bộ sách đặc biệt gồm 8 tác phẩm tiêu biểu của cây bút lớn gắn bó sâu sắc với thiên nhiên và con người Nam Bộ. Các hoạt động kỉ niệm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng được tổ chức để tôn vinh, tưởng nhớ cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Xem thêm