Kiếm 90 tỉ đồng một năm từ nhựa tái sinh
Khởi đầu từ những gánh ve chai
Bên cạnh những đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội thì sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp điện tử cùng với sự ra đời của hàng loạt công ty sản xuất thiết bị điện tử, sản phẩm gia dụng của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước đã gây ảnh hưởng xấu đến môi trường do các phế phẩm nhựa tạo ra. Việc biến những loại nhựa phế phẩm trên sơ chế thành hạt nhựa cung cấp ngược lại cho nhà sản xuất là một cơ hội kinh doanh vừa giải quyết được vấn đề môi trường, vừa đảm bảo nguồn cung nội địa cho mặt hàng này.
Chị Nguyễn Thị Hưởng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty CP Sản xuất, đầu tư, thương mại Quốc tế Minh Phú.
Nhận thấy tiềm năng phát triển của việc chế biến hạt nhựa sạch, chị Hưởng đã nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp. Chị chia sẻ: “Sau khi tìm hiểu thị trường và phân tích những lợi thế sẵn có tại quê nhà, tôi nhận thấy Bắc Ninh có rất nhiều khu công nghiệp sản xuất lớn như Samsung, Canon, Honda…có thể tận dụng nguồn nguyên liệu đó để tái chế và sản xuất cung cấp lại”.
Ở nước ta hai ngành sắt thép và nhựa gần như phải nhập khẩu 100% nguyên liệu để sản xuất. Hiệp hội nhựa Việt Nam tính toán rằng một sản phẩm nhựa hoàn chỉnh phải sử dụng hết 80% nguyên liệu hạt nhựa chính phẩm. Trong khi đó, nếu sử dụng nhựa tái chế thì doanh nghiệp có thể tiết kiệm bằng một nửa.
Do đó, việc thực hiện thu gom được những sản phẩm nhựa sạch lỗi, hỏng trong quá trình sản xuất, giảm thiểu lượng rác thải gây ảnh hưởng môi trường vừa có nguyên liệu đầu vào đáp ứng nhu cầu thị trường góp phần phát triển kinh tế bền vững.
Nghĩ là làm, năm 2014 chị Hưởng đã mạnh dạn thành lập Cty CP Sản xuất, đầu tư, thương mại Quốc tế Minh Phú chuyên về sản xuất hạt nhựa tái sinh. Chị Hưởng chia sẻ: “Nhựa phế liệu là nguồn tài nguyên vô tận để ngành nhựa tái sinh phát triển, tạo nguyên liệu đầu vào giá thành thấp cho ngành công nghiệp nhựa. Tôi mong muốn làm ra những sản phẩm "Made by Vietnam" đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực”.
Với quyết tâm phát triển ngành sản xuất hạt nhựa, chị không ngừng học hỏi kĩ thuật công nghệ tiên tiến để đưa ra các sản phẩm tốt nhất. Qua 3 năm không ngừng nỗ lực của bản thân về kĩ thuật, công nghệ cũng như đưa ra được chiến lược kinh doanh hợp lý, từ một công ty chưa có tiếng tăm trên thị trường, đến nay, Minh Phú đã trở thành thương hiệu uy tín trong lĩnh vực sản xuất hạt nhựa. Công ty ngày càng có nhiều đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hiện, công ty Minh Phú đã tạo việc làm cho 80 cán bộ, công nhân viên trong 2 nhà máy tại tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương.
“Cái khó ló cái khôn”
Nhìn vẻ mặt rạng rỡ của chị khi lên nhận danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc và những thành công mà chị đang có, mấy ai biết rằng, đằng sau thành công ấy là những chuỗi ngày nhọc nhằn, lo toan. Chị Hưởng kể rằng, khi mới khởi nghiệp chị gặp rất nhiều khó khăn. Chị chưa có nhiều kinh nghiệm về kinh doanh, chưa hiểu đặc thù ngành sản xuất, tái chế hạt nhựa, dây chuyền công nghệ, cần mặt bằng có diện tích lớn để sản xuất...
Khó khăn lớn nhất là về vốn. Chị đã phải chạy vạy huy động vốn từ người thân và nhiều nguồn vốn bên ngoài. Chị không thể vay vốn tại ngân hàng bởi không có tài sản gì để thế chấp. Sau khi vất vả chạy vạy được 2 tỉ đồng làm vốn kinh doanh, chị dồn sức hiện thực hóa từng bước kinh doanh. Do còn non yếu về kinh nghiệm kinh doanh, lại chưa hiểu biết nhiều về ngành nhựa nên sau 2 tháng khởi nghiệp, chị thất bại và mất trắng toàn bộ 2 tỉ đồng vốn huy động.
Thất bại nặng nề không làm chị nản lòng, mà nó khiến chị thêm phần mạnh mẽ để quyết tâm khắc phục. Chị Hưởng tâm sự: “Mình rất đam mê và muốn trung thành với ý tưởng khởi nghiệp này. Mình luôn trăn trở rằng vì sao những người khác, nơi khác, thị trường khác không có nguồn nguyên liệu tại chỗ lớn như vậy mà lại có thể làm và thành công. Cho nên, bằng mọi giá mình phải làm lại và thành công”.
Sau thất bại đó, chị nghỉ kinh doanh 3 tháng để đi tìm hiểu thị trường và nhu cầu thực sự của khách hàng trong nước và một số nước lân cận. Chị nhận ra rằng, họ không chỉ cần chất lượng sản phẩm tốt mà còn phải có sản lượng đủ lớn để cung cấp thường xuyên và công ty đó phải có uy tín trên thị trường.
Nhận biết xu hướng thị trường cũng như nhu cầu khách hàng, chị quay lại khởi nghiệp với phong thái mạnh mẽ, bài bản hơn, đúng hướng hơn, với quyết tâm cao độ rằng, không thể để thất bại lần thứ 2.
Tận dụng lợi thế có nguồn nguyên liệu tại chỗ lớn, không phải vận chuyển xa, hiểu địa bàn và có thể dễ dàng tìm nhân công cùng với quyết tâm làm giàu, chị Hưởng đã từng bước đưa công ty phát triển. Hiện, nguồn nguyên liệu của công ty chị xuất ra không đủ cung ứng cho khách hàng.
Ngoài thị trường trong nước, sản phẩm của công ty Minh Phú còn xuất khẩu sang Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc…với các sản phẩm chủ đạo như hạt nhựa PP, nhựa xay PET, hạt nhựa ABS… Doanh thu của cty năm 2016 đạt 90 tỉ đồng.
Chị Hưởng đúc kết: “Mọi thành công đều xuất phát từ ý tưởng. Nhưng có những ý tưởng dẫn đến thành công và những ý tưởng khác thì không. Điều làm nên sự khác biệt giữa những người thành công và không thành công chính từ quyết tâm của người muốn khởi nghiệp”.
Phát biểu tại Lễ tuyên dương, bà Trương Thị Mai khẳng định: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhiệt liệt biểu dương 68 doanh nhân tiêu biểu tại buổi lễ, bà Trương Thị Mai đề nghị các gương mặt trẻ này tiếp tục nỗ lực, đưa doanh nghiệp phát triển hơn nữa, chăm lo tốt cho người lao động, quan tâm đến các vấn đề xã hội, chấp nhận thử thách, đưa kinh tế Việt Nam vươn lên tầm cao mới. Triển khai tháng 3/2017 từ hàng trăm hồ sơ gửi về, Ban tổ chức đã chọn ra các ứng viên tiểu biểu, đồng thời bình chọn top 10 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc nhất. Các doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2017 đã tạo ra doanh thu 2016 là 3.457 tỉ đồng, lợi nhuận 191 tỉ, giải quyết việc làm cho 6.920 lao động. Năm 2016, các Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2017 đã tạo ra doanh thu 3.457 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 191 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 6.920 lao động. Trong đó, 10 gương mặt đoạt Cúp đã tạo ra doanh thu 1.014 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 53 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 1.745 lao động. |