Tag

Kiên Giang: Thanh tra Chính phủ đề nghị truy thu hàng trăm tỷ đồng liên quan sai phạm của nhiều doanh nghiệp

Bạn đọc 10/05/2020 07:48
aa
TTTĐ - Kết luận thanh tra (KLTT) đã chỉ ra hàng loạt vi phạm liên quan các doanh nghiệp thực hiện dự án tại Kiên Giang. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ đề nghị truy thu về ngân sách Nhà nước với số tiền hàng trăm tỷ đồng.

Kiên Giang: Thanh tra Chính phủ đề nghị truy thu hàng trăm tỷ đồng liên quan sai phạm của nhiều doanh nghiệp

Một góc huyện đảo Phú Quốc, nơi xảy ra hàng loạt sai phạm theo Kết luận thanh tra thời kỳ 2011 - 2017

Bài liên quan

Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra tại tỉnh Kiên Giang

Đồng bào dân tộc tỉnh Kiên Giang chung tay xây dựng quê hương thắm tình hữu nghị, bền vững

Xác định phạm vi vành đai biên giới tại tỉnh Kiên Giang

Phú Quốc hướng tới tương lai là thành phố thứ 3 của tỉnh Kiên Giang

“Điểm tên” hàng loạt doanh nghiệp

Như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin trước đó, ngày 4/5 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã công bố KLTT về chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, thời kỳ từ năm 2011 - 2017. Trong đó, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng. Đặc biệt, KLTT chỉ rõ hàng loạt dự án vi phạm về nhiều mặt, dẫn đến phải truy thu hàng trăm tỷ đồng.

Cụ thể, theo KLTT, Sở Tài chính Kiên Giang đã xác định sai giá đất để làm căn cứ thu tiền sử dụng đất đối với Công ty Cổ phần Sài Gòn Sovico Phú Quốc - chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái đảo Phú Quốc chưa đúng quy định, do đó phải truy thu về ngân sách Nhà nước gần 18 tỷ đồng.

UBND tỉnh Kiên Giang xác nhận ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung cho Công ty TNHH Ngôi Sao - chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Ngôi Sao - Lucky Star Resort chưa đúng quy định pháp luật, cần truy thu hơn 62 tỷ đồng.

Cục Thuế Kiên Giang giảm 50% tiền sử dụng đất đối với chủ đầu tư của một số dự án trên địa bàn huyện Phú Quốc chưa phù hợp quy định pháp luật nên cần thu hồi về ngân sách trên 255 tỷ đồng; Miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản đối với 10 dự án đầu tư khi chưa đủ điều kiện miễn giảm, nên cần thu hồi trên 53 tỷ đồng; Miễn tiền thuê đất theo chính sách ưu đãi đầu tư đối với 6 tổ chức được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án chưa phù hợp với quy định, do đó cần phải phu hồi về cho ngân sách hơn 93 tỷ đồng.

Cũng theo KLTT, UBND tỉnh Kiên Giang cho phép gia hạn nộp tiền sử dụng đất đối với Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển du lịch Phú Quốc chưa phù hợp quy định, cần truy thu hơn 18 tỷ đồng; Chỉ đạo không phạt tiền chậm nộp đối với Công ty Cổ phần Sài Gòn Sovico Phú Quốc trái thẩm quyền, không đúng quy định Luật Quản lý Thuế nên đề nghị thu hồi hơn 46 tỷ đồng.

Cục Thuế không phạt tiền chậm nộp đối với một số tổ chức có hành vi chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định, nên cần thu hồi về ngân sách Nhà nước hơn 255 tỷ đồng.

Theo KLTT, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động khai thác khoáng sản chưa được địa phương chú trọng, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan tài nguyên môi trường và cơ quan thuế trong việc đối chiếu, xác nhận sản lượng tài nguyên tính thuế, dẫn đến có một số tổ chức có hoạt động khai thác khoáng sản vi phạm pháp luật về khoáng sản. Cụ thể như hoạt động khai thác vượt công suất, khai thác khi giấy phép đã hết hạn, không kê khai hoặc kê khai thiếu sản lượng tài nguyên tính thuế… nhưng chậm được phát hiện và xử lý.

Kết luận thanh tra về chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, thời kỳ từ năm 2011 - 2017, trong đó đã chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng
Kết luận thanh tra về chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, thời kỳ từ năm 2011 - 2017, trong đó đã chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng

Đáng lưu ý, UBND tỉnh Kiên Giang khoanh định mỏ đá vôi núi Cà Đa và mỏ đá vôi núi Nhà Vô thuộc xã Dương Hà, huyện Kiên Lương vào diện không đấu giá khai thác khoáng sản còn chưa chính xác, vi phạm Nghị định 15/2012/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.

Qua thanh tra, phát hiện Công ty Siam City Cement Việt Nam kê khai thiếu sản lượng tài nguyên thực tế khai thác, tương ứng với số tiền cần truy thu về ngân sách trên 2 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty này còn khai thác đá vôi vượt công suất tại mỏ Cây Xoài - Bãi Voi (huyện Kiên Lương); Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 khai thác đất sét tại mỏ đất sét Kiên Lương khi giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn (khai thác trái phép) và khai thác đá vôi vượt công suất tại mỏ đá Núi Trầu - Núi Còm (huyện Kiên Lương), tuy tịch thu tang vật nhưng chưa được xử lý kịp thời theo quy định.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến việc Công ty Siam City Cement Việt Nam kê khai nộp phí bảo vệ môi trường sai quy định với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng.

Nghiêm khắc xử lý trách nhiệm

Từ những kết luận nêu trên, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang phải khẩn trương chấn chỉnh các tồn tại, khuyết điểm trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường mà Thanh tra Chính phủ đã phát hiện và nêu tại kết luận; Phải chấm dứt việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái với quy định sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giao đất, cho thuê đất sạch (đất công do Nhà nước quản lý) không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất…

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng phát biểu tại buổi công bố Kết luận thanh tra
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng phát biểu tại buổi công bố Kết luận thanh tra

Đối với Sở Xây dựng cần thẩm tra lại chi phí phát triển của dự án khu lấn biển Tây Bắc TP Rạch Giá do Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Kiên Giang làm chủ đầu tư; Xác định lại giá đất làm căn cứ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của dự án theo đúng quy định pháp luật, tránh thất thoát ngân sách Nhà nước; Rà soát lại tiến độ thực hiện các dự án đầu tư chậm tiến độ, vi phạm pháp luật đầu tư, đất đai; Thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật, cương quyết thu hồi chủ trương đầu tư hoặc thu hồi dự án gắn với thu hồi quyền sử dụng đất đối với 43 dự án của chủ đầu tư chậm triển khai, vi phạm pháp luật về đầu tư và đất đai do lỗi chủ quan của chủ đầu tư…

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị cần ban hành quyết định điều chỉnh và loại bỏ mỏ đá vôi núi Cà Đa và mỏ đá vôi núi Nhà Vô thuộc xã Dương Hoà, huyện Kiên Lương ra khỏi khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật; Thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp cho Công ty TNHH MTV Nông lâm nghiệp Kiên Giang, Công ty TNHH MTV 622, doanh nghiệp tư nhân Quốc Thắng và Công ty TNHH Kim Dung do vi phạm các quy định của pháp luật về khoáng sản.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo Chánh Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra về công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn huyện Phú Quốc (trong đó có dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Khem do Công ty TNHH Mặt Trời Phú Quốc làm chủ đầu tư); Thanh tra việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ gia đình, cá nhân liên quan đến đất rừng thuộc Vườn quốc gia và rừng phòng hộ Phú Quốc.

Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ kiến nghị chỉ đạo Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Kiên Giang áp dụng các biện pháp theo quy định pháp luật về thuế để thu hồi về cho ngân sách Nhà nước số tiền cần truy thu, nợ đọng theo KLTT.

Đối với Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang có liên quan thì đề nghị kiểm điểm trách nhiệm để xảy ra sai sót, vi phạm như KLTT đã nêu; Tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm minh với các tập thể, cá nhân có sai phạm…

Đọc thêm

Nâng mức xử phạt, xử lý nhanh, tránh để hợp thức hoá sai phạm về đất đai Đường dây nóng

Nâng mức xử phạt, xử lý nhanh, tránh để hợp thức hoá sai phạm về đất đai

TTTĐ - Luật Đất đai 2024 quy định rõ trách nhiệm quản lý cũng như xử lý vi phạm nếu để sai phạm, gây thiệt hại trong quản lý đất đai. Trong đó, Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất tại địa phương theo thẩm quyền.
Tổ công tác liên ngành: “Tai, mắt” sát dân, sát thực tiễn Đường dây nóng

Tổ công tác liên ngành: “Tai, mắt” sát dân, sát thực tiễn

TTTĐ - Trong bối cảnh quản lý đất đai tại các đô thị lớn như Hà Nội ngày càng phức tạp bởi tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu sử dụng đất gia tăng và tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai diễn biến tinh vi, công tác phòng ngừa vi phạm từ sớm, từ xa đã trở thành nhiệm vụ cấp bách. Trong đó, hai giải pháp mang tính căn cơ là: Phát huy vai trò tổ công tác liên ngành và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, dân vận tại cơ sở.
Không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong xử lý vi phạm Đường dây nóng

Không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong xử lý vi phạm

TTTĐ - Việc quản lý đất đai trong những năm qua được xác định là bài toán khó đối với nhiều địa phương, trong đó có huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Mặc dù huyện đã tập trung chỉ đạo siết chặt quản lý đất đai, trật tự xây dựng, nhưng một số địa phương sắp sáp nhập vẫn còn để xảy ra tình trạng né tránh, nể nang, dẫn đến phát sinh vi phạm mới. Việc tổ chức cưỡng chế, xử lý vi phạm ở một số nơi còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…
Buông lỏng quản lý đất đai, truy trách nhiệm lãnh đạo Đường dây nóng

Buông lỏng quản lý đất đai, truy trách nhiệm lãnh đạo

TTTĐ - Nhiều địa phương của Hà Nội quán triệt quan điểm sẽ truy trách nhiệm lãnh đạo địa phương nếu buông lỏng quản lý hoặc thiếu kiên quyết trong công tác xử lý vi phạm đất đai, xây dựng.
Quyết liệt nghiêm trị vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng Đường dây nóng

Quyết liệt nghiêm trị vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng

TTTĐ - Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố Hà Nội, các quận, huyện, thị xã đều tăng cường xử lý vi phạm trong công tác quản lý đất đai, xây dựng, môi trường, kể cả việc tạm đình chỉ công tác.
Chấn chỉnh kỷ cương, xử lý nghiêm vi phạm đất đai trong giai đoạn sáp nhập Đường dây nóng

Chấn chỉnh kỷ cương, xử lý nghiêm vi phạm đất đai trong giai đoạn sáp nhập

TTTĐ - Trước tình trạng lấn chiếm đất đai, đồng ruộng và xây dựng trái phép gia tăng trong giai đoạn sắp xếp các đơn vị hành chính, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã liên tục chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các cấp, ngành siết chặt quản lý, xử lý nghiêm vi phạm nhằm đảm bảo kỷ cương pháp luật và ổn định xã hội.
Hà Nội quyết liệt xử lý vi phạm đất đai, xây dựng Bạn đọc

Hà Nội quyết liệt xử lý vi phạm đất đai, xây dựng

TTTĐ - Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố Hà Nội, huyện Hoài Đức đã vào cuộc quyết liệt xử lý tình trạng vi phạm đất đai, trật tự xây dựng.
Kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm phát sinh về quản lý đất đai, trật tự xây dựng Đường dây nóng

Kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm phát sinh về quản lý đất đai, trật tự xây dựng

TTTĐ - Ngày 29/4, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên (Hà Nội) đã ban hành Công điện số 02 yêu cầu các xã, thị trấn và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm phát sinh, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Tạo hành lang pháp lý nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Bảo vệ người tiêu dùng

Tạo hành lang pháp lý nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

TTTĐ - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 205/TB-VPCP ngày 28/4/2025 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc giao ban công tác quý I năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Huế rà soát việc kinh doanh sữa trong bệnh viện và trên thị trường Bảo vệ người tiêu dùng

Huế rà soát việc kinh doanh sữa trong bệnh viện và trên thị trường

TTTĐ - Sở Y tế TP Huế sẽ xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo kinh doanh sai phạm, vượt quá phạm vi chuyên môn, lợi dụng danh nghĩa y khoa để trục lợi từ sản phẩm sữa không đạt chất lượng.
Xem thêm