Kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực
Đấu tranh chống tham nhũng là vấn đề tất yếu
Gần đây, lợi dụng việc Đảng ta đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng, xử lý hình sự một số cán bộ cấp cao của Đảng, có quan điểm cho rằng, nếu “quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm "nhụt chí," "chùn bước" những người dám nghĩ, dám làm, làm "chậm" sự phát triển đất nước”.
Đây là biểu hiện của sự nhận thức nông cạn, thiếu suy nghĩ chín chắn. Bởi tham nhũng thực sự là một nguy cơ, vấn nạn, nếu không được ngăn chặn, loại bỏ kịp thời sẽ làm thiệt hại cho nền kinh tế, phá vỡ chiến lược và kế hoạch phát triển, gây thiệt hại vật chất rất lớn cho Nhà nước và người dân; làm suy thoái đạo đức, lối sống trong hàng ngũ lãnh đạo, gây ra sự bất bình, bức xúc trong dư luận xã hội và nghiêm trọng hơn là làm xói mòn, suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, với chế độ.
Tham nhũng được coi là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ |
Có thể nói, tham nhũng như một loại dịch bệnh nguy hiểm có thể phá vỡ bất kỳ thể chế chính trị nào. Thậm chí, nếu để tham nhũng tràn lan thì những cán bộ, đảng viên trong sáng, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc sẽ không còn động lực để phấn đấu, cống hiến, hy sinh vì lợi ích chung.
Bởi vậy, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một tất yếu, là vấn đề sinh tử, sống còn, cấp bách. Với tinh thần ấy, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực càng không phải là “đấu tranh phe cánh” hay “đấu đá nội bộ” như một số người xuyên tạc, mà nhằm: “góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của Nhân dân, bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối…”.
Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và với mong muốn, quyết tâm tạo bước chuyển mới, mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (tháng 5/2012) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước. Thực hiện chủ trương này, ngày 1/2/2013, Ban Chỉ đạo đã chính thức được thành lập và bắt đầu triển khai các hoạt động, với thành phần gồm những cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan có liên quan của Đảng và Nhà nước.
Qua kết quả cụ thể trong thực tế và qua điều tra dư luận xã hội, sự đánh giá của các tổ chức quốc tế, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để khẳng định rằng: Trong 10 năm gần đây, với việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí (trực thuộc Bộ Chính trị) đến nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược", được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận.
Tham nhũng từng bước đã được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta. Đó là thành công lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng của chúng ta trong thời gian qua.
Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng
Trong thời gian tới, với mục tiêu tổng quát là "Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa…", Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định và bổ sung một số định hướng lớn cho công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới là: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ tuyệt đối của Nhân dân, công tác phòng, chống tham nhũng nhất định sẽ giành thắng lợi |
Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, tiêu cực; không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự.
Đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế - xã hội; về kiểm tra, giám sát và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức...
Có thể nói, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ tuyệt đối của Nhân dân, chúng ta tin tưởng rằng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần "Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây" như Bác Hồ đã từng chỉ dạy, sẽ không những không làm ảnh hưởng mà còn tạo sinh khí mới, quyết tâm cao, hành động mạnh mẽ để đánh thắng “giặc nội xâm” và Đảng ngày càng vững vàng, bản lĩnh, tiếp tục lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân ta giành thắng lợi trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, góp phần củng cố niềm tin yêu của Nhân dân đối với Đảng, với chế độ.