Kinh doanh sa sút, Coteccons muốn vay nợ 500 tỷ đồng từ trái phiếu
Sau nhiều lùm xùm, cổ phiếu Coteccons liên tục lao dốc Chủ tịch Coteccons Nguyễn Bá Dương xin rút khỏi ban lãnh đạo Vinamilk Giữa tâm bão “đối đầu” cổ đông ngoại, nội bộ lại tố lãnh đạo Coteccons |
Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (mã CK: CTD) vừa thông báo về việc chào bán trái phiếu ra công chúng.
Theo đó, Coteccons dự kiến chào bán 500 trái phiếu ra công chúng với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu. Tổng số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán trái phiếu là 500 tỷ đồng.
Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo, với kỳ hạn 3 năm và lãi suất cố định 9,5%/năm.
Với nhà đầu tư cá nhân, số lượng đăng ký mua tối thiểu là 20 trái phiếu còn với nhà đầu tư tổ chức là 50 trái phiếu. Thời gian nhận đăng ký mua và nhận tiền đặt cọc là từ 24/12/2021 đến ngày 12/1/2022, tỷ lệ đặt cọc là 10% giá trị trái phiếu đăng ký mua.
Về mục đích sử dụng, Coteccons dự kiến dùng 300 tỷ đồng vào thanh toán chi phí nguyên liệu, vật liệu, chi phí thuê nhân công tại các dự án thuộc công ty hoặc các công ty trực thuộc; 200 tỷ đồng còn lại dùng để tăng quy mô vốn hoạt động kinh doanh của công ty hoặc các công ty trực thuộc.
Về kết quả kinh doanh, quý III/2021, doanh thu thuần của Coteccons đạt 1.070 tỷ đồng, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ đi giá vốn hàng bán, công ty báo lãi gộp 16,8 tỷ đồng, bằng 1/10 so với cùng kỳ quý III/2020.
Kết quả, sau khi trừ các chi phí, quý III/2021, Coteccons ghi nhận khoản lỗ sau thuế 11,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi ròng 88,6 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons đang là nhà thầu lớn tại Việt Nam |
Nguyên nhân lãi giảm mạnh chủ yếu là do doanh thu mảng xây dựng của Coteccons giảm mạnh 61,43%, kết quả của việc chịu ảnh hưởng của nền kinh tế khó khăn kéo dài từ năm 2020.
Bên cạnh đó, Coteccons còn phải đối mặt với giá cả nguyên vật liệu xây dựng leo thang, cùng với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Tính chung 9 tháng năm 2021, doanh thu thuần của Coteccons đạt 6.189 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ đi chi phí, công ty báo lãi ròng 87,5 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ 9 tháng năm 2020.
Tính đến cuối tháng 9/2021, tổng tài sản của Coteccons giảm 1.146 tỷ đồng so với đầu năm, chỉ còn 13.011 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn giảm 8,2% (còn 11.815 tỷ đồng), hàng tồn kho tăng 8,7%, lên mức 1.623 tỷ đồng.
Nợ phải trả đến cuối tháng 9/2021 của Coteccons là 4.700 tỷ đồng, giảm hơn 18% so với đầu năm. Nợ ngắn hạn giảm 1.111 tỷ đồng, còn 4.642 tỷ đồng trong khi đó, nợ dài hạn tăng mạnh từ mức gần 5,6 tỷ đồng lên xấp xỉ 57,4 tỷ đồng (55,4 tỷ đồng dự phòng phải trả dài hạn).
Tại Coteccons trước đó đã xảy ra mâu thuẫn do xung đột lợi ích trong điều hành doanh nghiệp giữa Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Bá Dương và các cổ đông lớn dẫn dắt bởi cổ đông Singapore Kustocem Pte Ltd (Kusto).
Cụ thể, nhóm cổ đông ngoại của Coteccons dẫn đầu bởi Kusto muốn ông Nguyễn Bá Dương và Tổng Giám đốc Nguyễn Sỹ Công từ nhiệm với lý do xung đột lợi ích giữa Coteccons và Ricons.
Trong đó, cả ông Dương và ông Công tham gia ban lãnh đạo Ricons khiến Kusto cho rằng công ty này không chỉ là nhà thầu phụ mà còn là đối thủ cạnh tranh của Coteccons.
Trước áp lực của nhóm cổ đông, ông Nguyễn Bá Dương thôi giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Coteccons kể từ ngày 2/10/2020. Ông Nguyễn Sỹ Công trước đó cũng từ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc công ty.
Trong khoảng năm 2016 đến 2018, doanh thu của Coteccons luôn nhiều hơn 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đỉnh cao năm 2018, doanh thu và lợi nhuận của Coteccons bắt đầu lao dốc, một phần vì thị trường xây dựng ngày càng khó khăn và phần khác là những mâu thuẫn nội bộ không thể giải quyết giữa các cổ đông lớn.
Chính thức nắm quyền kiểm soát tại Coteccons từ tháng 10/2020 và lần lượt thay dàn lãnh đạo cấp cao, Coteccons sau một năm Kusto nắm quyền điều hành chưa cho thấy sự đột phá, ngược lại lợi nhuận liên tục giảm mạnh.
Coteccons thường xuyên vi phạm pháp luật về thuế Trong hai năm 2019, 2020, Coteccons nhiều lần bị ngành thuế xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, tháng 1/2019, Coteccons công bố hai quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế mà công ty này không công bố thông theo đúng thời hạn quy định, với số tiền lên đến hơn 12 tỷ đồng. Sau đó, đến tháng 11/2019, Cục Thuế TP HCM tiếp tục ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Coteccons do có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn. Ở thời điểm này, tổng số tiền Coteccons phải nộp lại cho cơ quan thuế gần 2,4 tỷ đồng. Tháng 8/2020, Cục Thuế TP HCM lại ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Coteccons với tổng số tiền lên đến hơn 1,4 tỷ đồng. |