Kinh nghiệm giải phóng mặt bằng từ dự án Vành đai 4
Phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh hơn tiến độ dự án Vành đai 4 Đảm bảo tiến độ dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bảo đảm tiến độ |
Đã tổ chức 37 mũi thi công trên toàn tuyến
Với quy mô đầu tư 85.813 tỷ đồng, tổng chiều dài 113,52km, đi qua ba tỉnh, thành phố: Hà Nội (57,52km), Hưng Yên (19,3km), Bắc Ninh (36,7km), dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 -Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022.
Vành đai 4 là vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng.
37 mũi thi công đang được thực hiện đồng loạt trên công trường |
Việc đầu tư, đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường Vành đai 4 góp phần tăng khả năng kết nối giao thông, liên kết các trục chính đô thị, đường vành đai, các tỉnh lộ, huyện lộ thông qua kết nối với hệ thống đường song hành đô thị hai bên tuyến; đồng thời liên kết các tuyến đường bộ cao tốc, các quốc lộ hướng tâm nhằm phát huy hiệu quả các tuyến đường này, tạo dịch vụ vận tải chủ động kết nối các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp, trung tâm trung chuyển, cảng hàng không, các đường thủy nội địa, cảng biển, cảng cạn ICD.
Bên cạnh đó, định hướng luồng giao thông quá cảnh không đi xuyên qua trung tâm thành phố Hà Nội góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, giảm tải áp lực giao thông lên hệ thống đường giao thông hiện có; khai thác và sử dụng hiệu quả quỹ đất hai bên tuyến đường, mở rộng không gian phát triển cho thành phố Hà Nội, động lực phát triển của Vùng Thủ đô, Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Sau hơn 1 năm 6 tháng kể từ khi được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, 3 tỉnh, thành phố đã huy động tối đa sức mạnh của hệ thống chính trị, triển khai đồng loạt các thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện các công việc. Nhờ vây, đến nay, dự án đã đạt được một số kết quả nhất định và bám sát tiến độ đề ra.
Ông Đỗ Đình Phan, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, bao gồm 7 dự án thành phần do UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Hưng Yên và UBND tỉnh Bắc Ninh là cơ quan chủ quản - cơ quan có thẩm quyền, trong đó 3 dự án đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng theo hình thức đầu tư công, 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP) loại hợp đồng BOT.
Ông Đỗ Đình Phan, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội |
Đến nay dự án đã đạt được một số kết quả nhất định và bám sát tiến độ đề ra. Cụ thể: Đã phê duyệt 7/7 dự án thành phần; 3 tỉnh, thành phố đã phê duyệt phương án và thu hồi đất được 1.306,06/1.390,63ha, đạt 93,92%, di chuyển 11.540/15.556 ngôi mộ, đạt 74,18%; đã khởi công thi công xây dựng dự án đường song hành trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố, trong đó các nhà thầu đã tổ chức 37 mũi thi công trên toàn tuyến...
Đảm bảo việc giải phóng mặt bằng đi trước một bước
Những kết quả trong công tác giải phóng mặt bằng là nhờ việc tách giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần độc lập để triển khai ngay sau khi chủ trương đầu tư được duyệt. Từ đó, công tác giải phóng mặt bằng không còn phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật mang tính chất chuyên ngành của công trình, thực hiện giải phóng mặt bằng ngay sau khi có chỉ giới đường đỏ được phê duyệt và khi dự án thành phần xây lắp được duyệt hồ sơ cắm mốc GPMB sẽ tiếp tục cập nhật, bổ sung cho phù hợp, nhằm đảm bảo có mặt bằng thi công trước khi trao thầu.
Ưu điểm của giải pháp tách công tác GPMB thành dự án thành phần độc lập là có thể triển khai song song công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (theo quy hoạch) đối với công tác lập dự án thành phần GPMB; việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án thành phần GPMB thường sẽ triển khai nhanh hơn so với việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư do không có yếu tố kỹ thuật phức tạp, không phải thỏa thuận với nhiều đơn vị quản lý, khối lượng công việc ít hơn… Vì vậy, rút ngắn được thời gian thực hiện, việc ứng vốn từ quỹ đầu tư phát triển thành phố chi trả cho các phương án GPMB không phụ thuộc vào dự án được duyệt.
Phối cảnh một nút giao của đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô |
“Việc giao địa phương thực hiện nhiệm vụ GPMB hoặc chủ đầu tư dự án thành phần GPMB trên địa bàn để các địa phương chủ động và huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị địa phương góp phần đẩy nhanh tiến độ GPMB chung của các dự án; đồng thời tạo được quỹ đất sạch trước khi trao thầu xây dựng”, ông Đỗ Đình Phan nhấn mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm qua triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, ông Đỗ Đình Phan nhấn mạnh việc phát huy vai trò người đứng đầu, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân; đồng thời tăng cường phân cấp, ủy quyền cho cơ sở, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã với tinh thần giảm đầu mối, cấp nào sát thực tế và phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân thì giao cho cấp đó thực hiện.
“Việc tách công tác GPMB thành dự án thành phần độc lập để triển khai ngay khi chủ trương được duyệt sẽ tranh thủ được thời gian chuẩn bị dự án, giúp GPMB đi trước một bước. Trong việc triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của từng địa phương cần vận dụng chính sách để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân, trong đó thành phố Hà Nội chọn những khu tái định cư có điều kiện mặt bằng, giao thông thuận lợi, tốt nhất cho người dân. Các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đến cuộc sống, sinh kế của người dân trong diện di dời với mục tiêu nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ để người dân yên tâm sinh sống và làm việc. Thành phố cũng ban hành bổ sung một số cơ chế, chính sách phục vụ bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thực hiện dự án”, ông Đỗ Đình Phan cho biết thêm.