Kỳ 1: Cần cơ chế đặc thù cho ngành Y tế Thủ đô
Y tế Thủ đô chưa phát triển đồng đều
Nhằm bảo đảm an sinh xã hội toàn diện, bền vững, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô, Nghị quyết số 15-NQ/TW xác định “xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, tập trung phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; năng lực hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, hệ thống bác sĩ gia đình, bảo đảm chăm sóc toàn diện sức khỏe Nhân dân.
Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội (Bệnh viện Xanh Pôn) được đầu tư các trang thiết bị y tế hiện đại nhất |
Thành phố huy động các nguồn lực xã hội xây dựng mạng lưới cơ sở khám, chữa bệnh chất lượng cao, hiện đại; cơ sở nghiên cứu và chuyển giao công nghệ y, dược của tư nhân và đầu tư nước ngoài; gắn phát triển du lịch với chăm sóc sức khoẻ”.
Thể chế hóa các quan điểm của Nghị quyết 15-NQ/TƯ, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định một số chính sách đặc thù nhằm mục tiêu nâng cao năng lực, xây dựng hệ thống y tế Thủ đô ngày càng phát triển, hiện đại; hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện, nâng cao sức khỏe Nhân dân.
Trong kết luận 80-KL/TW về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Bộ Chính trị yêu cầu gắn việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường với không gian đô thị, kết hợp với các ngành, lĩnh vực đang là thế mạnh, có xu hướng phát triển tốt như thương mại điện tử, du lịch, dịch vụ giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao…
Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên địa bàn Thủ đô có nhiều đổi mới, chất lượng không ngừng được nâng cao. Hiện nay, ngành Y tế Hà Nội đang quản lý 42 bệnh viện, trong đó có 8 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa hạng I; 22 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa hạng II và 12 bệnh viện đa khoa tuyến huyện; 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã; 8 đơn vị quản lý Nhà nước và trung tâm chuyên khoa với tổng số 27.155 người.
GS.TS.BS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) |
Tuy nhiên, GS.TS.BS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội cho biết, chất lượng khám, chữa bệnh của các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn thực tế chưa xứng tầm với vị thế là cơ sở y tế tuyến cuối của Thủ đô Hà Nội. Công tác y tế dự phòng, nhất là ở cơ sở còn yếu; cơ sở vật chất, trang thiết bị của hệ thống y tế thành phố, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở còn thiếu và xuống cấp.
Từ thực tế trên, GS.TS Tạ Thành Văn đã góp ý một số nội dung tập trung vào lĩnh vực y tế được quy định tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Đặc biệt, dự thảo Luật về “Phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân”, theo GS.TS Tạ Thành Văn, việc sửa đổi này tập trung vào những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội và có trọng tâm, trọng điểm.
Dự thảo Luật Thủ đô trong lĩnh vực y tế phải xuất phát từ thực trạng, tính đặc thù, phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội qua từng giai đoạn cụ thể.
Đặt ra giải pháp căn cơ đồng bộ
Bên cạnh đó, ngành Y tế Thủ đô cần chú trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và năng lực hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, hệ thống khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình… Đây cũng là một trong các nội dung quan trọng được quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định chi tiết về việc "Phát triển y tế Thủ đô và chăm sóc sức khỏe Nhân dân" (Điều 27 dự thảo Luật trình Quốc hội, Điều 26 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến).
Về cơ chế phát triển y học gia đình, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) giao HĐND TP Hà Nội quy định lộ trình, cơ chế tài chính, chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để thực hiện cơ chế khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình, quyết định việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế để phát triển hoạt động khám chữa bệnh y học gia đình trên cơ sở nguồn kinh phí bảo hiểm y tế được giao dự toán cho TP, phù hợp với các quy định của Luật Khám chữa bệnh.
Đây là quy định có tính đột phá so với các quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế hiện hành, tạo tiền đề quan trọng cho việc phát triển khám chữa bệnh y học gia đình.
Xe cấp cứu 115 Hà Nội hoạt động tại các bệnh viện |
Đối với dịch vụ cấp cứu ngoại viện, bao gồm chăm sóc cấp cứu y tế ngoại viện, các dịch vụ vận chuyển bằng xe cứu thương… hiện đang có sự tham gia của nhiều thành phần, bao gồm các trung tâm vận chuyển cấp cứu 115, tổ vận chuyển cấp cứu ngoại viện của các cơ sở y tế công lập và cơ sở vận chuyển cấp cứu ngoài công lập...
Việc phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện có vai trò quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong và giảm mức độ thương tật cho người bệnh, đặc biệt đối với các trường hợp nguy kịch. Từ đó, giảm gánh nặng bệnh tật và tài chính cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Phát triển hệ thống mạng lưới cấp cứu ngoại viện cũng giúp bệnh nhân được chăm sóc y tế kịp thời.
Dự thảo Luật giao UBND TP Hà Nội quy định về lộ trình phát triển và tổ chức, hoạt động của hệ thống cấp cứu ngoại viện trên địa bàn Thủ đô; mức giá dịch vụ cấp cứu ngoại viện; việc thanh toán dịch vụ y tế từ nguồn ngân sách địa phương, quỹ bảo hiểm y tế và nguồn thu từ người sử dụng dịch vụ cấp cứu ngoại viện.
Đây là quy định đặc thù cho Hà Nội vì pháp luật hiện hành chưa có quy định về giá dịch vụ dành riêng cho khám chữa bệnh y học gia đình và dùng quỹ bảo hiểm y tế để chi trả cho cấp cứu ngoại viện. Việc sử dụng chi phí của quỹ bảo hiểm y tế vẫn bảo đảm nguyên tắc có đóng, có hưởng của lĩnh vực bảo hiểm.
Có thể thấy, đây là giải pháp tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tại Thủ đô, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cùng với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 sẽ được trình Quốc hội thảo luận, xem xét và thông qua tại chương Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV là cơ hội để tạo ra định hướng, cơ sở pháp lý phát triển Thủ đô nói chung và tạo "bệ phóng" cho ngành y tế Thủ đô nói riêng.
(Còn nữa)