Kỳ 3: Cần chính sách đặc thù để "giữ chân" lực lượng bảo vệ rừng
Kỳ 2: Đồng cam cộng khổ, quyết giữ đại ngàn Tây Nguyên TTTĐ - Dù luôn phải đối mặt với hiểm nguy nơi “rừng thiêng, nước độc” nhưng những con người ấy vẫn luôn sắt son một ... |
Kon Tum gian nan "cuộc chiến" giữ rừng TTTĐ - Thường xuyên đối mặt hiểm nguy, gian truân tận nơi “rừng thiêng, nước độc”, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng (LLCTVBR) tại ... |
Tuyến bài cho thấy, còn nhiều bất cập trong quản lý, bảo vệ và chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tại tỉnh Kon Tum. Do đó, cần có một cơ chế, chính sách đặc thù nhằm “giữ chân” lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng (LLCTBVR).
Nhiều nhân viên LLCTBVR xin nghỉ việc do đồng lương không đủ trang trải cuộc sống |
LLCTBVR ồ ạt xin nghỉ việc
Theo số liệu báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 8 ban quản lý, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và 7 Công ty Lâm nghiệp với hơn 818 công chức, viên chức, người lao động. Trong đó, các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng là 433 người; Các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp là 385 người.
Từ tháng 1/2020 - 7/2022, trên địa bàn toàn tỉnh Kon Tum có khoảng 181 người là LLCTBVR tại các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng (106 người); Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp (75 người) xin nghỉ việc, thôi việc, chuyển công tác. Bên cạnh đó, ngành Kiểm lâm cũng có 23 người xin nghỉ việc.
Công việc quản lý bảo vệ rừng gian nan vất vả, thường xuyên, liên tục, không kể ngày đêm |
Lý giải về tình trạng LLCTBVR ồ ạt xin nghỉ việc, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết, đối với LLCTBVR thôi việc, bỏ việc, chuyển công tác hầu hết là do lương thấp, các chế độ, chính sách chưa tương xứng với công sức bỏ ra, khối lượng công việc chuyên môn nhiều, áp lực cao, trách nhiệm lớn, điều kiện làm việc chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Ngoài ra, do thời gian thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng tại đơn vị vượt quá thời gian làm việc theo quy định của Nhà nước nhưng không có nguồn tài chính để hỗ trợ thêm cho LLCTBVR yên tâm công tác.
Bên cạnh đó, các chế độ, chính sách đối với LLCTBVR còn hạn chế, bất cập. Ngoài hưởng lương theo quy định thì LLCTBVR không có các phụ cấp liên quan khác. Trong khi đó, quản lý bảo vệ rừng là công việc gian nan vất vả, thường xuyên, liên tục, không kể ngày đêm (kể cả ngày thứ bảy, Chủ nhật và các ngày lễ lớn). Đa số LLCTBVR của đơn vị phải bám rừng 24/24 giờ trong những mùa cao điểm để thực hiện nhiệm vụ.
Lực lượng bảo vệ rừng thường xuyên, liên tục chịu tác động từ các điều kiện bên ngoài, nhiều yếu tố rủi ro |
Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, liều lĩnh, hoạt động cả ngày lẫn đêm nhưng quyền hạn của LLCTBVR bị hạn chế đã gây khó khăn và áp lực trong khi thi hành nhiệm vụ.
Hiện nay, nguồn lực đầu tư của tỉnh còn hạn chế nên chưa thể trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị cần thiết để phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng.
Ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray chia sẻ với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô: “Do tiền lương quá thấp, trong khi đó các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với LLCTBVR hoàn toàn không có nên thời gian qua đơn vị đã có 28 nhân viên lực lượng bảo vệ rừng xin nghỉ việc”. |
Cần cơ chế tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị chủ rừng
Trước những bất cập đối với công tác phát triển rừng bền vững, ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô cho rằng: Việc chi trả tiền sử dụng nước để sản xuất điện từ rừng cung ứng cho các nhà máy thủy điện từ trước đến nay là quá thấp và rất bất cập.
Cụ thể, giá thành chi trả cho 1KW khi sử dụng nước là 36 đồng, trong khi giá điện bán ra bình quân là 2.000 đồng/KW (chỉ chiếm 1,8% giá thành tiền điện thương phẩm). Vì vậy, cần tăng tối thiểu là 100 đồng/KW.
Bên cạnh đó, hiện nay, người dân quản lý bảo vệ rừng đang được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng cao nhất ở vùng đầu nguồn là gần 1 triệu đồng/ha/năm là rất thấp so với cuộc sống khó khăn, thiếu thốn ở vùng sâu, vùng xa.
Đời sống của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn |
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã có kiến nghị tới Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ kinh phí cho các công ty lâm nghiệp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng tự nhiên phải “đóng cửa rừng” theo Quyết định 2242, ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã hết hiệu lực thi hành từ năm 2020.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy định mới để hỗ trợ công ty lâm nghiệp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng giai đoạn từ năm 2021 trở về sau. Chính vì vậy, các đơn vị này hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong tổ chức lực lượng quản lý bảo vệ rừng.
Theo Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Phạm Đình Thanh, đối với chế độ, chính sách của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng theo 5 nhóm Nhiệm vụ được giao tại Nghị định 01, ngày 1/1/2019 của Chính phủ, thì lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng phải tiến hành công việc đầu tiên, trực tiếp, khó khăn nhất của công tác bảo vệ rừng.
Bên cạnh đó, lực lượng này thường xuyên, liên tục chịu tác động các điều kiện bên ngoài chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro nhưng lại không được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức của ngành Kiểm lâm, nên đời sống của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng viên chức, người lao động chuyên trách bảo vệ rừng xin nghỉ việc xảy ra tương đối nhiều tại các tỉnh Tây Nguyên và đây là vấn đề đáng báo động.
Theo đó, Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Phạm Đình Thanh đã kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đề nghị sớm xem xét ban hành quy định về việc hỗ trợ kinh phí cho các công ty lâm nghiệp để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ diện tích rừng tự nhiên phải “đóng cửa rừng” tính từ thời điểm các chính sách hỗ trợ theo Quyết định 2242 của Thủ tướng Chính phủ hết hiệu lực thi hành vào năm 2020. Đồng thời, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan bổ sung quy định viên chức, người lao động chuyên trách bảo vệ rừng được hưởng các chế độ phụ cấp, ưu đãi nghề đối với công chức, viên chức ngành Kiểm lâm và phụ cấp theo quy định về danh mục nghề công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. |