Kỳ 2: Đồng cam cộng khổ, quyết giữ đại ngàn Tây Nguyên
Kon Tum gian nan "cuộc chiến" giữ rừng TTTĐ - Thường xuyên đối mặt hiểm nguy, gian truân tận nơi “rừng thiêng, nước độc”, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng (LLCTVBR) tại ... |
“Áp lực công việc, khó khăn chồng chất khó khăn, hiểm nguy luôn rình rập nhưng với mức lương nhận được như hiện nay nhiều khi chúng tôi thấy tủi thân. Cũng có lúc, tôi muốn nghỉ để kiếm một công việc khác, mong cuộc sống gia đình đỡ chật vật hơn…”, thành viên lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng (LLCTVBR) tại Kon Tum trầm ngâm nói.
Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng chuẩn bị đồ đạc cho chuyến tuần tra, bảo vệ rừng tại xã Đăk Ang |
Thường xuyên đối mặt khó khăn và hiểm nguy
Tiếp chúng tôi tại chốt quản lý bảo vệ rừng cộng đồng thôn Đăk Sút, xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) là anh Cao Xuân Hoan. Chốt này rộng chừng 16m2, một chiếc giường 2 người ngủ, xung quanh được che chắn sơ sài bằng mấy chiếc bạt cũ kĩ đã phai màu.
Anh Cao Xuân Hoan - Đội trưởng Đội quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Đăk Ang (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi) cho biết, Đội quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Đăk Ang tiền thân là Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Ang. Khi ban giải thể và sáp nhập vào Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi, đơn vị được giao lại cho đội quản lý, bảo vệ gần 8.000ha rừng tự nhiên.
Tuy nhiên, LLCTBVR hiện chỉ có 12 người nên rất khó khăn trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng phá rừng, người dân lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. Với mức lương như hiện nay của LLCTBVR thì rất khó để họ có thể yên tâm bám trụ giữ rừng. Bởi, lực lượng này hầu hết phải thường xuyên đi tuần tra, bảo vệ rừng, luôn đối mặt với khó khăn và hiểm nguy.
Đơn cử, năm 2021, 3 nhân viên của đơn vị trong khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra rừng về thì bị các đối tượng xấu xúi giục, kích động người dân chặn đường, gây sự. Lúc đó, 3 nhân viên của đơn vị đã phải ở lại một đêm trong rừng sâu. Trong đêm đó, 3 chiếc xe máy của LLCTBVR bị kẻ gian đổ cát vào lốc máy, gây hư hỏng nặng.
“Hiện trụ sở đội đang làm việc và sinh hoạt là của UBND huyện Ngọc Hồi. Mới đây, chính quyền địa phương cũng đã có văn bản gửi đơn vị để lấy lại trụ sở. Không biết sắp tới, cuộc sống của 12 con người sẽ như thế nào nữa. Nếu tình thế cấp thiết, chúng tôi sẽ phải dựng chốt tạm ngoài cửa rừng để có chỗ làm việc và sinh hoạt”, anh Cao Xuân Hoan trăn trở.
Băng rừng, vượt suối quyết bảo vệ từng gốc cây, ngọn cỏ |
Kế hoạch tuần tra, bảo vệ rừng lần này trên một địa bàn rộng lớn và hiểm trở, có thể phải ngủ lại nhiều đêm trong rừng sâu. Tất cả tổ công tác đang rất khẩn trương. Chẳng ai bảo ai, người chuẩn bị xoong nồi, người tranh thủ hái ít rau trồng được, thêm mớ cá khô, mắm muối.
Chở tôi trên chiếc xe máy đã cũ, anh Nguyễn Hữu Thế - nhân viên chuyên trách bảo vệ rừng Đăk Ang cho biết: "Vì yêu nghề nên chúng tôi mới bám rừng, chứ với mức lương như hiện nay thì không đủ đổ xăng, ăn uống chứ đừng nói đến lo cuộc sống cho vợ con tươm tất. Đến chiếc xe máy hằng ngày đi tuần tra, bảo vệ rừng, chúng tôi cũng phải đi vay mượn người thân, bạn bè để mua”.
Đồng cam cộng khổ giữ từng gốc cây rừng
Đeo chiếc balo đã ngả màu bạc trắng, anh Thảo (31 tuổi) - nhân viên chuyên trách bảo vệ rừng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi dừng chân bên một gốc cây to, tranh thủ dựa lưng ngồi nghỉ sau nhiều giờ leo rừng.
Anh Thảo bộc bạch: “Năm 2014 ra trường, mình xin vào công tác trong ngành lâm nghiệp với đồng lương ít ỏi, không đủ để trang trải cho cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, vì yêu màu xanh núi rừng, anh em đồng nghiệp phải vượt qua khó khăn, đồng cam cộng khổ giữ từng gốc cây”.
Khó khăn lớn nhất của Thảo và LLCTBVR là địa bàn rộng, trải dài trên 3 huyện: Ngọc Hồi, Đăk Glei, Tu Mơ Rông với địa hình rất hiểm trở. Chính vì vậy, những cánh rừng già luôn là tầm ngắm của “lâm tặc”.
Là LLCTBVR nhưng không được trang bị các công cụ hỗ trợ như: dùi cui điện, súng bắn đạn cao su… Điều này khiến lực lượng gặp rất nhiều khó khăn khi phải đối mặt với các nhóm “lâm tặc” hung hãn, tinh vi.
Mặc dù đã 60 tuổi nhưng ông Phan Văn Thừa, kiểm soát viên Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi vẫn tham gia tuần tra bảo vệ rừng |
Anh Thảo cho biết thêm, mùa này, người dân bản địa bắt đầu bước vào trồng trọt, rất dễ xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi đã phải cử người có uy tín, kinh nghiệm là bác Phan Văn Thừa đã 60 tuổi xuống các bản để tuyên truyền, vận động bà con bản địa không xâm phạm đến đất rừng tự nhiên.
Bác Thừa đi chậm từng bước do đã nhiều tuổi, nhiều lúc, anh em trong đoàn phải dìu qua những con dốc thẳng đứng, những hòn đá to cả chục người ôm. Trên đường đi, bác khoe với chúng tôi hai năm nữa được nghỉ hưu, an hưởng tuổi già bên con cháu.
Giây phút thảnh thơi của nhân viên chuyên trách bảo vệ rừng |
Lý giải về những khó khăn mà các đơn vị chủ rừng hiện nay đang gặp phải, ông Trần Ngọc Thanh Vũ, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi, cho biết: Hiện nay cơ chế, chính sách chưa thực sự đồng bộ, đầy đủ, có lúc có nơi chưa sát thực tiễn để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị chủ rừng.
Bên cạnh đó, các công ty lâm nghiệp quản lý rừng và đất rừng với diện tích lớn nhưng không đủ kinh phí và lực lượng để tổ chức quản lý, bảo vệ; Cũng như không đủ sức để trấn áp, cưỡng chế các đối tượng vi phạm.
Ngoài ra, chính sách quản lý bảo vệ rừng theo Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững (giai đoạn 2021 - 2025) chưa được giải ngân kịp thời, nên đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động thường xuyên của công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và quản lý đất lâm nghiệp của đơn vị.
Theo ông Trần Ngọc Thanh Vũ - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi, hiện vẫn chưa có chế độ đối đãi ngộ tương xứng đối với lực lượng làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng như: Phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thâm niên, phụ cấp khu vực biên giới, vùng đặc biệt khó khăn và hỗ trợ chính sách đối với quản lý rừng phòng hộ trong các đơn vị chủ rừng là công ty lâm nghiệp. Thực tế hiện nay, các khoản phụ cấp ngoài lương nói trên chưa được áp dụng cho lực lượng trực tiếp bảo vệ rừng trong các công ty lâm nghiệp. Do đó, các cấp thẩm quyền cần xem xét có cơ chế đặc thù về tuổi nghỉ hưu cho công chức kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. |
(Còn nữa)