Kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn: Yếu tố quyết định đến sự sinh tồn
Từ vụ cháy nhà ống tại số nhà 311 phố Tôn Đức Thắng (phường Hàng Bột, quận Đống Đa, TP Hà Nội) làm 4 người chết xảy ra sáng 4/4, hay vụ cháy xảy ra vào rạng sáng 30/3 tại căn nhà cấp 4 ở phường Cát Lái (TP Thủ Đức, TP HCM) không quá lớn nhưng hậu quả khiến 6 người trong một gia đình thiệt mạng, xa hơn nữa là vụ hỏa hoạn do hóa vàng ngày 23 tháng Chạp (ông Công ông Táo) tức ngày 4/2 ở Hà Nội khiến 4 người tử vong và nhiều vụ việc đau lòng khác cho thấy hậu quả của các vụ hỏa hoạn để lại rất thảm khốc.
Vụ hỏa hoạn do hóa vàng ngày 23 tháng Chạp (ông Công ông Táo) tức ngày 4/2 ở Hà Nội khiến 4 người tử vong |
Khi xảy ra hỏa hoạn, chúng ta thường có rất ít thời gian để phản ứng, chính vì vậy, nắm được các kỹ năng thoát hiểm là yếu tố quyết định đến sự sinh tồn của bạn và người thân.
Kỹ năng thoát hiểm tại nhà riêng ở khu vực đông dân cư
Từ vụ cháy nhà ống tại số nhà 311 phố Tôn Đức Thắng (phường Hàng Bột, quận Đống Đa, TP Hà Nội) làm 4 người chết xảy ra sáng 4/4, Thượng tá Trương Đức Dũng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) khuyến cáo, việc nắm được các kỹ năng thoát hiểm là yếu tố quyết định đến mạng sống của bản thân và gia đình khi xảy ra cháy.
Đối với khu vực đông dân cư thuộc các thành phố lớn, nhà thường được xây theo hình ống, không có cửa hậu, cửa thoát hiểm, các hướng có thể thoát hiểm thường được gia cố để chống trộm… Vì vậy, mỗi gia đình cần nêu cao ý thức cảnh giác đối với cháy, đồng thời phải dự kiến trước tình huống cháy, nổ xảy ra để kịp thời ứng phó, thoát hiểm, dự kiến lối thoát hiểm khi cần thiết.
Hiện trường vụ hỏa hoạn tại số nhà 311 phố Tôn Đức Thắng (phường Hàng Bột, quận Đống Đa, TP Hà Nội) làm 4 người chết xảy ra sáng 4/4 |
“Chủ nhân của những ngôi nhà này cần mua sắm các thiết bị chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy các loại để có thể dập tắt đám cháy mới phát sinh; Tạo thói quen để chìa khóa cửa chính ngăn nắp theo quy ước để có thể nhanh chóng mở cửa thoát ra ngoài”, Thượng tá Trương Đức Dũng nói.
Ngoài ra, khi phát hiện đám cháy trong nhà, người phát hiện đầu tiên phải hô to để mọi người trong nhà biết, nhanh chóng phán đoán đám cháy, sử dụng phương tiện chữa cháy, nước có sẵn trong nhà để dập lửa.
Nếu nhận thấy khó có khả năng dập được lửa, người dân không nên cố gắng tìm mọi cách để dập lửa mà phải tính đến cách thoát thân. Nếu đám cháy bùng phát lớn, không thể thoát ra ngoài bằng cửa trước, người dân cần nhanh chóng lấy chăn nhúng nước khoác lên người, dùng khăn hoặc áo nhúng nước che mũi, miệng di chuyển đến nơi ít khói, tránh xa nguồn cháy càng xa càng tốt, tìm cách thoát hiểm nhanh chóng ở cửa sau hoặc nóc nhà…
Kỹ năng thoát hiểm khi hỏa hoạn xảy ra ở tòa nhà cao tầng, chung cư
Có thể thấy rằng, thời gian qua, công tác phòng cháy chữa cháy ở các chung cư và nhà cao tầng trên địa bàn thành phố mặc dù đang rất được quan tâm, nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều nhiều bất cập. Vì vậy, mỗi cá nhân nên trang bị đầy đủ kiến thức về an toàn phòng cháy chữa cháy để tự cứu mình cũng như những người xung quanh nếu không may xảy ra hỏa hoạn.
Theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội), khi phát hiện có cháy, việc đầu tiên bạn phải bình tĩnh để xử lý và nhanh chóng tìm giải pháp “dập lửa, thoát hiểm” bằng bình bột, bình khí CO2, cát, chăn, nước... để dập tắt đám cháy. Trong trường hợp đám cháy quá lớn không thể dập tắt, phải nhanh chóng nghĩ đến phương án thoát hiểm.
Hiện trường vụ hỏa hoạn tại số nhà 311 phố Tôn Đức Thắng (phường Hàng Bột, quận Đống Đa, TP Hà Nội) |
Đồng thời, trong các vụ hỏa hoạn, đa phần nạn nhân tử vong vì nghẹt thở do khói nhiều hơn là bỏng hay chết cháy. Do đó nguyên tắc đầu tiên là quan sát thật kỹ, tìm mọi cách di tản ra khỏi khu vực nhiễm khói càng nhanh càng tốt và tri hô để mọi người ứng cứu.
Đại tá Nguyễn Trường Sơn cũng gợi ý sử dụng một thiết bị rất đơn giản trong gia đình có thể giúp chống khói hiệu quả: "Qua một số vụ cháy liên quan đến nhà cao tầng, xin khuyên các bạn có thể sử dụng băng dính dán hàng để ở nơi dễ thấy, dễ lấy như một phương tiện phòng cháy chữa cháy. Khi có cháy, có thể dùng băng dính chống khói bằng cách bịt các khe hở ở cửa chính. Với lượng ôxi còn lại ở trong phòng có thể sử dụng trên dưới 1 tiếng trong lúc chờ lực lượng chức năng đến ứng cứu".
Cũng theo lời khuyên của các chiến sỹ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, trong cơn hỏa hoạn, tuyệt đối không sử dụng thang máy làm lối thoát nạn. Vì khi xảy ra hỏa hoạn có thể nguồn điện bị ngắt, bạn sẽ bạn kẹt trong đó. Lưu ý hãy sử dụng cầu thang bộ hay theo lối đèn có chữ “EXIT” – lối ra để thoát nạn.
Đồng thời trên đường đi, hãy báo cho hàng xóm hoặc những người khác ở các phòng lân cận biết đang có cháy xảy ra và nhanh chóng báo cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy theo số 114.
Tập huấn kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn ở các khu chung cư |
Đưa ra những lời khuyên với cư dân khi có cháy tại chung cư và nhà cao tầng, Thượng tá Trịnh Hữu Thực, Phó trưởng Công an Quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, trong trường hợp nếu không may xảy ra cháy tại các nhà cao tầng, chúng ta nên thật bình tĩnh xử trí theo các bước như sau: "Bạn nên nhanh chóng thoát ra chỗ thoáng như ban công, sân thượng; Dùng các thiết bị chuyên dụng để thoát hiểm; Tuyệt đối không nhảy từ cửa sổ, ban công trên cao xuống. Trường hợp không thể thoát xuống tầng dưới nên thắt quần áo, chăn màn lại thành những dây dài để thoát thân qua cửa sổ. Trong trường hợp không thể thoát ra ngoài, đứng ở ban công dùng mũ, quần áo, còi, hô hoán... để vẫy, báo động cho lực lượng cứu hộ".
Những vụ hỏa hoạn đặc biệt là ở chung cư, nhà cao tầng thường để lại những hậu quả lớn về người và tài sản. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu được trang bị đầy đủ các kỹ năng phòng cháy chữa cháy và thoát hiểm, thoát nạn.
Do đó người dân sống tại các chung cư cao tầng cần phải nâng cao hơn nữa trong việc trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy tại nhà và quan trọng hơn là trang bị những kỹ năng thoát hiểm khi chẳng may bị "bà hỏa" ghé thăm.