Kỷ niệm 60 năm “Thảm họa da cam”: Đau đớn không nguôi!
Chủ tịch nước gửi thư thăm hỏi các nạn nhân da cam/dioxin Triển lãm "Thảm họa da cam/dioxin - 60 năm nhìn lại" |
Nỗi đau dai dẳng 6 thập kỷ
Trong chiến tranh ở Việt Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 15 triệu tấn bom đạn và khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong số đó là chất độc da cam/dioxin, là chất độc nhất trong các chất độc mà loài người biết đến.
Việt Nam có trên 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam |
Sau chiến tranh, ước tính số bom, mìn, vật nổ còn sót lại khoảng 800.000 tấn, làm ô nhiễm khoảng 6,13 triệu héc-ta đất và có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó trên 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC).
Thượng tướng, PGS, TS Hoàng Xuân Chiến (Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) cho hay: “Đa phần NNCĐDC là những quân nhân trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các chiến trường ở miền Nam, những người đã từng hy sinh xương máu, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sau khi trở về địa phương, sức khỏe của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do chất độc dacam/dioxin gây ra.
Hiện nay, vẫn còn hàng trăm nghìn nạn nhân đang từng ngày, từng giờ quằn quại, vật vã, đau đớn vì những căn bệnh quái ác liên quan đến chất độc da cam/dioxin. Đáng quan tâm là, chất độc da cam/dioxin di truyền qua nhiều thế hệ, làm cho hàng vạn trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc duy trì, phát triển giống nòi”.
Thượng tướng, PGS, TS Hoàng Xuân Chiến (Thứ trưởng BQP) thăm và tặng quà Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam |
“Thảm họa chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh ở Việt Nam còn hết sức nặng nề, lâu dài”, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến viết. Vì vậy, thời gian tới, các đơn vị quân đội cần tiếp tục tuyên truyền và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh; Tích cực phối hợp với Hội NNCĐDC/dioxin tại các địa phương nơi đóng quân “chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” bằng hành động và việc làm thiết thực, hiệu quả, góp phần hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân vơi bớt khó khăn, vất vả, từng bước hòa nhập cộng đồng.
Nâng đỡ những số phận bi thương
Hội nạn nhân chất động da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) là tổ chức gắn kết, giúp đỡ những số phận đau thương bị ảnh hưởng bởi hậu quả cuộc chiến hóa học mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam. Chủ tịch hội hiện nay là Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Thứ trưởng Bộ quốc phòng.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam trao Kỷ niệm chương tặng Đại tướng Ngô Xuân Lịch |
Thượng tướng Rinh cho hay: “Thời gian qua, các cấp Hội trong cả nước đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam, hưởng ứng Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam (10/8). Công tác vận động nguồn lực mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng 6 tháng đầu năm toàn Hội đã vận động được hon 220 tỷ đồng (gồm tiền mặt và vật chất quy thành tiền), để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân”.
“Trong dịp kỷ niệm 60 năm thảm hoạ da cam ở Việt Nam, Hội rất phấn khởi được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi thư động viên, chia sẻ đối với nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong cả nước. Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, đây là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với nạn nhân và tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin”, Thượng tướng Rinh nói.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Trung ương Hội nạn nhân chất động da cam/dioxin Việt Nam đã có công văn chỉ đạo các tỉnh, thành Hội: Bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, tổ chức các hoạt động kỷ niệm cho phù hợp điều kiện thực tế ở địa phương. Các cấp hội phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về thảm hoạ da cam; Công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hoá học; sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và Nhân dân địa phương trong việc chăm sóc giúp đỡ nạn nhân và xây dựng tổ chức hội các cấp.
Đối với các địa phương chưa bị ảnh hưởng nhiều của dịch Covid-19 thì các tỉnh, thành Hội chủ động thực hiện kế hoạch kỷ niệm 60 năm bảo đảm an toàn, tiết kiệm, hiệu quả; Chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Đối với các địa phương do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chưa tổ chức được hoạt động kỷ niệm 60 năm thảm hoạ da cam đã được cấp ủy, chính quyền phê duyệt thì ngay sau khi khống chế được dịch bệnh, khẩn trương tổ chức hoạt động, trong đó chú trọng thăm hỏi, tặng quà cho nạn nhân; Khánh thành, bàn giao nhà tình nghĩa (nếu có) và các hoạt động tri ân khác phù hợp thực tế địa phương.
Đại diện hội VAVA tặng quà cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Sóc Trăng (Ảnh tư liệu) |
Trung ương Hội thường xuyên theo dõi, nắm tình hình ở các tỉnh, thành hội và có các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức hội các cấp và hội viên chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và tích cực tham gia tiêm phòng Covid; Nắm chắc hoàn cảnh của nạn nhân và gia đình nạn nhân, nhất là những hoàn cảnh khó khăn để báo cáo cấp ủy, chính quyền, phối hợp với MTTQ, các đoàn thể chăm sóc, giúp đỡ kịp thời, với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nhấn mạnh: “Nhiệm vụ trước mắt của Hội nạn nhân chất động da cam/dioxin Việt Nam là chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức vững mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, xứng đáng chỗ dựa vững chắc, mái ấm nghĩa tình của nạn nhân chất độc da cam”.