Kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển Hội nhà văn Việt Nam
60 năm cũng là quá trình hội Nhà văn Việt Nam tập hợp được đông đảo các nhà văn có khát vọng, có tài năng, tâm huyết cùng sánh bước dưới mái nhà chung ấm áp của mình. Nhiều lớp nhà văn mới đã xuất hiện, đem tài năng và tâm sức của mình sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị.
Từ chỗ chỉ mới có vài chục hội viên sáng lập đến nay Hội đã có hơn một ngàn hội viên, có mặt khắp các vùng miền, có đại diện của mọi tầng lớp xã hội, mọi dân tộc tôn giáo... Với đội ngũ này làm nòng cốt, Hội Nhà văn lan tỏa những ảnh hưởng của mình tới toàn xã hội để mọi người yêu văn chương đều được khuyến khích, định hướng sáng tạo, để quần chúng bạn đọc được hưởng thụ một nền văn học lành mạnh, trong trẻo, giàu tính nhân văn nhưng luôn dồi dào sức chiến đấu, luôn sát cánh cùng nhân dân chống lại mọi cái xấu, cái ác, cái phi nhân tính để cùng nhau xây dựng một xã hội Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập hội Nhà văn Việt Nam (1957-2017), Ban chấp hành hội Nhà văn Việt Nam (Khóa IX) đã quyết định truy tặng Giải thưởng hội Nhà văn Việt Nam (đợt I) cho một số tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận phê bình và dịch giả văn học đã qua đời. Đây là những tác giả, dịch giả, nhà nghiên cứu văn học đã có những tác phẩm, những công trình nghiên cứu và dịch thuật văn học có giá trị, để lại những dấu ấn trong tiến trình phát triển của văn học Việt Nam 60 năm qua. Lễ xướng danh, tôn vinh tác phẩm của các tác giả, dịch giả này được tổ chức trọng thể tại buổi Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Nội vào ngày 4/4/2017.
Nhận xét về sự phát triển của nền văn học đương đại Việt Nam 60 năm qua, nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định: "Đó là một nền văn học rất thời sự, luôn gắn bó với những sự kiện trọng đại của đất nước và cũng rất đời thường. Đó là một nền văn học rất truyền thống, nhưng lại cũng rất hiện đại, rất Việt Nam, nhưng lại nhịp bước cùng nhân loại".
Trong 60 năm qua, các nhà văn Việt Nam luôn là người đồng hành chung thủy cùng dân tộc, qua hai cuộc kháng chiến sang thời kỳ đổi mới… Ở thời kỳ nào, nhà văn cũng là những người luôn hết mình với sự nghiệp Cách mạng, thực sự giữ vai trò là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận Văn hóa tư tưởng, tiếp năng lượng cho nhân dân và cho những người lính ngoài mặt trận. Trong sự nghiệp ấy, các nhà văn đã xông pha vào những nơi gian khổ, ác liệt nhất của cuộc chiến cũng như của đời sống, nhiều người đã ngã xuống như một anh hùng. Sự hy sinh to lớn ấy đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi, thành quả Cách mạng của nhân dân và đó cũng là lý tưởng xã hội của nhà văn.