Ký ức những ngày không quên ở nơi từng là “tâm dịch” COVID-19
Sẵn sàng vào tâm dịch khi Tổ quốc kêu gọi
Đã hơn nửa năm trôi qua, chuyến công tác xa nhà lâu nhất ở nơi tâm dịch vẫn là những ký ức khó quên đối với bác sĩ Nguyễn Công Bình, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, trưởng đơn vị Điều trị bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện Nội tiết Trung Ương.
Thời điểm đó đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 thứ tư với biến thể Delta lây lan nhanh trên diện rộng; TPHCM trở thành tâm dịch cam go và ác liệt nhất, cả đất nước bước vào thời kỳ “chống dịch như chống giặc” để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của Nhân dân.
Đoàn bác sĩ tình nguyện của Bệnh viện Nội tiết Trung ương cấp cứu bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến TP Thủ Đức |
Hưởng ứng lời kêu gọi trong Thư ngỏ của PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP HCM chống dịch, ngày 26/7, 33 bác sĩ, điều dưỡng của các Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã tình nguyện lên đường vào TP HCM tiếp sức chống dịch, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến TP Thủ Đức…
Chia sẻ về lí do tình nguyện đăng kí vào TP HCM chi viện chống dịch, bác sĩ Bình chia sẻ: “Là một thầy thuốc trẻ được đào tạo đúng chuyên ngành hồi sức cấp cứu nên ngay khi được tin bệnh viện cử đoàn nhân viên y tế chi viện cho TP HCM, tôi đã xung phong lên đường vào tâm dịch với suy nghĩ duy nhất là đồng bào đất nước đang cần mình, người bệnh đang cần mình chăm sóc giúp đỡ.
Chính phủ kêu gọi “chống dịch như chống giặc”, nhớ lại truyền thống gia đình, bố tôi cũng là người chiến sĩ giải phóng miền Nam, tôi càng vững tin lên đường.
Sự đồng lòng của các anh chị em đồng nghiệp tại BV cũng như sự tin tưởng của TS.BS Phan Hoàng Hiệp, Giám đốc bệnh viện Nội tiết Trung Ương trước giờ “xuất quân” cũng đã tiếp thêm sức mạnh cho cả đoàn quyết tâm góp một chút công sức nhỏ bé để cùng đất nước sớm đẩy lùi được dịch bệnh”.
Các y bác sĩ trong giây phút “xuất quân” chẳng nề hà khó khăn, hiểm nguy, thậm chí chấp nhận rủi ro và nguy cơ lây nhiễm cao chỉ bởi sự thúc giục của con tim không cho phép họ “ích kỷ”. Mệnh lệnh của trái tim ngay lúc này là “tối thượng”. Có sự hi sinh nào cao quý hơn thế khi tất cả chỉ vì mục đích cứu người, bởi biết bao người bệnh đang cần, rất cần họ...
Ngày trở về mang nhiều niềm ước vọng
Đã chuẩn bị trước tinh thần vào nơi tâm dịch sẽ đối mặt với cuộc chiến vô cùng khốc liệt vì chủng virus Delta biến thể rất khủng khiếp, nhưng khi bước chân vào Bệnh viện Dã chiến TP Thủ Đức, cả đoàn y, bác sĩ vẫn bị choáng ngợp.
Số lượng bệnh nhân nặng quá lớn mỗi ngày hàng nghìn ca với mức độ khốc liệt gấp nhiều lần so với tưởng tượng trước đó.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Bằng khen tặng các cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch cho bác sĩ Nguyễn Công Bình, Phó trưởng khoa Cấp cứu, trưởng đơn vị Điều trị bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện Nội tiết Trung Ương |
“Sau ca trực kéo dài gần chục tiếng đồng hồ, rời khỏi bộ đồ bảo hộ là những bộ đồng phục nhân viên y tế ướt đẫm mồ hôi. Chúng tôi cùng đồng đội vừa nhìn lại những phòng bệnh vừa động viên nhau: Hãy cố lên vì người bệnh.
Trong giây phút nguy kịch, nhiều người bệnh vẫn đau đáu tin tức về người thân. Một bệnh nhân nam 60 tuổi vào viện hơn 10 ngày đã nhờ tôi gọi điện hộ để hỏi thăm về tình hình người vợ. Thật đau xót khi gọi điện về địa phương tôi mới biết vợ chú cũng đã mất được hai ngày.
Nếu biết tin vợ mất chắc hẳn chú sẽ suy sụp tinh thần và không đủ sức để chống chọi với dịch bệnh nên đành phải nói dối là cô vẫn khoẻ cho bệnh nhân yên lòng. Nghe tin xong, chú phấn khởi hẳn và mong mỏi sẽ sớm hồi phục để về với vợ vì hai vợ chồng không có con cái, tuổi già chỉ biết nương tựa vào nhau.
Thế nhưng điều đáng buồn hơn là một tuần sau, chú ấy cũng không qua khỏi mang theo nỗi day dứt đến khôn nguôi của mình. Đến bây giờ, những câu chuyện buồn về cái chết của bệnh nhân vẫn khiến tôi ám ảnh và luôn tự trách mình. Chúng tôi hiểu rằng tính mạng con người còn là vận mệnh. Đôi khi, nằm ngoài khả năng của người thầy thuốc dù có nỗ lực đến tận cùng”, bác sỹ Bình chia sẻ.
Khác với tinh thần hừng hực khí thế của tuổi trẻ lúc lên đường; ngày trở về Thủ đô trong đôi mắt mỗi người trong đoàn đều chất chứa thật nhiều niềm vui khi đã hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt, bảo toàn lực lượng đan xen đó là những nỗi buồn.
Trong suốt hơn hai tháng khốc liệt nhất, chưa từng có trong lịch sử của thành phố vốn sôi động đầy sức sống nhất cả nước này, các y bác sĩ còn ẩn chứa vô vàn mảnh ký ức day dứt nhưng họ vẫn vững niềm tin, vết thương đã qua, TP HCM đã kiểm soát dịch bệnh quay lại cuộc sống bình thường, phục hồi khởi sắc từng ngày.