Làm gì để ngăn chặn việc đánh bắt hải sản theo kiểu tận diệt?
Hội thảo xây dựng phương án quản lý rác thải nhựa bảo vệ môi trường sống của thủy, hải sản Đà Nẵng: Xử phạt hàng loạt nhà hàng lưu giữ trái phép hải sản quý hiếm |
Lực lượng chức năng bắt giữ tàu dã cào tận diệt hải sản trên vùng biển Hà Tĩnh |
Nguy cơ cạn kiệt hải sản ven bờ
Với chiều dài bờ biển khoảng 3.260 km, tổng các ngư trường rộng hơn một triệu km², ngành khai thác hải sản được xác định là một trong năm ngành kinh tế mũi nhọn trong Chiến lược biển Việt Nam, góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người, tạo nguồn lực để phát triển kinh tế đất nước và bảo vệ an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, nạn khai thác tận diệt, vượt quá khả năng tái tạo của tự nhiên những năm gần đây đã khiến nguồn hải sản ven bờ bị vơi cạn, tác động tiêu cực đến chính đời sống người dân.
Theo các nhà Hải dương học, việc đánh bắt thủy sản theo kiểu tận diệt là “hung thủ” chính trực tiếp hủy diệt tài nguyên sinh thái biển, ngay cả các vi sinh đang sinh sản cũng rất khó tồn tại. Đó là chưa kể nhiều khi chính những người sử dụng chất nổ, xung điện đã trở thành nạn nhân trực tiếp của những việc khai thác trái phép. Trên thực tế, ở các địa phương ven biển nước ta đã có hàng trăm người chết và bị thương do sử dụng chất nổ, xung điện để đánh bắt thủy sản.
Từ các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh đến Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên, nơi đâu cũng phát hiện những vụ việc vi phạm về đánh bắt hải sản, sử dụng ngư cụ cấm, đánh bắt sai vùng biển.
Tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong năm 2018 Chi cục Thủy sản đã kết hợp kiểm tra, xử lý hàng trăm vụ vi phạm. Chủ yếu là các lỗi dùng xiệc điện, kích điện, lưới vây, lưới bát quái, giã cào… Đầu năm 2019, lực lượng này cũng phối hợp tuần tra trên biển, kiểm tra, xử lý hàng chục vụ vi phạm, trong đó nhiều ngư dân vi phạm nhiều lần, đến nỗi bị giữ hết giấy tờ.
Tại Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình… người dân cũng dùng giã cào, thậm chí kích điện để đánh bắt. Việc sử dụng kích điện còn tai hại hơn nhiều loại ngư cụ tận diệt khác, vì khiến cho mọi cá thể trong vùng nước đều bị tác động. Nhiều nơi, do sử dụng kích điện, khiến cho la liệt cá thể cá con như những đầu tăm ngửa bụng dạt vào bờ.
Nguyên nhân chính dẫn đến các vụ đánh bắt gây ảnh hưởng đến môi trường được ngư dân lý giải rằng điều kiện kinh tế khó khăn, không có đủ vốn để chuyển đổi nghề cũng như đầu tư phương tiện có công suất lớn để vươn khơi xa đánh bắt. Trong khi đó, việc sử dụng các hình thức như thuốc nổ, hoặc đánh bắt gần bờ khu vực ven biển đem lại nhiều lợi thế hơn đối với họ.
Thời gian gần đây, liên tiếp những vụ đánh bắt thủy hải sản bằng hình thức giã cào, sai vùng biển quy định bị BĐBP Hà Tĩnh phát hiện, bắt giữ. Điều này đã phần nào cho thấy sự phức tạp của hoạt động tàu giã cào khai thác trái tuyến trên biển. Đáng nói ở đây là các cặp tàu đánh bắt trái phép này hầu hết đều đến từ các tỉnh, thành khác. Theo kinh nghiệm của ngư dân thì hàng năm, cứ vào dịp từ tháng 3 đến tháng 7, một lượng lớn hải sản vào khu vực gần bờ đẻ trứng. Nắm bắt được quy luật này, nên nhiều tàu giã cào bất chấp quy định đã vào gần bờ để đánh bắt, khai thác bằng hình thức tận diệt. Theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017, những tàu giã cào có công suất máy từ 250CV trở lên chỉ được khai thác ở vùng biển cách bờ 18 hải lý trở lên. Thế nhưng, gần đây, các đơn vị của BĐBP Hà Tĩnh liên tục phát hiện và bắt giữ nhiều tàu giã cào khai thác ở vùng biển cách bờ 5 - 6 hải lý, thậm chí, có những tàu giã cào còn ngang nhiên khai thác ở những vùng biển cách bờ chưa đầy 2 hải lý. Quá trình bắt giữ tàu giã cào, BĐBP Hà Tĩnh thường xuyên phải đối diện với vô vàn khó khăn và nguy hiểm.
Ngoài ra, mức độ hủy hoại môi trường biển do các tàu giã cào gây ra cho môi trường, hệ sinh thái biển được đánh giá là rất nghiêm trọng. Với mắt lưới cào nhỏ, dày, nên toàn bộ các loại hải sản từ tầng đáy đến tầng mặt, từ kích cỡ lớn đến các loài bé nhất cũng không thoát khỏi hệ thống lưới giã cào này. Điều này giải thích vì sao nguồn lợi hải sản gần bờ đang ngày càng cạn kiệt, nhiều loài đang dần bị hủy diệt. Hoạt động tàu giã cào không những làm hủy hoại hệ sinh thái biển, mà còn gây ra nhiều hệ lụy. Đặc biệt, gây ra nhiều vụ xung đột trên biển giữa những ngư dân đánh bắt bằng nghề truyền thống của địa phương. Thực tế, thời gian qua, tại các vùng biển từ huyện Nghi Xuân đến thị xã Kỳ Anh đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp ngư trường, thậm chí là xô xát, gây mất an ninh trật tự mà nguyên nhân là do nạn tàu giã cào hoành hành. Ông Trần Văn Ngư, ngư dân xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân tâm sự: “Thời gian gần đây, bà con rất lo lắng vì nhiều chuyến đi biển về thua lỗ. Với phương thức đánh bắt bằng nghề lưới cước, hầu hết ngư dân thường đi biển vào buổi chiều, sau khi đến điểm khai thác, ngư dân thả lưới và sáng hôm sau mới tiến hành kéo lưới. Thế nhưng, vì nạn giã cào hoành hành, nên nhiều thời điểm, chỉ sau một đêm, hàng ngàn mét lưới và ngư cụ của ngư dân ở đây bị cuốn mất”.
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thừa Thiên Huế bắt quả tang một tàu giã cào hành nghề tại vùng biển cấm khai thác theo quy định |
“Mạnh tay” kiểm tra, xử lý triệt để
Trước sự lộng hành của các đối tượng có hành vi tận diệt nguồn lợi thủy sản, vừa qua, nhiều địa phương đã “mạnh tay” trong việc xử lý, chẳng hạn, như tỉnh Quảng Ninh khẳng định sẽ kiên quyết xử lý tình trạng khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt.
Đối với những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, cơ quan Công an sẽ vào cuộc một cách rốt ráo. Trên thực tế, động thái này đã được đại đa số ngư dân đồng tình, ủng hộ, nhưng để có giải pháp ngăn chặn triệt để nghề khai thác hải sản bằng các hình thức tận diệt là rất khó khăn, vì đa số những người hành nghề đều thuộc diện nghèo.
Ngoài ra, không kể những trường hợp đã đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, phải bị xử lý hình sự, nhưng vụ việc còn lại, bắt phạt hay tịch thu ngư cụ thì dễ nếu phát hiện được, nhưng rồi cuộc sống của người vi phạm sẽ ra sao? Ngay cả trường hợp kiên quyết bắt, xử phạt cũng chẳng “ăn thua” vì với mức xử phạt còn thấp như hiện nay, người dân sẵn sàng nộp phạt rồi tiếp tục đánh bắt.
Trước tình hình phức tạp nêu trên, thiết nghĩ, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát và tuyên truyền, giáo dục, giúp đỡ ngư dân nghèo vốn liếng, tạo công ăn việc làm để giúp họ từ bỏ những phương tiện đánh bắt trái phép, việc quản lý chặt chẽ các nguồn cung cấp thuốc nổ, phương tiện xung điện, giã cào cùng các phương tiện đánh bắt thủy sản kiểu tận diệt khác và xử lý nghiêm minh những kẻ buôn bán trái phép phải được xem là biện pháp quyết định để chấm dứt việc đánh bắt thủy sản bằng các phương tiện hủy diệt. Ngoài ra, tăng mức xử phạt cũng là điều đáng quan tâm, vì theo những người làm công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, mức quy định xử phạt hiện nay là quá nhẹ, không đủ để răn đe những kẻ vi phạm.
Tài nguyên hải sản không phải là vô tận. Hậu quả của nạn khai thác tận diệt và sử dụng ngư cụ ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên đã rõ ràng. Bây giờ là lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn để cải thiện, giúp ngư dân thay đổi tư duy cùng bảo vệ tài nguyên và phát triển nghề cá bền vững, hướng tới những “ngư trường xanh”.
Thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể: Thực hiện nghiêm việc cấp giấy phép khai thác thủy sản và việc triển khai lắp đặt, vận hành và quản lý thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá theo quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ; triển khai việc đánh dấu tàu cá, đăng ký tàu cá, đăng kiểm tàu và kẻ số đăng ký tàu cá theo đúng quy định tại Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; thực hiện nghiêm công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản qua cảng, công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác thủy sản theo quy định tại Thông tư số 21/2019/TT-BNNPTNT; cập nhật 100% số liệu tàu cá đã được đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản vào hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia Vnfishbase để thống nhất vận hành, phục vụ đối chiếu, kiểm tra, quản lý.
Tất nhiên, để có những “ngư trường xanh”, nơi có nguồn lợi thủy sản dồi dào, phong phú, không có vi phạm về đánh bắt thủy sản, môi trưởng biển được bảo vệ… không thể thiếu sự phối hợp của các bộ, ngành khác, trong đó có Bộ Tài nguyên và Môi trường, tăng cường kiểm soát nguồn xả thải gây ô nhiễm, hoàn thiện các quy phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn, rác thải nhựa, nước thải công nghiệp và sinh hoạt. Chỉ khi nào nguồn nước biển được cải thiện, nạn khai thác tận diệt được kiểm soát, nguồn thủy sản có cơ hội sinh sôi, nảy nở và phát triển, thì khi ấy, nguồn cá tôm bà con khai thác được mới dồi dào.
* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |