Làm gì để thúc đẩy sử dụng dịch vụ công trực tuyến?
Tận tình hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến |
Vì sao người dân còn e ngại khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương, người dân, tổ chức và doanh nghiệp trong đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, các số lượng tài khoản đăng ký, số hồ sơ, lượt truy cập vào cổng dịch vụ công từ trung ương đến địa phương tăng lên đáng kể.
Theo Văn phòng Chính phủ, bắt đầu từ ngày 9/12/2019, từ 8 nhóm dịch vụ công trực tuyến ở thời điểm khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia, đến ngày 1/4/2020, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp để đưa 226 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Như vậy, sau gần 4 tháng triển khai và vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia, đã có trên 103 nghìn tài khoản đăng nhập; trên 4,3 triệu bộ hồ sơ đồng bộ trạng thái và trên 27,5 triệu người truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, người dân vẫn chưa “mặn mà” với dịch vụ công trực tuyến. Nguyên nhân chủ yếu là còn nhiều người dân và doanh nghiệp thừa nhận chưa biết và chưa thực sự quan tâm nhiều đến các dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan Nhà nước. Mặt khác, do thói quen dùng giấy tờ, trình độ và điều kiện sử dụng thiết bị công nghệ thông tin của người dân còn nhiều hạn chế (đặc biệt là khu vực nông thôn), tâm lý còn lo ngại về sự mất an toàn thông tin khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến...
Trong các cuộc khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng người sử dụng dịch vụ công, khi được hỏi về việc nộp hồ sơ trực tuyến còn ít, đa số tổ chức, công dân cho biết họ luôn có tâm lý e ngại, sợ thất lạc hồ sơ khi gửi qua mạng, không yên tâm như nộp trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.
Mặt khác, do dữ liệu thông tin liên quan đến thủ tục hành chính được cung cấp ở mức độ 3 và 4 trên website của một số địa phương, đơn vị còn thiếu, cập nhật chưa đầy đủ, khó tra cứu, khó sử dụng; hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ. Để sử dụng được dịch vụ này cần phải có một sự hiểu biết nhất định về công nghệ thông tin nên người dân cũng ít quan tâm thực hiện.
Chị Nguyễn Thu Thuỷ (trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ “Chị cũng có nghe nói về những lợi ích của dịch vụ công trực tuyến, chỉ cần ngồi nhà “click” chuột là có thể được giải quyết các hồ sơ thủ tục. Tuy nhiên, do không rành về thao tác thực hiện để đăng ký giải quyết thủ tục hồ sơ trên phần mềm; thêm vào đó e ngại hồ sơ bị thất lạc nên trước giờ cứ đến trực tiếp Ủy ban Nhân dân xã để làm”.
Đẩy mạnh tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Do đó, để thúc đẩy quá trình sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, việc phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả của người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến là rất quan trọng. Ngoài việc tăng cường tuyên truyền trên báo đài, các Bộ phận một cửa các cấp có thể thiết kế in các tài liệu hướng dẫn theo từng bước thực hiện dịch vụ dưới dạng tờ gấp để cung cấp cho người dân.
Ủy ban Nhân dân các cấp cần đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng; trình chiếu các đoạn video hướng dẫn sử dụng dịch vụ, phát tờ gấp giới thiệu dịch vụ cho người dân... Bên cạnh đó, cần chỉ đạo, quán triệt trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu thực hiện sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi quan hệ giải quyết thủ tục hành chính cũng như giới thiệu, hướng dẫn cho người thân cùng thực hiện; quan tâm đầu tư trang thiết bị cần thiết tại Bộ phận một cửa cấp huyện, xã để người dân, doanh nghiệp có thể thao tác, sử dụng việc nộp hồ sơ thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy việc cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các nền tảng dùng chung có vai trò đặc biệt quan trọng, cần phải ưu tiên phát triển. Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang phát triển các hệ thống nền tảng kỹ thuật cho Chính phủ điện tử Việt Nam, bao gồm: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; Hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia; Hệ thống hỗ trợ thanh toán trực tuyến toàn quốc; Nền tảng để người dân, doanh nghiệp có thể thông qua duy nhất một ứng dụng trên thiết bị di động truy cập được mọi dịch vụ Chính phủ điện tử; Xây dựng Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước thành hạ tầng số của Chính phủ điện tử ...
Các cơ sở dữ liệu là thành phần cốt lõi của các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ điện tử. Các bộ, ngành, địa phương phải đẩy nhanh việc triển khai, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu, đặc biệt là các cơ sở dữ liệu quốc gia (trước hết là cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, dân cư, bảo hiểm, đất đai, tài chính…).
* Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020 |